Lương cao 20 triệu/tháng, làng đúc đồng Ngũ Xã vẫn thiếu người làm dịp Tết

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 12/02/2015
Chia sẻ

Mức thù lao cho thợ lành nghề lên tới gần 20 triệu/tháng nhưng làng đúc đồng Ngũ Xã vẫn thiếu người làm, không thể đáp ứng hết các đơn hàng "chất cao như núi" trong những ngày cận Tết.

Hơn 100 năm qua, Ngũ Xã (Tây Hồ, Hà Nội) vang danh khắp cả nước vì có nghề đúc đồng đạt đến trình độ điêu luyện. Nhắc đến các làng nghề của mảnh đất Thăng Long xưa, người ta vẫn còn lưu truyền câu ca dao: "Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. 

Đã có thời kỳ, dân làng Ngũ Xã ăn nên làm ra nhờ nghề đúc đồng. Khắp làng, nhà nào cũng theo nghề, quanh năm rộn ràng tiếng búa, tiếng khoan bên bếp than nấu đồng sáng rực. Tuy nhiên, hiện nay, cả làng Ngũ Xã chỉ còn 2 hộ bám trụ với nghề, đó là gia đình ông Nguyễn Văn Ứng và bà Ngô Thị Đan. 
 
Rục rịch đón tết sớm từ nửa năm vì thiếu người làm
 
Đến thăm xưởng đúc đồng của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng (15 Hồng Hà, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) ngày cận Tết Ất Mùi, không khí làm việc ở đây đang hết sức tất bật. Anh Nguyễn Thanh Tuấn, con trai ông Ứng cho biết, để kịp tiến độ giao hàng cho khách, hơn 20 nhân công trong xưởng phải làm việc hết công suất, bếp than nấu đồng lúc nào cũng rực lửa từ 7h sáng đến gần 10h đêm.
 
Hiện nay, lớp thợ lành nghề trong xưởng hầu như đã ngoại lục tuần. Cha con anh Tuấn hết sức lo ngại rằng khi lớp người này ra đi, sự tồn tại của xưởng đúc đồng sẽ gặp thách thức lớn vì thiếu người tài.
 
Theo anh Tuấn, từ 6 tháng trước, xưởng đúc đồng của gia đình anh đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho dịp Tết. "Nghề đúc đồng phải làm bằng tay, không có máy móc phụ trợ nên rất kỳ công, tốn nhiều thời gian. Chưa kể là nhu cầu thị trường thì nhiều trong khi thợ làm ít". 
 
Tuy vậy, anh Tuấn cũng chia sẻ, nghề này luôn gắn với các đồ cúng lễ mang ý nghĩa tâm linh nên khách đã tìm đến là anh lại không nỡ chối từ. Vì thế, đơn hàng dịp Tết đặt tại xưởng anh Tuấn chất đống. Anh Tuấn nói: "Mấy năm nay, kinh tế phát triển. Phú quý sinh lễ nghĩa, người dân cũng rộng rãi chi tiêu vào các vật thờ cúng nên đơn hàng rất nhiều, trong Nam, ngoài Bắc thậm chí cả nước ngoài đều có, chỉ sản xuất theo yêu cầu thôi cũng còn không kịp".
 

Những ngày cận Tết, bếp nấu đồng đỏ lửa đến tận đêm khuya.

Để đảm bảo giao hàng đúng hẹn cho khách, xưởng đúc của gia đình anh phải chuẩn bị Tết sớm trước nửa năm. Các công đoạn chuẩn bị như sắp xếp, phân loại đơn hàng, nhập nguyên liệu (đồng, than đá, thạch cao), lên ý tưởng, làm mẫu được công nhân hoàn tất từ nhiều tháng nay. Trong những ngày cuối năm, họ chỉ tập trung vào các khâu nấu đồng, sửa nguội, chạm khắc và lên màu để hoàn tất sản phẩm.
 
Theo anh Tuấn, dịp Tết, tất cả nhân công trong xưởng phải làm việc nhiều hơn gấp 2 lần ngày thường. Vì thế, mức thù lao cũng cao hơn. Đối với những thợ có thâm niên nhiều năm trong nghề, mức lương có thể lên đến 20 triệu/tháng. Những thợ mới học nghề, mức lương dao động từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng.
 
Làm việc trong môi trường nhiệt độ cao và cường độ vất vả nên dù thời tiết Hà Nội đang rất lạnh, nam công nhân này vẫn ăn mặc như mùa hè và để một chiếc quạt bên cạnh.
 
Nữ công nhân này đang lên màu cho một bức tượng đồng, chuẩn bị xuất xưởng giao cho khách hàng.
 
Lương cao là thế nhưng xưởng của gia đình anh Tuấn luôn trong tình trạng thiếu người. Theo anh Tuấn, nghề đúc đồng dù cho thu nhập cao nhưng rất vất vả và đòi hỏi sự khéo léo, tinh xảo, không phải ai cũng làm được. Vì thế, rất nhiều năm trôi qua nhưng xưởng của gia đình anh Tuấn vẫn giữ nguyên con số khoảng 20 nhân công vì không thể tuyển thêm người mới. 
 
