Từng sửa giày miễn phí cho người nghèo ở quê nhà, lên Sài Gòn, anh Bình lại tiếp tục công việc này. Mỗi lần sửa giày cho những người lao động nghèo như bác xe ôm, xe ba gác, xích lô hay người bán vé số..., anh đều tự nguyện sửa miễn phí.
Anh Lý Ngọc Bình (30 tuổi, quê ở Gia Lai) hành nghề sửa giày dép đã được 16 năm nay. Từ khi bắt đầu công việc này ở quê nhà, anh đã nhận sửa giày dép miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Dù kinh tế gia đình không hề khá giả nhưng sự đồng cảm với người nghèo khổ chính là động lực để anh luôn giúp đỡ mọi người.
Anh Bình sinh ra trong một gia đình thuần nông, anh là con thứ 3 trong nhà có 4 anh chị em. "Tôi học nghề qua một người bạn gần nhà từ năm 1998, trong một lần tình cờ thấy người ta sửa đôi giày tưởng như đã bỏ đi rồi nhưng sau mấy công đoạn đơn giản, đôi giày lại hoàn thiện như mới. Thích thú nên tôi học theo và làm từ đó đến nay" - anh Bình cho biết.
Năm 2007, sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự trở về, anh lại tiếp tục công việc sửa giày của mình được hơn 1 tháng rồi đến Sài Gòn mưu sinh.
Anh Bình kể rằng, hồi mới vào Sài Gòn, anh cũng muốn làm công việc sửa giày yêu thích nhưng cuộc sống ở mảnh đất phồn hoa lúc ấy chưa cho phép anh theo nghề mình thích. Thời gian đầu, anh xin làm những công việc khác ở các nhà hàng, bảo vệ hay trông xe... Sau khi làm các công việc ở nhà hàng, anh tích lũy được ít vốn, đến năm 2012, anh mở một tiệm sửa giày nhỏ chừng 2 mét vuông để sửa giày.
Vậy là anh lại có cơ hội thực hiện công việc đam mê ở miền đất mới. Anh thuê một căn phòng nhỏ với giá 1,3 triệu đồng/tháng, hàng ngày công việc của anh bắt đầu từ khoảng 6h30 cho đến 18h. Ổn định được một thời gian, anh lại nhận sửa giày miễn phí cho những bác xe ôm, xích lô, người chạy xe ba gác hay người bán vé số nghèo cũng như những người có hoàn cảnh khó khăn khác.
Anh Bình chia sẻ: "Lý do tôi muốn sửa giày miễn phí cho những người đó vì tôi hiểu được những nỗi khó khăn của họ ở Sài Gòn này. Tôi không giàu có gì nhưng giúp được gì thì mình giúp thôi, mình không giúp được bằng tiền thì mình giúp bằng công sức".
Ngày đông khách, thu nhập của anh khoảng 150.000 – 200.000 đồng. Số tiền ấy dù không phải là nhiều nhưng anh Bình vẫn sẵn lòng vui vẻ sửa giày, dép miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn. .
Anh cảm thấy vui và hăng say làm việc hơn khi được giúp đỡ những mảnh đời khó khăn như vậy.
Ban đầu, cũng có người hiểu sai lòng tốt của anh nên còn có lời dị nghị. Nhưng dần dần, họ đã hiểu ra và yêu mến người thợ sửa giày hơn.
"Không biết mưu sinh với nghề này ở đây được bao lâu nhưng nếu còn sửa giày ngày nào thì tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả tấm lòng của mình" - anh Bình chia sẻ.