1 tháng ròng rã ở đất nước xa lạ
Liên quan đến vụ “người phụ nữ Indonesia kêu cứu vì bị chồng cũ “lừa” bắt con ở VN” như VietNamNet đã thông tin, mới đây bà Ela đã tìm thấy đứa con gái 5 tuổi, là cháu Cecilia Ardisoma Werner.
Gần 1 tháng ròng rã lang thang khắp nơi ở Việt Nam - một đất nước hoàn toàn xa lạ, bà Ela tìm được con là có sự trợ giúp của rất nhiều người, đặc biệt là cộng đồng mạng xã hội.
Tìm thấy con, bà Ela cùng những người tích cực hỗ trợ đã trình báo công an. Trong chiều 8/8, lực lượng công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có mặt tại TP.HCM để mời những người có liên quan về làm việc.
Hiện phòng cảnh sát hình sự, công an tỉnh này đã lấy lời khai đối với ông Kark Leonhard Werner (SN 1978, quốc tịch Mỹ, là chồng đã li hôn của bà Ela) và Nguyễn Phương Quỳnh (SN 1989, quê Bạc Liêu) - người được cho là có quan hệ tình cảm với ông Kark. 2 người này bị điều tra về hành vi “chiếm đoạt trẻ em” và “trộm cắp tài sản”.
Tại cơ quan công an, bà Ela đã tường tình lại vụ việc chồng cũ là ông Kark bắt cóc con, cháu Cecilia từ chiều 15/7 tại một khách sạn ở TP.Vũng Tàu. Ngoài ra, bà còn mất 1 số tài sản gồm: 4.000 USD, 500 Euro, 2 ĐTDĐ, 2 nhẫn vàng, 2 thẻ tín dụng 1 số giấy tờ tùy thân và sau đó có tìm hiểu biết được thẻ tín dụng của bà bị sử dụng thêm 600 USD và 500 Euro.
Cộng đồng mạng cảm động hỗ trợ
Được biết, ngay sau khi mất con, bà Ela đã nhờ sự trợ giúp của luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng (đoàn luật sư TP.HCM) củng cố hồ sơ, gửi đơn cầu cứu đến công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và công an TP.HCM.
Khi mất dấu vết của ông Kark và con, bà Ela đã đi khắp nơi phát tờ rơi tìm con, chủ yếu ở Q.7. Khi VietNamNet phản ánh về vụ việc, có nhiều bạn đọc đã liên hệ đề nghị hỗ trợ bà Ela trong hành trình tìm kiếm cháu Cecilia. Một số người tự nhận là chủ nợ của Quỳnh còn cung cấp thông tin, ảnh chụp CMND của người phụ nữ này.
Cùng ngày, khi đến Bạc Liêu, bà Ela, luật sư Phượng... bắt gặp ông Kark cùng Quỳnh, cháu Cecilia tại khách sạn T.V. Nhưng họ bất hợp tác, không chịu giao trả con cho bà Ela.
Luật sư Phượng kể, nhóm của bà Ela đã thuê phòng tại khách sạn T.V canh giữ, không để tiếp tục mất dấu vết. Nhưng sáng 7/8, khách sạn T.V mời đoàn của bà Ela ra ngoài, để họ bố trí phòng cho 1 đoàn khách đặt trước và không muốn ồn ào xảy ra tại đây.
Bà Ela chỉ biết đứng trước khách sạn khóc, luật sư Phượng gọi điện cầu cứu khắp nơi. Trong sáng 8/8, luật sư Phượng dẫn bà Ela đến tận nhà của Quỳnh để... năn nỉ cha của Quỳnh thuyết phục con. Tuy nhiên cha của Quỳnh đã... từ chối.
Quay lại khách sạn, bà Ela đeo bảng tìm con và đứng khóc. Trước cảnh đó, hàng trăm người dân chứng kiến đã cảm động, nên tập trung trước khách sạn T.V phản ứng quyết liệt, hỗ trợ bà Ela, đòi ông Kark phải giao con cho bà.
Đến chiều đại diện lãnh sự Indonesia đã có mặt thuyết phục, và đồng thời thấy áp lực của quần chúng quá lớn, lúc này người cha của Quỳnh mới mời công an địa phương can thiệp. Sau đó, ông Kark, Quỳnh đồng ý đưa cháu Cecilia đến Sở Ngoại vụ Bạc Liêu ngồi lại với bà Ela. Hơn 100 người dân địa phương kéo đến đây, túc trực, hỗ trợ bà Ela. Rồi các bên đồng ý về TP.HCM giải quyết.
Rạng sáng 8/8, các bên liên quan về đến TP.HCM và thuê khách sạn tại Q.1. Cũng theo luật sư Phượng, lúc này bà Ela được bố trí ở chung phòng với ông Kark, cháu Cecilia nhưng phía dưới khách sạn có một số người thanh niên lạ, đi ô tô, nghi vấn là âm mưu “bắt cóc” lại cháu Cecilia nên luật sư đã nhờ bạn bè thức suốt đêm để canh giữ trước khách sạn.
Đại diện lãnh sự quán Indonesia cũng đã túc trực; tuy nhiên vì ông Kark là công dân Mỹ khi chưa có đại diện cơ quan lãnh sự thì không thể họp bàn giải quyết được. Chiều 8/8 khi công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có mặt, mời các bên về làm việc, phục vụ công tác điều tra.