1 ngày sau vụ tai nạn thảm khốc, khiến 2 người lớn và 1 cháu bé 6 tuổi phải lìa cõi đời một cách oan nghiệt, trên mạng xã hội Facebook tôi thấy nhiều người thay cover với dòng chữ "Lái xe như con người".
Trộm nghĩ, lái xe ô tô hay xe máy, vốn là việc của con người chứ đâu phải một giống loài động vật nào khác, tại sao phải thêm "như" vào! Thế nhưng nếu đã xem qua đoạn clip vụ đâm xe chết người ở Ái Mộ ngày 29/2 vừa qua, nếu đã dừng lại ở giây phút chiếc xe lao đến, phía bên kia là cảnh 2 ông cháu có lẽ vẫn còn ngỡ ngàng chưa hiểu chuyện gì, rồi uỳnh 1 một tiếng, chiếc mũ bảo hiểm màu hồng rơi rớt... Nếu đã xem đến giây phút đớn đau đầy ám ảnh ấy, chắc chúng ta dễ hiểu hơn cho người đặt lên cover Facebook mình dòng chữ "Lái xe như con Người".
Dòng chữ đang được lan truyền trên mạng xã hội, ngay sau vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ở Ái Mộ ngày 29/2.
Suốt từ hôm qua đến giờ, điều khiến người ta bàn tán, từ phẫn nộ, tức giận đến thương cảm, đau xót – chỉ có một đề tài duy nhất: Ai thực sự là thủ phạm vụ tai nạn kinh hoàng kia. Trong hàng trăm nghìn đoạn trích dẫn, đoạn status đăng tải, tôi dừng lại ở status của một người trẻ: "Ngày hôm nay bị ám ảnh bởi bức ảnh này. Nếu là con bạn là bố bạn là người thân của bạn, bạn sẽ làm gì?
Những vụ tai nạn giao thông thảm khốc tôi chứng kiến nhiều nhưng không hiểu tại sao như vụ tai nạn hôm nay tôi thấy bất an lạ kì. Bị ám ảnh, tôi cũng có con, nếu đứa bé hôm nay là con tôi. Tôi cũng chẳng thể biết mình sẽ điên thế nào, sẽ cuồng dại thế nào?
Chuyện đúng chuyện sai giờ không thể phán quyết. Tôi chỉ mong muốn các anh các chị đi lại bằng cái tâm của mình. Ngồi sau vô lăng bạn an toàn gần như tuyệt đối nhưng dưới chân ga của bạn là những mạng sống bạn có thể định đoạt".
Hình ảnh đau thương trong đám tang tiễn biệt 2 ông cháu xấu số - 2 nạn nhân vụ tông xe ngày 29/2 vừa qua ở Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội
Tôi đồng tình với người viết status ấy, bởi chuyện đúng sai, ai là người cầm vô lăng giờ đối với tôi không còn thực sự quan trọng. Kẻ cầm vô lăng – sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Vụ án có thể nói là đã khép lại các tình tiết quan trọng, nhưng sự ám ảnh, nỗi đau thì còn mãi.
Hôm nay, nhiều đường link dẫn tôi đến với trang Facebook của mẹ cháu bé Gia Hân. Trên đời, có nhiều nỗi đau ập đến mà con người không thể chống đỡ nổi, tôi cũng không dám nói sẽ thấu hiểu nỗi đau mà chị ấy đang phải gánh chịu. Nhưng, có lẽ nhiều người đã khóc khi đọc đến dòng chữ, cháu bé ấy chưa một lần được đi máy bay. Cháu đã rất ngoan, chưa bao giờ dám đòi hỏi mẹ điều gì và vẫn đang cùng mẹ tiết kiệm để được đi máy bay. Mọi ước mơ, mọi niềm yêu thương của mẹ con dựa vào nhau, đều đã chấm dứt tuyệt đối dưới một cú chân ga.
