Ngày cuối cùng
Là những người lo đầy đủ các bữa ăn cho Đại tướng trong suốt thời gian ông ở bệnh viện, hai chị Trần Thị Ngọc Lan và Nguyễn Thị Mai trực tiếp nấu nướng và mang thức ăn lên tận giường cho ông. Trong ngày cuối cùng 4/10, Đại tướng vẫn dùng đầy đủ các bữa ăn, sữa và trái cây.
Chế độ dinh dưỡng đặc biệt mà các bác sĩ kê cho Đại tướng là ba bữa chính, hai bữa sữa và hai bữa hoa quả. Làm công việc nấu ăn phục vụ bệnh nhân đặc biệt là Đại tướng nên chị Lan và chị Mai dồn hết tâm sức của mình để có thể nấu được những bữa ăn thật ngon, thật vừa miệng cho Đại tướng.
Không chỉ tìm hiểu xem Đại tướng thích ăn những món gì, chế biến như thế nào để đạt độ dinh dưỡng phù hợp với sức khỏe của ông mà các chị còn chăm chút khi đại tướng ăn những món đó.
Các chị ngồi cạnh mỗi khi Đại tướng ăn để hỏi xem món ăn này có phù hợp với ông không, có hợp khẩu vị không: “Khi nào ông ăn không hết, chúng tôi đều hỏi ông tại sao ông không ăn hết phần. Khi đó chúng tôi rất buồn, hoặc là do sức khỏe ông yếu, hoặc là do chúng tôi nấu ăn không hợp khẩu vị...”.
Tuy nhiên, những bữa ăn này, dù có những lần ăn không hết, nhưng chưa bao giờ Đại tướng nói với các đầu bếp là do các chị nấu dở cả. “Ông thường nói, do hôm ấy ông không được khỏe nên không ăn hết được”, chị Lan tâm sự.
Bữa sáng ông thích ăn bánh mì, sữa và phô mai. “Trên chiếc tủ trong phòng của đại tướng luôn có một hộp phô mai”, thượng tá, bác sĩ Vũ Phi Hải, phó chủ nhiệm khoa A11, nói về thói quen ăn uống của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như thế.
Những bữa ăn cho Đại tướng có hẳn một thực đơn được bác sĩ dinh dưỡng kê theo tuần với các món ăn được đổi theo từng bữa. Trong những ngày sức khỏe đại tướng suy giảm, ông không ăn cơm mà ăn súp. Vẫn là những thực đơn mà bác sĩ kê nhưng các món ăn của Đại tướng được các chị cấp dưỡng nấu thành món súp để ông dễ ăn hơn. Và dù công việc của các chị luôn ở dưới bếp nhưng một ngày sáu lần mang thức ăn cho ông nên các chị cũng là những người rất gần gũi.
Ông của anh thế nào rồi?
Đó là câu hỏi mà các bác sĩ của khoa A11 hỏi những điều dưỡng, hộ lý thường xuyên nâng giấc chăm lo sức khỏe cho Đại tướng những ngày ông ở viện. Những bác sĩ, hộ lý và những người làm công tác chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 1.559 ngày qua đã tự coi mình như con cháu của cụ.
Dù có đi công tác, hay hết ca trực về nhà và bàn giao ca cho người khác, nhưng dường như mối quan tâm hàng đầu của tất cả y bác sĩ ở đây chính là tình hình sức khỏe của Đại tướng. Đến nỗi, sáng sớm, khi bác sĩ vừa đặt chân đến khoa, câu đầu tiên mà các anh hỏi các điều dưỡng và hộ lý của mình là: “Ông của anh thế nào rồi?”. Đáp lại những câu hỏi này là câu trả lời: “Ông của anh hôm qua ngủ tốt” hoặc “Sáng nay ông của anh ăn không được ngon miệng”.
Ông của anh, ông của em là những từ ngữ thân thuộc mà tập thể y bác sĩ dành để nói về đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày ông điều trị tại đây. Ông là một phần của khoa nên thân quen và gần gũi vô cùng. Tình cảm này của toàn bộ êkip 37 người của khoa A11 Bệnh viện 108 được các anh chị coi như tình cảm giữa những người ruột thịt.
Nếu các đầu bếp lo việc dinh dưỡng cho Đại tướng thì điều dưỡng chính là những người nâng giấc, chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho Đại tướng. 23 điều dưỡng ở khoa A11 này chính là những người gắn bó thân thiết với Đại tướng nhất.
Đại tướng hay bị ngứa lưng, có những khi đang nằm ngủ mà cứ cựa quậy không ngủ được. Để Đại tướng được ngon giấc, gần như tối nào các điều dưỡng cũng xoa lưng cho ông dễ ngủ. Để đảm bảo giấc ngủ, bữa ăn cho ông, những điều dưỡng trực đêm tại bệnh viện thường thay nhau nâng giấc cho đại tướng, mà các chị luôn coi đây là vinh dự lớn của bản thân mình.
Sức khỏe Đại tướng suy giảm từ ngày thứ 129
Trong 1.559 ngày Đại tướng ở bệnh viện, chỉ có 128 ngày đầu là ông còn nói to được và sức khỏe khá tốt. Nhưng từ ngày thứ 129 trở đi sức khỏe của ông suy giảm. “Khi ấy phải mở khí quản nên cụ chỉ nói thầm thì, phải ghé sát xuống mới nghe được cụ nói. Tôi cho rằng êkip bác sĩ ở Bệnh viện 108 đã không chỉ chăm sóc Đại tướng bằng trách nhiệm mà còn bằng tình yêu và tình cảm đặc biệt của họ dành cho cụ. Nếu không có tình cảm như con, như cháu và sự nỗ lực không ngừng kia thì chắc cụ khó có thể vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn đến thế”, giáo sư Phạm Gia Khải, phó Ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trung ương, nói như vậy về những đồng nghiệp của mình.