Người phụ nữ Indonesia kể chuyện vợ chồng trong nước mắt
Gặp phóng viên ANTĐ, bà Ela liên tục khóc khi kể về thảm cảnh mà bà đang đối diện. Cũng trong thời gian hơn nửa tháng nay, luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) trợ giúp pháp lý miễn phí và sát cánh bên bà Ela để giúp bà sớm tìm được con của mình. Cầm xấp hình ảnh con gái, bà Ela vừa khóc vừa kể, bà kết hôn với ông Kark Leonhard Werner (quốc tịch Mỹ) sau 2 năm quen biết với nhau.
Khi đó bà Ela đang là nhân viên của một công ty tư vấn của Nhật Bản tại Indonesia; còn ông Kark làm giảng viên một trường quốc tế ở Bắc Indonesia. Năm 2008 bà Ela và ông Kark kết hôn và một năm sau, họ chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống. Bà Ela kể, tại Thổ Nhĩ Kỳ ông Kark vẫn tiếp tục nghề cũ, còn bà Ela chỉ lo công việc nội trợ và đến năm 2010 thì bà sinh cháu Cecilia Ardisoma Werner.
Thấy cuộc sống tại xứ người quá ngột ngạt nên năm 2012 bà Ela bàn với ông Kark về lại Indonesia sinh sống. “Những năm là vợ của ông Kark, tôi được ông đưa về Mỹ thăm gia đình chồng khoảng 3 lần. Mâu thuẫn trở nên gay gắt khi một lần về Mỹ, tôi tình cờ phát hiện ông Kark có hẹn hò với nhiều người phụ nữ qua mạng xã hội”, bà Ela thuật lại. Theo đó ngay khi phát hiện, bà Ela sốc và tuyên bố với gia đình chồng là sẽ ly hôn với ông Kark.
Bà Ela nước mắt trực trào kể, khi đó gia đình ông Kark không đồng ý. Trở về Indonesia sống đời sống vợ chồng thêm một khoảng thời gian nữa và cảm thấy mâu thuẫn không thể hàn gắn nên đến tháng 7-2014 bà Ela và ông Kark chính thức ly hôn. Cầm bản án ly hôn của cơ quan tòa án tại Indonesia, bà Ela chứng minh, khi ly hôn tòa phán quyết cho bà có quyền nuôi cháu Cecilia; ông Kark phải cấp dưỡng hàng tháng là 500 USD.
“Sau khi ly hôn, tôi đưa con sang Philippines sinh sống. Ông Kark bặt tin, mà tôi nghe rằng ông ấy sang Việt Nam, dạy tại một trường quốc tế tại TP.HCM”, bà Ela nói. Theo đó cuối tháng 12-2014 ông Kark bất ngờ liên lạc, trò chuyện lại với vợ cũ qua mạng xã hội. Mới đây ông Kark thông báo với bà Ela rằng ông bị ung thư xương, chuẩn bị bước vào ca phẫu thuật nguy hiểm.
Do điều kiện kinh tế hạn chế, nên ông Kark mong muốn bà Ela đưa cháu Cecilia sang Việt Nam cho ông gặp mặt. Do tưởng thật và thể theo nguyện vọng đó, ngày 10-7 vừa qua, bà Ela đưa con nhập cảnh vào Việt Nam thăm chồng cũ. Bà Ela kể thêm, đây là lần đầu bà cùng Cecilia đến Việt Nam.
Đến nơi, ông Kark đón hai mẹ con và chăm sóc chu đáo. Do cháu Cecilia là người mang hai quốc tịch nên ngày 13-7, ông Kark cùng bà đưa cháu đến Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM gia hạn hộ chiếu. Đến ngày 15-7 ông Kark chủ động rủ mẹ con bà Ela đi Vũng Tàu nghỉ mát. Khi đến nơi, ông Kark đưa hai mẹ con vào thuê phòng tại khách sạn Lan Rừng, ở đường Hạ Long, phường 2, TP Vũng Tàu, để nghỉ.
Và kế hoạch “bắt cóc” con của người chồng Mỹ
Trong đơn kêu cứu của bà Ela gửi đến các cơ quan chức năng trình bày rõ việc con gái của bà, tức cháu Cecilia bị người chồng cũ đưa đi mà không thông báo gì. Cụ thể bà Ela tường trình, ở khách sạn Lan Rừng, khoảng 16h30 chiều 15-7 ông Kark có đưa cho bà một vé spa nói là khách sạn tặng và yêu cầu bà đi thư giãn ở cơ sở spa ngay trong khách sạn.
Đến 19h30 cùng ngày, khi quay về phòng, bà Ela hốt hoảng khi phát hiện ông Kark và cả cháu Cecilia không có mặt ở đây, đồng thời tài sản và giấy tờ cá nhân của bà cũng biến mất. Bà Ela chạy xuống hỏi lễ tân khách sạn thì nơi đây thông báo, chồng bà đã trả phòng, nói là có việc gấp và dẫn con gái về TP.HCM. Bà Ela lập tức nhờ nhân viên khách sạn trợ giúp đưa đến công an phường 2 trình báo về vụ việc.