Anh Tuấn cho biết, dù nhu cầu thị trường tăng cao và có điều kiện về tài chính nhưng gia đình anh không thể mở rộng quy mô sản xuất vì thiếu nhân lực. 
 

Những mẫu tượng đồng bằng đất sét đã được hoàn thành từ nhiều tháng trước Tết Nguyên đán.
 
Khan hiếm thợ lành nghề - Vì đâu?
 
Theo anh Tuấn, lý do khan hiếm thợ lành nghề trước hết vì nghề đúc đồng ở Ngũ Xã đòi hỏi sự kỳ công, điêu luyện hơn những làng nghề đúc đồng khác. 
 
Ông Đinh Văn Bình, người có hơn 20 năm trong nghề, cho biết, kĩ thuật đúc đồng Ngũ Xã cũng không khác gì kĩ thuật đúc trống đồng Đông Sơn. Đó là cách đúc rỗng liền khối, nghĩa là chỉ với một lần đúc, sản phẩm đã có đầy đủ các bộ phận với hình dáng rõ ràng. 
 
 
 
Những sản phẩm bằng đồng làm theo bí kíp của làng Ngũ Xã thường rất tinh xảo. 
 
Theo cách đúc rỗng liền khối, mỗi thành phẩm của nghề đúc đồng phải trải qua rất nhiều khâu. Đầu tiên là tạo mẫu bằng đất sét rồi phủ thạch cao cho cứng lại, sau đó đến khâu làm mẫu rồi tạo khuôn bằng đất phù sa sông và giấy bản xay nhuyễn. 
 
Khi khuôn đã hoàn thành, thợ đúc bắt đầu nhóm lửa để nấu đồng. Các nguyên liệu đồng, thiếc, chì sẽ được cho vào nấu chung theo một tỉ lệ bí mật. Khi đồng chảy, họ bắt đầu rót đồng vào khuôn. Đợi một thời gian sau sẽ lấy ra để cắt bỏ phần thừa, hàn những bộ phận còn khuyết. 

Công đoạn này gọi là sửa nguội. Sau đó, để đảm bảo các đường nét, hoa văn trên sản phẩm đều đạt đến độ tinh xảo, người thợ sẽ tiến hành mài, giũa, chạm khắc, đánh bóng và lên màu là cho chúng. 
 
 Mức giá của các sản phẩm không hề rẻ, đơn giản như chân nến, mâm đồng có giá 3 - 5 triệu đồng. Các loại tượng đồng, tùy theo độ tinh xảo mà có mức giá dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
 
Vì trải qua rất nhiều công đoạn nên một sản phẩm đồng cần thời gian ít nhất là 3 tháng để hoàn thành. Các bức tượng đồng có trọng lượng lớn, thiết kế tinh xảo, thời gian hoàn thành có thể phải tính bằng năm.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng, chủ xưởng đúc đồng, nghề đúc đồng ở Ngũ Xã khó và phức tạp hơn các nơi khác nên để đào tạo ra một người thợ lành nghề cần rất nhiều thời gian. "Nghề này cần người kiên trì, bền bỉ và hết sức khéo léo. Muốn lành nghề, ít nhất cũng mất khoảng 10 năm, vì thế rất ít người bám trụ được" – ông Ứng nói thêm. 
   
Bên cạnh đó, nghề đúc đồng còn rất vất vả vì phải làm việc luôn tay. Mỗi sản phẩm đều trải qua rất nhiều công đoạn nên các thợ đúc đồng đều được chuyên biệt hóa, mỗi người làm một khâu. Theo ông Ứng, cách phân chia này giúp nâng cao tay nghề chuyên môn nhưng cũng khiến người thợ cảm thấy nhàm chán khi liên tục lặp lại một công việc giống nhau. Đặc biệt, trong quá trình lao động, thợ đúc đồng còn thường xuyên tiếp xúc với bụi đồng, than đá, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 
 
Vì nhiều lý do nên mức lương 20 triệu/tháng cho một thợ lành nghề vẫn được xem là chưa đủ. Dù thế, nhiều thợ đúc đồng dù đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn kiên trì bám trụ với  nghề. Với họ, nghề đúc đồng Ngũ Xã không chỉ là chiếc cần câu cơm mà còn là nét đẹp văn hóa của người Tràng An cần được lưu giữ. 

"Sau này nghề có còn được lưu giữ không thì chưa biết nhưng những người già như chúng tôi thì vẫn cố gắng làm để người dân vẫn còn được dùng đồ đồng Ngũ Xã chính hiệu hết sức tinh xảo. Đó cũng là niềm vui của chúng tôi trong những năm tháng cuối đời" – ông Bình tâm sự.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày