Nghị lực của nữ sinh trường chuyên mắc căn bệnh "da sần sùi như vỏ cây"

, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 05/05/2014

Nhìn đôi bàn tay sần sùi, bong tróc vẫn cố gắng cầm cây bút một cách khó nhọc của em, không ai là không khỏi xót thương, đồng cảm với cô học trò nhỏ.

Đến trường THPT Chuyên Thái Nguyên (TP. Thái Nguyên), thầy cô và bạn bè đang nhắc nhiều đến cái tên của một tân học sinh lớp 10 – lớp chuyên Địa khoá 25 đầy sự tự hào và ngưỡng mộ về nghị lực sống cũng như tinh thần ham học tập của em.

Đó là em Nguyễn Thị Thu Hoài, sinh ngày 24/6/1997. Từ khi sinh ra, Hoài đã có những biểu hiện của một căn bệnh lạ mà theo như các bác sĩ từng thăm khám cho em thì “rất ít người mắc phải”.

Nhà nghèo, bệnh lạ đeo đẳng từ lúc sinh ra

Cô Đỗ Thị Thanh Tâm, mẹ của em cho biết: “Lúc mới sinh, Hoài cũng được 3,5 kg – cân nặng này hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, trên cơ thể em lại xuất hiện những chấm nhỏ đỏ li ti, chỉ bé bằng đầu hạt tăm.” – Đây là những dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh quái gở đã theo em suốt quãng thời gian từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành.

Càng về sau, những chấm nhỏ đỏ càng lớn dần và lan rộng, đặc biệt là ở vùng bàn tay, chân và sau gáy. Lớn lên, da em cứ sạm đen lại, những vùng ở bàn tay hay bàn chân, các lớp da cứ sùi đùn lên thành nhiều lớp. Sau đó tự khô đi và bong ra như vẩy nến, gây đau đớn trong cả sinh hoạt và di chuyển.



Chân dung em Nguyễn Thị Thu Hoài (SN 1997), học sinh lớp 10 chuyên Địa - trường THPT Chuyên Thái Nguyên. Vừa qua, em đạt giải Nhì học sinh giỏi  cấp Tỉnh môn Địa lý.


Góc học tập giản dị, với những chồng sách cao quá đầu cô gái nhỏ.

Những đau đớn về thể chất không thể ngăn nổi niềm say mê học tập của Hoài.

Đôi bàn tay sần sùi, bong tróc những lớp da khiến việc cầm bút của em đầy khó khăn và đau đớn.


Đôi tay không lành lặn vẫn hàng ngày miệt mài trên từng trang giấy.


lúc quá đau đớn, Hoài bật khóc ném cây bút đi trong bất lực. Hình ảnh này khiến ai nhìn cũng phải xót xa.

Ngay từ khi Hoài mới sinh ra, bố lâm vào con đường sai trái nên mẹ Hoài quyết định ly dị, đưa em về sống với ông bà ngoại, để dạy dỗ em tốt hơn. Hiện nay, hai mẹ con em Hoài đang sống cạnh gia đình ông bà ngoại cũng đã 75 tuổi. Gia đình em được xếp vào danh sách hộ nghèo của thành phố.

Hàng ngày, cô Tâm phải dậy sớm vừa để đưa em đi học, sau đó lại tất tả ra chợ Thái để nhập một ít hoa quả tươi như xoài, dứa... về bán ở vỉa hè. Đó cũng là nguồn thu nhập chính của hai mẹ con. Khi còn trẻ, cô Tâm có làm công nhân nhà máy dệt thảm của hợp tác xã thành phố. Tuy nhiên, sau khi giải thể, cô nghỉ hẳn ở nhà với công việc đi chợ lặt vặt. Hoài hiểu được nỗi vất vả của mẹ nên luôn tự dặn lòng phải biết nghe lời và cố gắng học tập nhiều hơn.



Ông ngoại của Hoài năm nay cũng đã 75 tuổi, 2 ông bà sống trong căn nhà ngay sát cạnh nhà mẹ con Hoài.


Nhà ông bà của Hoài vẫn là nhà tranh, vách đất

Nghị lực của cô học trò kém may mắn

Vậy mà suốt 9 năm học trôi qua, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Năm lên lớp 10, Hoài đã vượt qua hàng trăm bạn bè cùng trang lứa, thi đỗ vào lớp chuyên Địa của trường THPT Chuyên Thái Nguyên – một ngôi trường có tỉ lệ “chọi” cao với nhiều gương mặt học sinh ưu tú trong toàn tỉnh. Đặc biệt, ngay ở kì học đầu tiên, Hoài còn “ẵm” thêm cả một giải Nhì cấp Tỉnh môn Địa trong kì thi học sinh giỏi. Trên lớp, thầy cô và bạn bè đánh giá em là cô học trò chăm chỉ, chịu khó và liên tục đạt các điểm số cao.

Ngồi tâm sự, hỏi em tay như vậy cầm bút có đau nhiều không? Hoài chia sẻ: “Dạ có ạ. Nhiều lần em cũng khóc òa lên vì cầm bút mà tay đau quá. Nhưng ngồi một lúc, cơn đau qua đi thì em lại nhặt bút lên, rồi tự dặn lòng phải cố gắng, cố gắng để viết tiếp. Dù sao mẹ cũng luôn ở bên cạnh động viên em”.

“Vậy ở trên lớp mà không có mẹ, đặc biệt những hôm kiểm tra thời gian có hạn, tay đau quá thì làm thế nào?” - “Phải cố thôi chứ không biết làm thế nào ạ. Em vẫn cứ nghĩ đến mẹ đang làm lụng ở nhà để mà cố gắng” – cô bé trả lời.



Cô Đỗ Thị Thanh Tâm (SN 1968) là mẹ của em Nguyễn Thị Thu Hoài. 

 

Suốt những năm học vừa qua, mẹ luôn cùng em đồng hành đến trường trên đôi chân gầy yếu và bệnh tật.


Giống như đôi tay, đôi chân của Hoài cũng mắc chứng bệnh tương tự nên mỗi bước đi đều phải có sự hỗ trợ của mẹ. Trong nhà, Hoài rất hạn chế đi lại, mặc dù rất muốn giúp đỡ mẹ những công việc vặt như nấu cơm, rửa bát... nhưng em không thể thực hiện được.






Mẹ luôn dành cho em nhiều lời động viên và tình cảm sâu nặng nhất trong cuộc sống!


Hoài bên tập giấy khen mà mẹ em lưu giữ trong nhà.

Nhớ lại thời điểm Hoài đang học lớp 5 trường tiểu học Lê Văn Tám, cô Tâm cho biết, em đã phải nghỉ học một năm ở nhà do quá ốm yếu. Gia đình cho em đi điều trị ở bệnh viện da liễu Quốc gia. Bác sĩ vẫn không kết luận được bệnh của em là bệnh gì, chỉ cho em điều trị bằng các liều thuốc kháng sinh và bôi thuốc mỡ ngoài da.


Khi được trở lại đi học, Hoài tiếp tục đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền với điểm tổng kết từ 8,0 trở lên.

"Giả sử căn bệnh của em được chữa khỏi, em muốn làm gì nhất trong tương lai?", chúng tôi đặt câu hỏi như vậy cho cô bé dẫu biết rằng phía trước em là cả một chặng đường dài đầy thử thách! Cô nữ sinh trường chuyên nhỏ nhẹ đáp lại: "Em muốn được trở thành nhà văn nhất". Tại sao lại trở thành nhà văn? - "Em thích được viết, em thích viết truyện ngắn, thích viết những thứ xung quanh cuộc sống của em".

Ngồi kế bên, mẹ của em - cô Tâm tiếp lời: "Vừa qua, em nó còn được giải khuyến khích cuộc thi viết thư UPU đấy. Nó hóa thân thành "Táo âm nhạc" để lên trình tấu với Ngọc Hoàng. Thường ngày, con bé cũng rất thích nghe nhạc, bài nó thích nhất là "Niềm tin chiến thắng" của ca sĩ Mỹ Tâm, ca sĩ nó thích nhất chính là cái cô thể hiện bài hát trên thành công nhất đấy!".

Để ước mơ giản dị của cô nữ sinh trường chuyên được thành hiện thực rất cần có sự chung tay và giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Cô Tâm và em Hoài hiện đang sống cạnh nhà ông bà ngoại, ở số nhà 81, tổ 22, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên. Số điện thoại cô Tâm:0169. 933. 2668