Khi trình báo bà này nghi vấn chồng cũ của mình, tức ông Kark đã đưa cháu Cecilia đi đồng thời lấy đi một số tài sản cá nhân của mình gồm: 4.000 USD, 500 euro, 2 nhẫn vàng, 2 ĐTDĐ và nhiều giấy tờ tùy thân khác. Bước đầu khi tiếp nhận vụ việc, cơ quan công an đã lấy lời khai chi tiết của những người có liên quan.
Đáng nói phía khách sạn cung cấp cho công an tình tiết quan trọng là, trong sáng 15-7 có một người phụ nữ mang tên Nguyễn Phương Quỳnh đã đặt 2 phòng khách sạn, gồm: một phòng cho ông Kark, bà Ela và cháu Cecilia ở; còn một phòng cho Quỳnh ở. Ngoài ra công an có kiểm tra hệ thống camera của khách sạn Lan Rừng trong khoảng thời gian xảy ra vụ việc, thì khoảng 17h chiều 15-7, là khoảng thời gian bà Ela ở trong spa thì Quỳnh xuất hiện cùng với ông Kark, cháu Cecilia trả phòng, rời khỏi khách sạn.
Ngay sau khi biết con bị “bắt cóc” bà Ela đã nhờ nhân viên khách sạn liên hệ với người tài xế tên Nhứt, là người đã chở ông Kark, bà Ela và cháu Cecila trong sáng 15-7 xuống Vũng Tàu và nghi vấn là người có chở ông Kark cùng cháu Cecilia rời khỏi khách sạn. Qua điện thoại ông Nhứt cho biết là đang chở cháu Cecilia cùng ông Kark, bà Quỳnh từ Vũng Tàu ra sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Theo bà Ela thì, qua tìm hiểu, bà biết được Quỳnh là người phụ nữ gần đây có mối quan hệ tình cảm với ông Kark.
Tại thời điểm bà Ela bị “bắt” mất con ở khách sạn Lan Rừng thì gia đình luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) đang nghỉ mát tại đây. Biết được hoàn cảnh xa lạ nơi đất khách quê người, rơi vào nghịch cảnh mất con của bà Ela, nên luật sư Phương đã tham gia hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người phụ nữ này ngay từ giai đoạn ban đầu. Khi nghi vấn ông Kark đưa cháu Cecilia về TP.HCM, bà Ela đã tìm về đây để tìm con.
Chưa dừng lại ở đó, những ngày sau đó bà Ela phát hiện hai thẻ tín dụng mà bà bị mất cắp tại khách sạn Lan Rừng đã được sử dụng mất khoảng 60 USD và 500 Euro tại các trung tâm thương mại, cửa hàng mua sắm tại địa bàn quận 7, TP.HCM.
Bà Ela cũng như luật sư Phượng tình nghi, ông Kark đưa cháu Cecilia về, ẩn náu tại một địa điểm nào đó ở quận 7; do đó một mặt bà Ela nhờ luật sư Phương củng cố các giấy tờ cần thiết, có đơn đề nghị can thiệp gửi đến Công an TP.HCM, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; mặt khác bà Ela đã tự thiết kế tờ rơi tìm con để đứng ven các con đường ở quận 7 phát đến những người đi đường mong ai đó biết thông tin có thể hỗ trợ bà tìm kiếm con gái của mình.
Bước đầu, phía Lãnh sự quán Indonesia khi nhận được đơn kêu cứu của bà Ela đã có văn bản gửi Sở Ngoại vụ TP.HCM để xem xét giải quyết trường hợp của bà Ela, có phương án bảo vệ cho sự an toàn của con gái bà.
Bà Ela cho biết: “Hai ngày đầu tôi được Lãnh sự quán Indonesia cho tá túc. Sau đó tôi phải ra thuê phòng khách sạn ở quận 1 để tiện tìm kiếm con. Tôi phải nhờ gia đình ở Indonesia gửi tiền sang để sống mà đi tìm con”.
Khi phóng viên đề cập đến phương án tìm kiếm con trong những ngày tới, bà Ela trần tình: “Tôi lo ngại ông Kark đưa con tôi về Mỹ. Dù biết rằng, hiện tại ông Kark khó có thể đưa con tôi đi bằng con đường chính nhưng tôi sợ ông đưa cháu sang một nước khác bằng đường bộ rồi từ đó về Mỹ. Tôi tìm con cho đến khi nào thấy mới thôi. Nếu tìm kiếm ở Việt Nam trong thời gian dài, không có kết quả thì tôi sẽ sang tận Mỹ để tìm con của tôi”.
Khi biết tin về cảnh đau lòng của bà Ela tại Việt Nam, đã có nhiều người tìm đến hỗ trợ cho người phụ nữ này. Về tiền bạc, bà Ela xin được từ chối, không nhận, dù bà đang rất khó khăn về tài chính trong những ngày sống ở Việt Nam để tìm con, bà chỉ mong những người có lòng tốt hỗ trợ bà tìm kiếm thông tin để bà sớm tìm thấy đứa con gái yêu của bà.