Hãy xuống đi hỡi những bạn trẻ đang ngồi "trên nóc tủ"

Phương Ly, Theo Trí Thức Trẻ 10:59 30/12/2015
Chia sẻ

Đó là ý kiến chia sẻ từ Chủ tịch Công ty NBN Media - ông Nguyễn Bá Ngọc về mong ước "làm nhàn lương cao" và sự không chịu cố gắng của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Câu chuyện về ước mơ có một công việc "làm nhàn lương cao" đã không còn quá xa lạ đối với các bạn trẻ. Tất cả những người đi xin việc, mà đặc biệt là hầu hết sinh viên đại học mới ra trường đều mang trong mình tâm tưởng "trình độ mình cao như vậy phải có một việc làm với mức lương xứng đáng" và đa số đều... thất vọng. 

Nguyên nhân của sự thất vọng trên là do đâu. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Ngọc - Chủ tịch Công ty NBN Media đã đưa ra quan điểm của mình:

"Trải qua vô số cuộc phỏng vấn tuyển dụng và trao đổi với các bạn đang là chủ doanh nghiệp, mình rất ngạc nhiên khi thấy “một bộ phận không nhỏ” những bạn trẻ non cả về kiến thức lẫn non nghề, con nhà nghèo, gánh nặng gia đình đang đè nặng trên đôi vai mỏi mòn của cha mẹ song lại cực “chảnh” và ảo tưởng nặng về bản thân khi đi xin việc – thể hiện qua việc luôn nói cái này cái kia mình Thích hay Không Thích.

 Ông Nguyễn Bá Ngọc - Chủ tịch NBN Media.

Các bạn luôn mong muốn phải được ngồi vào những vị trí trọng vọng nhất; bất chấp nó không phù hợp với năng lực bản thân. Thí dụ như quản lý nhóm 3 người không xong nhưng lại chỉ muốn làm Giám đốc Kinh doanh, lập kế hoạch cho một việc chưa được nhưng lại muốn thêm chữ Senior vào trước chức danh, và nói chung chưa làm được việc nhỏ đã đòi làm việc to... Khi bị yêu cầu đi tuần tự, đảm nhận đúng năng lực, các bạn liền giãy nẩy, và lấy cớ thích hay không thích, các bạn sẽ sẵn sàng nghỉ việc dù trong túi không đủ tiền trả 2 ly cafe.

 Mô hình mà ông Nguyễn Bá Ngọc đưa ra cho quan điểm của mình - (Nguồn: Facebook)

Bệnh này còn có cả ở các “cao nhân” khởi nghiệp. Việc đầu tiên các bạn mở miệng ra là cái này em thích nên em làm; bất chấp thị trường có cần không.

Tất nhiên phần lớn các bạn khởi nghiệp có cách tiếp cận kiểu “sống cùng đam mê” này đều thất bại đau đớn. Một số bạn dùng tiền người khác thì ra đi để lại một đống rác... thôi rồi!

Nói một cách hình tượng là các bạn chưa thành người nhưng đã đòi leo ngay lên nóc tủ ngồi, theo mô hình tháp Maslow thì leo ngay lên đỉnh tháp mà ngự...

Chuyện đơn giản thôi, các bạn hãy chịu khó chút, đi từ đáy tháp, tu tập, trang bị kinh nghiệm và kiến thức, tự lo được cho bản thân các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như ăn, mặc, chỗ ở... đỡ cha mẹ đi rồi hẵng leo dần lên, đâu có muộn. Còn đằng này chưa lo nổi ly cafe sáng mà đã đòi chễm chệ ngay trên đỉnh tháp Maslow thì quả là điều không tưởng...".

Những dòng tâm sự trên như một lời khuyên hữu ích dành cho các bạn trẻ trên con đường tìm kiếm công việc và khẳng định sự nghiệp của mình. Tìm được một công việc khó bao nhiêu thì có được một công việc mà mình yêu thích và hài lòng lại càng khó hơn bấy nhiêu. Thế nên lời khuyên mà ông Nguyễn Bá Ngọc đưa ra là hãy từ từ, hãy chịu khó chắt góp từ những việc nhỏ nhất. Chỉ khi bạn làm tốt những việc nhỏ thì ắt những cơ hội lớn sẽ đến.  

 Suy nghĩ việc nhàn lương cao chỉ khiến các bạn trẻ sớm thất vọng - (Ảnh minh họa).

Ngay sau khi chia sẻ, status trên đã nhận được khá nhiều ý kiến bình luận trái chiều từ cư dân mạng. Trong khi có khá nhiều người đồng ý với quan điểm trên thì một số người cho rằng việc đòi hỏi một công việc tốt hay không còn tùy thuộc vào điều kiện hay hoàn cảnh của gia đình và môi trường làm việc của họ nữa. 

"Việc làm giờ xin quá khó, thế nhưng một số bạn có bằng ngon thường giữ trong mình suy nghĩ lương phải cao thì mới làm, đòi hỏi ngay một vị trí tốt trong khi bản thân chưa có kinh nghiệm hay sự từng trải. Điều đó sẽ khiến họ càng trở nên thất vọng và không có cơ hội tiến lên. Còn ngược lại, những bạn "biết mình, biết người" sẽ chịu khó hơn, cẩn thận hơn, cố gắng trong từng công việc mình làm, có lẽ đó là lý do nhiều người giỏi ra trường chưa chắc đã có công việc tốt bằng người học kém hơn", một cư dân mạng chia sẻ. 

"Chuyện gì cũng có 2 mặt của nó, sự mong muốn, thử nghiệm đôi khi không tạo ra kết quả quá tệ hại như vậy. Nếu có năng lực thực sự thì họ chắc chắn sẽ làm được. Biết đâu việc được "ở trên đỉnh tháp" đó lại tạo ra một kết quả khác biệt so với việc cứ từ từ đi lên? Chúng ta không nên đánh đồng tất cả, bởi việc có công việc tốt hay không và các bạn có đủ khả năng làm hay không thì còn phụ thuộc vào môi trường, hoàn cảnh hay những điều kiện khác", một người khác lên tiếng. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày