Quất Tứ Liên là thương hiệu nổi tiếng của Hà Nội, rất được ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm.
Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết, thế nhưng, những ngày gần đây, nhiều cây quất còn nguyên rễ, quả chín vàng đã bị chết héo khô ở ven đường dẫn vào các khu vườn trồng quất.
Năm nay, xuất hiện tình trạng một số cây quất bị vàng lá, rụng quả, chết không rõ nguyên nhân… nhất là khi thời tiết bắt đầu se lạnh.
Những cây quất chết khô trong vườn.
Theo anh Hưng (46 tuổi), một chủ vườn ở đây chia sẻ, số lượng cây quất chết nhiều ước tính cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Không chỉ chủ vườn tiếc xót mà cả những người đi đường cũng tiếc nuối không kém bởi những gốc cây quất chết khô khá nhiều.
Dưới những gốc cây héo hay chết khô ấy, quả vàng rụng xuống.
Vườn cây nhà anh Dũng có trồng gần 500 cây quất cảnh để bán ra trong đợt Tết. Thế nhưng gần 1 tháng trở lại đây, anh không hiểu vì sao một số cây đang xanh tốt, quả đẹp lại bỗng dưng héo vàng lá, rụng quả, chết khô, dù cho gia đình anh đã dùng mọi cách nhưng cũng không thể cứu vãn.
Anh Dũng chia sẻ, thời điểm này người nông dân chỉ còn biết trông chờ vào thời tiết với tỷ lệ được mùa 50/50, trong đó phụ thuộc nhiều nhất là vào thời tiết.
Đến vườn cây quất nhà anh Hải (Tứ Liên, Tây Hồ), nhiều cây quất đang đẹp cũng có dấu hiệu vàng lá và rụng quả.
"Tôi chỉ tiếc công chăm sóc hàng năm chờ đến lúc gần thu hoạch lại héo khô…” – anh Hải ngậm ngùi nói.
Một cây quất thế cao hơn 2m quả chín vàng ươm đang có dấu hiệu héo lá.
Anh Nam cho biết chi phí để có một cây quất là: “Tiền mua giống mỗi cây quất ở Văn Giang (Hưng Yên) là 500 - 800 nghìn đồng rồi. Thêm nữa là tiền phân bón và không kể công chăm bẵm gần 1 năm nay tổng cộng cũng phải mất hơn 1 triệu đồng. Giờ cây chết như thế khiến chúng tôi rất lo lắng”.
Những cây quất không còn có thể cứu vãn được nữa đã được đào bỏ.