Tôi không gọi đây là một vụ tai nạn giao thông đơn thuần trong trung bình 8.700 vụ xảy ra hàng năm. Chiếc xe đã lách khỏi 2 chiếc xe khác, cố lao dù sai đường, với tốc độ "bàn thờ" bất chấp 2 ông cháu đang đi đúng làn, và một người phụ nữ đi bộ.
Chiếc Camry gây tai nạn
Nguyễn Quang Vinh, "nhân viên rửa xe" kiêm nhân viên cục thuế khai không có bằng lái, điều khiển xe trong tình trạng say rượu và chiếc xe này mượn của khách. Tại sao lại tự cho mình cái quyền trèo lên 1 chiếc 4 bánh, không qua trường lớp đào tạo bài bản (bằng chứng là việc không có bằng), trong tình trạng không tỉnh táo (say rượu) – tự cho mình cái quyền huênh hoang thể hiện bằng xe ô tô để rồi cuối cùng gây nên thảm cảnh dưới cú đạp ga oan nghiệt? Bao nhiêu kẻ đang đi lại trên đường như cái cách mà Nguyễn Quang Vinh khai? Bao nhiêu người chỉ để thỏa mãn mong muốn được ôm vô lăng lạng lách thể hiện ra oai ngoài đường mặc dù mình không có bằng lái, thậm chí chẳng có xe nhưng mượn được thì sẵn sàng vống lên ngay. Rồi bao nhiêu kẻ, say sưa mắt không mở ra được nhưng ngồi lên xe là lao vút, sẵn sàng "là" các chướng ngại vật ngoài đường, bất chấp sự kinh hoàng của người tham gia giao thông?
Tự nhiên, chúng ta không khỏi lo lắng, sợ hãi cho những số phận không sở hữu xe con, họ đi lại bằng xe máy, xe đạp, đi bộ ngoài đường nhưng bất cứ lúc nào có thể trở thành nạn nhân của một kẻ ngồi sau vô lăng mà thiếu tỉnh táo.
Trên diễn đàn dành cho 4 bánh, hai ngày hôm nay, tất cả các thành viên đều phải phẫn nộ và theo dõi từng chi tiết của vụ tai nạn ở Ái Mộ. Bởi vì ngay cả đứng trên góc nhìn của những người lái xe hàng ngày, cũng không thể chấp nhận nổi cách lạng lách cẩu thả rồi phi với tốc độ "bàn thờ" như kẻ cầm vô lăng chiếc Camry. Lái ô tô để bảo vệ chính mình trong cái vỏ bọc an toàn, chứ không có quyền bốc đồng, vít ga để khiến những người khác phải cảm thấy nguy hiểm.
Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết đơn vị đã ra quyết định khởi tố lái xe Camry tông nhiều phương tiện làm 3 người chết ở phố Ái Mộ, vì đã vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Vụ án đã được khởi tố, rồi luật pháp sẽ xử đúng người, đúng tội. Ai đúng ai sai cũng sẽ được phân minh rõ ràng. Nhưng khi tất cả những đúng sai ấy qua đi, thì chỉ còn lại nỗi đau khôn xiết của những người khốn khổ mất người thân chỉ trong chốc lát, còn lại ước mơ ngây thơ của con trẻ "chưa một lần đi máy bay"… dang dở mãi mãi.
Vậy là, giờ đây, khi đã có điều kiện sở hữu một chiếc ô tô, ngoài việc lái xe theo bằng cấp, theo những bài học được dạy trong trường lái, lái xe bằng cảm tính, bằng sự nhạy bén của con mắt tham gia giao thông, người ta còn cần phải lái bằng "phần người" nữa. "Lái xe như con Người", một lời nhắc nhở thật cần thiết về đạo đức người ngồi sau vô lăng gần như an toàn tuyệt đối kia. Để những câu chuyện buồn về việc đúng sai chẳng còn quan trọng bằng nỗi đau ở lại, không còn thêm nữa…