Ông Diệp Tỷ (tên thường gọi là Nhã), làm nghề chạy xe ôm ở gần trường Nguyễn An Ninh (P.2, Q.10, TPHCM) đã hơn 20 năm. Đối với người dân nơi đây ông là người nhiệt tình, và dễ gần. Tuy nhiên, mọi người biết đến ông không phải vì cái nghề xe ôm của ông, mà gần 10 năm qua, mỗi khi đường dơ, nhiều rác bẩn, ông Diệp Tỷ lại âm thầm đi nhặt rác, quét dọn cho đường sạch hơn. Đặc biệt là mỗi khi trời mưa, ông đều ra đường nhặt rác ở các nắp cống để nước mưa thoát xuống nhanh, không còn cảnh ngập nữa.
Bà Lý Như Uyển (53 tuổi, ngụ Q.10) cho biết: "Ông ấy rất nhiệt tình trong việc giữ gìn vệ sinh, lúc nắng cũng như mưa, bất kể thời gian, cứ con đường nào có rác ông đều ra, dùng tay không để nhặt. Lúc trước ông tự làm một mình, rồi bà con xung quanh cũng thấy ngại trước việc làm của ông nên tự mình cũng ý thức được đôi chút. Hai năm trở lại đây, khi thấy ông Nhã ra nhặt rác thì cũng có vài người phụ lúc đó, nhưng chỉ có mình ông đều đặn gần 10 năm giúp bà con dọn rác".
Ông Tỷ vừa chạy xe ôm, vừa tranh thủ nhặt rác khi vắng khách.
Ông Tỷ cho biết, lúc đầu ông chỉ ngồi góc đường đợi khách đi xe ôm, một ngày, khi đang ngồi trên vỉa hè chờ khách thì trời mưa, ông chạy vội đến mái hiên nhà dân tìm chỗ trú, khi đó cơn mưa quá lớn làm nước ngập lên láng, cũng là lúc học sinh tan trường về. Đang ngồi trú mưa thì ông nghe tiếng thét lớn, nhìn qua đường thấy các em học sinh mặc áo dài, đi vào đường ngập nặng nên té, cả bộ đồng phục trắng nhem nhuốm, luộm thuộm, nhất là vẻ mặt nhăn nhó vì đau của các em khiến ông xót xa.
"Lúc đó, tôi nhìn xuống đường thì nước ngập quá cao, ngó qua mấy cống thoát nước thấy rác nghẹt cứng hết. Tôi mới chạy qua đó dọn rác thử xem là vì cống không thoát kịp hay miệng cống bị rác lấp. Sau khi tôi dọn vài cái cống đầu tiên, nước bắt đầu rút dần, đường đi trở nên dễ hơn. đẹp hơn. Biết được nguyên nhân, cứ trời mưa là tôi đến dọn, mình dọn sạch thì sẽ không bị ngập, các em học sinh đi về sẽ đỡ chật vật hơn", ông Tỷ chia sẻ.
Vì con đường gần chợ, nên người dân vứt rác rất bừa bãi, khi mưa các cống nước bị rác che lấp, nước không thể thoát được, mỗi khi trời mưa nước ngập gây khó khăn cho người đi đường.
Theo những người dân nơi đây, không chỉ riêng lúc trời mưa, mà hễ khi nào thấy rác, ông Tỷ đều ra nhặt. Ban đầu ai cũng nghĩ ông dở hơi, làm chuyện không đâu, nhưng một thời gian thấy con đường khang trang, sạch sẽ, ai cũng tự ý thức hơn trong việc bỏ rác đúng nơi quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân và người đi xe máy qua tuyến đường này vứt rác bừa bãi. Ông Tỷ không hề trách ai, chỉ âm thầm đi nhặt, bởi theo ông ý thức là do mỗi người, nếu họ không tự ý làm, thì mình nói cũng bằng không.
Ông Tỷ không ngại bẩn, không ngại mưa, cứ thấy rác là đến nhặt, việc làm của ông khiến những người dân quanh đây cũng đã ý thức hơn về việc giữ vệ sinh chung.
Ông Tỷ và một công nhân công ty thoát nước dùng tay không để nhặt rác, thông cống ngay lúc trời đang mưa để mau chóng thoát nước, không gây ngập úng.
Con đường trở nên thông thoáng hơn, nước bắt đầu rút khi đủ loại rác thải được về đúng vị trí của nó.
Rác thải đủ loại được ông Tỷ gom nhặt, ông cho biết ông làm điều này để các học sinh tan trường về nhà dễ dàng hơn, không còn bị té ngã do ngập nước nữa.
Nói về việc làm của mình, ông Tỷ không quan tâm người khác nghĩ mình như thế nào, ông chỉ biết học sinh sẽ không gặp khó khăn, mệt mỏi khi học cả ngày ở trường, bị ướt mưa mà con đường còn lầy lội. Theo ông, ông chỉ muốn góp một phần nhỏ để học sinh được đi học, hay về nhà cũng dễ dàng hơn, sạch sẽ hơn, không phải vất vả lội mưa, rồi té ngã giữa con đường đầy nước.
Ông Phạm Văn Nhân - Trưởng ban Bảo vệ dân phố, khu phố 5, phường 2, quận 10, TP. HCM cho biết:
"Việc của ông Tỷ làm là rất tốt, những năm nay ông ấy rất nhiệt tình trong công tác giữ vệ sinh môi trường tại đây. Bất kể trời mưa hay nắng, ông Tỷ không ngại rác, ngại dơ đều ra đường dọn dẹp vệ sinh, những người dân quanh đây thấy việc làm của ông Tỷ thì họ đều ý thức trách nhiệm của mình về bỏ rác đúng nơi quy định".