Cháu bé đáng thương mà chúng tôi muốn nói đến ở đây là em Lò Ngọc Tuấn (6 tuổi) - cháu ngoại bà Đinh Thị Giêng (55 tuổi, quê ở xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).
Hiện Tuấn đang được điều trị tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương (Cầu Giấy, Hà Nội). Từ lúc sinh ra, Tuấn mắc chứng bệnh tan máu bẩm sinh nhưng bị cha ruồng bỏ, khai trừ ra khỏi dòng họ, mẹ đẻ thì bỏ đi lấy chồng biệt xứ đến nay không tin tức.
đj
Bà Giêng bên cháu Tuấn tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương.
Ngồi cạnh cháu ngoại trên giường bệnh, bà Đinh Thị Giêng kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời bi đát, cùng cực của hai bà cháu. Suốt bao năm qua, dù đã có tuổi nhưng một tay bà vẫn gồng gánh kiếm tiền để duy trì sự sống cho đứa cháu đáng thương bị mẹ cha ruồng bỏ. Theo bà Giêng, 7 năm về trước con gái bà là Lò Thị Xôm kết duyên cùng một trai bản và Tuấn là kết quả của cuộc tình đó.
“Khi Tuấn được 9 tháng tuổi thì nó sốt liên tục, có nhiều triệu chứng lạ nên gia đình đưa đến bệnh viện huyện để khám. Các bác sĩ bảo là cháu bị thiếu máu và mắc chứng tan máu bẩm sinh. Biết tin ấy, bố đẻ Tuấn ngày càng xa lánh rồi ruồng bỏ thằng bé luôn. Không những thế còn khai trừ cháu ra khỏi dòng họ”, bà Giêng kể lại.
Ngay khi biết tin Tuấn mắc bệnh tan máu, bố đẻ ruồng bỏ rồi khai trừ bé ra khỏi dòng họ, còn người mẹ không lâu sau cũng đi lấy chồng, bặt vô âm tín.
Trên tay bé Tuấn lúc nào cũng đeo băng gạc, kim truyền.
Theo lời kể của bà Giêng, có lần, vì thiếu máu quá nặng nên Tuấn ngất lịm đi, nhưng lúc đó bệnh viện không còn máu dự phòng. Bà đi gọi bố đẻ để truyền máu cho con nhưng người bố nhất định không cho. "Bố thằng bé bảo là cả họ không ai bị bệnh như thằng bé cả, rồi từ đó nó không quan tâm gì đến con mình nữa. Hai mẹ con nó về ở cùng tôi, khi Tuấn được 3 tuổi thì mẹ nó cũng đi lấy chồng mới, rồi không có tin tức gì cho đến bây giờ".
Bà Giêng đau buồn nhớ lại ngày tháng đưa cháu đi bệnh viện để duy trì sự sống.
Thấy cháu bị cha ruồng rẫy, mẹ bỏ đi không người chăm lo, bà chạnh lòng, thương cho số phận hẩm hiu “vận” vào số phận đứa cháu tội nghiệp. Ở bệnh viện tỉnh không đủ máu truyền cho Tuấn, hàng tháng, hai bà cháu phải vượt hàng trăm cây số xuống Hà Nội điều trị. Lúc đầu là vào Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng 2 năm trở lại đây, cháu Tuấn được đưa xuống Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương mỗi tháng 1 lần, mỗi đợt điều trị như thế ít nhất cũng phải từ 10 đến 15 ngày, lâu thì cả tháng trời. Mỗi lần vào viện, Tuấn phải truyền 5-6 bịch máu (mỗi bịch 250ml). Khi bệnh tình của cháu thuyên giảm, bà cháu lại khăn gói đưa nhau về quê.
Những lúc Tuấn được về nhà, em lại hào hứng cắp sách đến trường nhưng vì phải đi chữa trị liên tục nên việc học hành của Tuấn cũng bị gián đoạn. Hằng ngày, bà Giêng phải đi làm cỏ, chăn trâu thuê để kiếm tiền chi trả viện phí cũng như trang trải cho hai bà cháu. Số tiền bà kiếm được khoảng 80 nghìn đồng/ngày, nhưng phải chi trả viện phí nên mỗi tháng, hai bà cháu chỉ còn 200.000 - 300.000 đồng để chi tiêu.
Nhắc đến đứa cháu tội nghiệp, bà Giêng nghẹn ngào: “Nhìn các bạn được bố mẹ mua bánh kẹo, đồ chơi, Tuấn lại hỏi tôi tại sao các bạn có bố, có mẹ mà cháu không có? Bà có phải là mẹ cháu không? Bà để cho cháu đi tìm bố mẹ cháu thử xem có thấy không? Những câu hỏi ngây thơ của cháu khiến tôi chảy nước mắt”.
Bà Giêng lo lắng khi thấy bụng của Tuấn ngày một phình to. Bị biến chứng của bệnh tan máu nhưng vì chi phí điều trị lớn nên hiện tại, Tuấn vẫn chưa có tiền để phẫu thuật cắt lá lách.
Nhìn bụng Tuấn ngày một to, bà Giêng không khỏi lo lắng: “Do biến chứng của bệnh tan máu bẩm sinh nên bụng của Tuấn ngày một phình to, luôn đau tức. Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt lá lách và chi phí cho ca mổ là 20 triệu đồng nhưng số tiền đó quá lớn, tôi không thể nào xoay xở nổi. Ở quê, tài sản không có gì đáng giá ngoài mảnh đất tổ tiên để lại. Giờ nếu bán đi sau này hai bà cháu cũng không biết ở đâu. Nhưng nếu không mổ thì lá lách chèn nội tạng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cháu”.
Bữa cơm đơn giản của hai bà cháu.
Bữa cơm tối đơn giản chỉ có 1 suất cơm 20 nghìn đồng chia cho hai bà cháu. Suất cơm chỉ có 2, 3 miếng giò, ít rau muống nhưng Tuấn ăn rất ngon lành. Để cháu ăn no, bà mới lấy đũa ăn nốt số cơm thừa. Những lúc hết tiền, bà chỉ ăn tạm cái bánh mỳ lót dạ.
Nhìn thấy các bạn có đồ chơi, Tuấn thích lắm nhưng không dám đòi bà mua.
Bà Giêng thật thà kể thêm: “Thấy các bạn có đồ chơi, biết bà không có tiền, Tuấn cũng rất ngoan và không dám đòi. Thi thoảng cháu lại mượn quyển sách của các bạn trong phòng để xem”.
Tuấn mơ ước sớm khỏe bệnh để được đi học như các bạn.
Trò chuyện với chúng tôi, Tuấn vô tư nói: “Cháu chỉ ước có bố mẹ ở bên cạnh. Thích được uống sữa, đồ chơi và nhanh khỏi bệnh để được đi học như các bạn thôi”.
Mọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm xin liên hệ: Bà Đinh Thị Giêng (55 tuổi) quê ở xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Hiện tại bà Giêng và cháu Tuấn đang điều trị tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương (đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Số điện thoại: 01632.746.085 |