Tháng 10/2012, chú Nam Đồng (SN 1948) cùng những người bạn của mình đã tự bỏ tiền ra thành lập quán cơm Nụ Cười, với giá 2.000 đồng/phần đầy đủ món mặn (hoặc xào), canh và trái cây. Với phương châm là quán cơm nghĩa tình, ai đến đây cũng phải được "bao no" nên quán luôn tặng cơm thêm, đến khi nào người ăn cảm thấy "đã" thì thôi.
Ban đầu, rất nhiều người ái ngại cho rằng quán bán với giá 2.000
đồng thì sẽ có vấn đề về vệ sinh, nguồn gốc thực phẩm… Tuy nhiên, bất
kỳ ai một lần bước vào quán cũng sẽ thấy được sự sạch sẽ, ngăn nắp từ
cái bàn, chiếc ghế. Nồi nấu ăn mỗi ngày nhưng sạch bóng không chút vết
bẩn.
Quán Nụ Cười ở tất cả chi nhánh trong Sài Gòn đều ngăn nắp, sạch sẽ, mở cửa từ sớm để tiếp đón người nghèo từ khắp mọi nơi.Vì muốn đa dạng và mọi người đến ăn cảm thấy hạnh phúc hơn nữa, các quán cơm Nụ Cười ở Sài Gòn đã thực hiện chương trình "Ngày thứ năm hạnh phúc" với các món như: phở, hủ tíu, bún bò, bún bò huế... với giá chỉ 1.000 đồng/1 tô và mọi người ăn bao nhiêu tùy thích.
Vào "Ngày thứ năm hạnh phúc", các món bún, phở ở quán đều có giá chỉ 1.000 đồng.
Những bà con là “mối ruột” của quán đều chuẩn bị sẵn 1.000 đồng để xếp hàng mua phiếu ăn.
Quán
bán với giá 1.000 đồng, hay 2.000 đồng vì mọi người muốn bà con đến ăn
trong tâm trạng là họ có thể mua, trang trải bữa ăn của mình, chứ không
phải là sự bố thí, như thế bà con sẽ thấy được tôn trọng hơn.Ngày thường, quán sẽ bán hơn 400 phần cơm
với giá 2.000 đồng/phần, riêng "ngày thứ năm hạnh phúc", quán sẽ nấu hơn 1.000 phần,
không giới hạn thời gian bán, sẽ bán khi nào hết suất ăn hoặc hết khách
thì thôi, nên bà con không lo không có phần.
Nơi đây như ngôi nhà chung của tất cả mọi người, một nơi không có sự khó khăn, chỉ tràn ngập tiếng cười.
"Trong cuộc đời tôi, việc ăn một tô bún nhiều thịt như thế chỉ có trong giấc mơ, thế nhưng tôi chỉ cần trả 1.000 đồng là có thể thực hiện giấc mơ của mình", bà Võ Thị Phụng Vân (79 tuổi, Q.1) chia sẻ.Với người già, trẻ em, người khuyết tật thì sẽ được ưu tiên vào trước, nhân viên sẽ mang thức ăn đến tận bàn, hoặc mang ra tận phía ngoài đối với người đi xe lăn.
Bà Trần Thị Nguyệt (thực khách) bật khóc khi chia sẻ: “Những đứa con của tôi đã mất trong trận lũ, tôi và chồng đi khắp nơi để kiếm sống. Giờ đây, ông ấy bệnh nằm một chỗ, tôi đi bán vé số chỉ lời 1.000 đồng một tờ, nên nhiều lúc không dám ăn trưa. Tôi biết ơn, biết ơn nhiều lắm, nếu không có mấy cô tốt bụng, tôi sẽ phải nhịn đói qua ngày vì tiền chỉ dùng mua thuốc cho chồng. Ở đây, tôi được ăn cơm ngon, được đối xử như người nhà, đó là niềm hạnh phúc không thể tả nổi”.
Chị Hoàng Tâm (48 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, đầu bếp chính) cho biết:
“Tôi đứng bếp đến nay đã hơn 2 năm. Tôi rất vui khi mọi
người thích món ăn mà tôi nấu. Nhìn bà con ăn ngon lành với cảm giác
hạnh phúc, tôi tự nói với mình sẽ đến quán nấu đến khi nào không còn sức
nấu nữa mới thôi”.
Chị Tâm (bếp chính tại quán) luôn thấy hạnh phúc khi nhìn mọi người ăn ngon lành những món mình nấu.
