Ngay khi bắt đầu mở quán (đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP. HCM) từ 15h30 hàng ngày, lượng khách đã bắt đầu kéo đến nườm nượp để thưởng thức món chè mâm 16 món duy nhất ở Sài Gòn. Không khí nhộn nhịp cho đến 23h đêm, khi chủ quán chuẩn bị dọn hàng, đóng cửa thì vẫn còn người đến hỏi mua về. Nhiều người đều ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh một quán chè bình dân lại đông khách đến như vậy, bất kể đến vào giờ nào trong thời gian bán cũng có hàng trăm người ghé đến.
Với tính cách vui vẻ và nhiệt tình với thực khách, chị Ngô Thị Thanh Tuyền (33 tuổi, chủ quán chè mâm) chia sẻ:
"Quán chè này cũng đã trải qua 3 đời
rồi, cũng vì sự lâu năm này nên nhiều khách hàng tin tưởng ghé
thưởng thức chè dù ở thế hệ nào đi nữa. Sau năm 1975, quán chè được bà ngoại tôi mở bán với giá chỉ 200 đồng/chén và đến hiện tại thì 4.000
đồng/chén".Mỗi đêm quán chè mâm của chị Tuyền đều nườm nượp khách.
Khi nhắc về quá khứ từ khi quán chè được thành lập, những kỉ niệm lại ùa về trong tâm trí chị. Để quán chè được tồn tại đến thế hệ thứ 3 của chị là cả một quá trình phấn đấu đem đến sự chất lượng tốt nhất trong nhiều món chè và phương pháp kinh doanh quán cũng được thay đổi mỗi ngày để phù hợp với thời cuộc.
Khách mua mang về cũng khá nhiều nên cũng giảm tải được phần nào chỗ ngồi.
Trước đây, trong mâm chè chỉ có 6 món, qua thời gian chị Tuyền chế biến
tăng lên 8 món, 13 món, 16 món và sẽ tiếp tục tăng nữa với mỗi món chè
mang một hương vị khác nhau.
Chị chủ quán cho biết thêm, trải qua thời gian nên mọi thứ đều thay đổi và hầu hết khách đến quán với số lượng nhiều nên thường gọi chè mâm 16 món có giá 75.000 đồng. "Hiện tại, mỗi đêm như vậy cũng bán được hơn 1.000 chén chè, trừ hết chi phí vốn mua nguyên liệu và trả lương cho 6 nhân viên cũng lời được khoảng 1,5 triệu - 2 triệu đồng. Số tiền lời tôi dùng để trang trải chi phí cho cuộc sống gia đình và làm từ thiện giúp người nghèo", chị Tuyền chia sẻ.
Thực đơn của một mâm chè gồm 16 món, ngoài ra tại quán còn bán flan và rau câu để thêm thu nhập.
Theo chị, các hàng quán kinh doanh ẩm thực hiện nay mọc lên khá nhiều, cạnh tranh gay gắt nên kiếm được số tiền lời như thế cũng không phải dễ dàng. Để khách tin tưởng ghé quán thưởng thức món chè phải có những bí quyết riêng. "Điều quan trọng hơn nữa phải đảm bảo vệ sinh món ăn và trật tự văn minh nơi mình buôn bán mới mong có khách", chị chủ quán nói.
Dường như khách mua chè "sỉ" để ăn no vì quá ngon và rẻ.
Đây là số lượng chè dành cho bàn ăn 4 người ăn.
Khách tới quán chè mâm của chị Tuyền không chỉ có sinh viên, cả những người đi làm cũng thường xuyên ghé thưởng thức. Hầu hết khách hàng đều cho rằng giá món chè mâm đều ở mức phải chăng, bình dân.
Chị Quyên (nhân viên văn phòng làm việc ở quận 5) thường tụ tập bạn bè tại quán chè này chia sẻ: "Chè ngon, giá cả hợp lý nên tôi thường rủ bạn bè đến đây ăn vào mỗi tối. Tôi đến đây ăn chè lần nào cũng thấy quán rất đông khách, có khi không đủ ghế ngồi luôn. Kinh doanh chè bình dân mà khách đông như vậy, thật đáng mơ ước của nhiều người. Cũng vì thế việc kiếm tiền triệu mỗi đêm tại một trong những cung đường ẩm thực của Sài Gòn thì không có gì ngạc nhiên".