Ban đầu, vì người đến ăn thường sợ hết phần nên hay chen lấn khi xếp hàng, với mong muốn no bụng nên họ thường lấy thêm nhiều cơm sau đó bỏ phần thừa rất nhiều. Ăn xong, giấy lau, vỏ chuối đều vứt khắp nơi, nhưng hầu hết thành viên và tình nguyện viên của quán không ngại điều đó mà luôn tập thói quen tự giác cho họ bằng những bảng nhắc nhở như "Hãy nhặt hạt cơm dưới bàn của bạn lên", "Hãy lượm cơm đổ dưới bàn, thì bạn sẽ quý tấm lòng người trao", "Nên bỏ vỏ chuối và giấy lau vào sọt". Giờ đây, quán dù đông thế nào thì mọi người đều xếp hàng, tự giác dọn chén, và bỏ rác đúng nơi quy định nên quán luôn sạch sẽ và trật tự.
Quán không thể phục vụ hết bà con trong một lần nên những người đến sau phải xếp hàng chờ đến lượt. Tuyệt nhiên không có chuyện chen lấn, xô đẩy.
Điều đặc biệt ở quán là khi vừa bước vào, mọi người sẽ thấy những lời nhắc nhở chân thành mà ai cũng tự nguyện làm theo.
Ông Hạ Lương (78 tuổi, ngụ Bà Hạt, Q.Tân Bình) vui sướng: “Tôi thường đến đây để ăn cơm vì tiết kiệm được nhiều chi phí. Hôm nay, tôi đã làm hết tập 1 (ăn xong 1 lần) giờ đi xếp hàng để làm tiếp tập 2. Từ khi có quán này tôi mới biết phở, bún bò,… có mùi vị như thế nào. Bình thường tôi không dám ăn những món này vì ở nơi khác nó quá đắt, thấp nhất đã là 15.000 đồng. Đến đây như đến một thiên đường của người nghèo chúng tôi”.
Hiện ở quán Nụ Cười 1 có 7 thành viên hoạt động thường xuyên gồm chị Võ Thị Thu Hồng (em dâu của chú Nam Đồng) người đồng hành cùng với quán từ khi thành lập đến nay, 2 sinh viên, 3 đầu bếp, 1 thư ký, cùng hơn 10 tình nguyện viên, ngoài ra quán cũng sẵn sàng nhận sự chia sẻ, giúp đỡ từ những tập thể, cá nhân khác.
"Ngày thứ năm hạnh phúc" là ngày mà quán nói vui rằng mọi người cứ ăn đến khi nào thấy "đã" thì hãy về.
Chị Hồng chia sẻ:
“Thời anh Đồng còn là sinh viên, anh cũng thường đến ăn ở những quán cơm “bao no”, anh luôn ấp ủ một mơ ước sẽ mở ra những quán như thế để trả ơn cho chủ quán ngày xưa. Theo anh Đồng, quán tên là Nụ Cười vì anh muốn bất kỳ ai vào quán khi trở ra cũng sẽ cảm thấy phấn khởi, có thêm nhiều hy vọng và cười hạnh phúc vì được ăn no như anh ngày xưa”.
“Chú Nam Đồng là người nhân
hậu và tốt tính, lúc còn khỏe, chú đến các quán thường xuyên để thăm mọi
người. Bây giờ chú đã yếu nhưng hễ ai đến thăm là chú đều gửi lời chúc
bà con ngon miệng. Không chỉ bán cơm 2.000 đồng ngày thường, 1.000 đồng
vào “ngày thứ năm hạnh phúc”, khi nào quán nhận được nhiều sự ủng hộ về
lương thực, gạo, hay chi phí, quán sẽ tổ chức những chuyến đi từ thiện
đến các tỉnh vùng sâu vùng xa. Bà con nơi đó cũng rất cần những bữa ăn
“bao no” như ở đây”, chị Vân Kiều (thư ký tại quán) chia sẻ.
Niềm vui của mọi người khi dùng xong "một bữa no" chỉ với giá 1.000 đồng/tô. Với công việc ý nghĩa của mình, quán Nụ Cười dần có được sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Sau 3 năm hoạt động, nay hệ thống quán ăn tình nghĩa Nụ Cười đã mở rộng ra thành 6 quán, rải đều tại các quận như quận 1, quận Tân Phú, quận Thủ Đức… nhằm mang lại cho người nghèo được một bữa cơm ngon giá rẻ.