Giao thừa chỉ đợi để được... "a lô"
Nhắc đến chuyện đón Tết của gia đình, Phạm Thị Thu Ngà (SN 1993, Hải Hậu – Nam Định) dù không giấu nổi niềm tự hào về bố nhưng trong giọng nói vẫn có chút thoáng buồn bởi gần 20 năm nay, 3 mẹ con cô luôn đón Tết trong cảnh vắng bố.
Ngà kể, bố cô là trung tá Phạm Yên Bình, công tác trong quân đội gần 30 năm. Từ ngày cô lên 5 tuổi, ông đã theo Trung đoàn 242 - Quân khu 3, tỉnh Quảng Ninh làm nhiệm vụ canh giữ các hòn đảo xa bờ của Tổ Quốc. "Vì bố công tác xa nên mỗi năm chỉ về thăm nhà được 2 lần. Tết nhất mình toàn nhìn thấy quà của bố gửi về chứ chẳng thấy mặt bố bao giờ" – Ngà chia sẻ.
Hình ảnh gia đình Ngà sum họp cùng nhau, tuy nhiên, dịp Tết thì hầu như chẳng bao giờ có bố ở nhà.Ngà cho biết, ký ức gia đình đoàn viên đông đủ chỉ chập chờn trong trí nhớ hồi cô còn rất nhỏ. Từ khi lớn lên, ý thức được đầy đủ về mọi vật xung quanh thì chẳng bao giờ, Ngà thấy bố ở nhà đón Tết.
Những năm tháng bố công tác ngoài đảo xa, đêm 30, mẹ con Ngà ở nhà chỉ nóng lòng ngồi canh điện thoại bố gọi về chúc Tết. "Nhiều lần cũng muốn chủ động gọi cho bố để khỏi sốt ruột nhưng bố dặn là để bố gọi trước nên ở nhà đành phải đợi chờ, sợ nhỡ hai bên cùng gọi một lúc lại nghẽn mạng, lỡ mất khoảnh khắc thiêng liêng của đêm giao thừa" – Ngà chia sẻ.
Bố công tác xa nhà từ những năm 90, thời đó công nghệ chưa phát triển như bây giờ. Rất nhiều năm, dịp Tết đến, cả gia đình Ngà đều mong ngóng thư tay và quà bố gửi qua đường bưu điện. Mấy năm sau thì đợi bố gọi điện qua máy bàn và mãi những năm gần đây, bố mới vừa gọi di động, vừa ngồi online yahoo webcam (vừa nói chuyện vừa nhìn thấy hình ảnh) với mọi người.
Rất nhiều năm từ khi lớn lên, Ngà chỉ đón giao thừa cùng mẹ. Hai mẹ con thức đợi điện thoại chúc Tết từ bố rồi mới đi ngủ.
Khác với những gia đình khác thường quây quần bên mâm cơm tất niên, gia đình Ngà chỉ trực điện thoại của bố rồi đi ngủ. Cuộc điện thoại với bố là niềm vui lớn nhất trong thời khắc chuyển giao giữa năm mới và cũ bởi nó báo hiệu bố vẫn mạnh khỏe, bình yên và công tác tốt. Đó là điều mấy mẹ con Ngà mong chờ nhiều nhất nên giao thừa đối với họ, đơn giản chỉ để đợi nhấc máy "a lô".
Ngà hiện đang là sinh viên năm cuối của Học viện Báo chí Tuyên truyền. 9X này chia sẻ, bố cô làm trong quân đội nên kỷ luật rất nghiêm khắc. Dù không ở bên cạnh các con nhưng hai chị em Ngà vẫn rất kính phục và nghe lời bố, chăm chỉ học hành.
"Những đêm giao thừa không có bố, mấy mẹ con chỉ thấy hơi chạnh lòng chứ không buồn. Thậm chí, có lúc 3 mẹ con mình còn cảm thấy chuyện mong ngóng một người ở xa, đợi chờ một cuộc điện thoại hay một cái "buzz" trên yahoo quả rất thú vị. Mình nghĩ, niềm vui được chờ đợi ấy không phải ai cũng hiểu được" – Ngà tâm sự.
Sau nhiều năm công tác ngoài hải đảo, 6 năm gần đây, bố Ngà được chuyển về huyện Hải Hậu – Nam Định công tác. Dù chỉ cách nhà có 5km nhưng ông vẫn chẳng thể về đón giao thừa cùng gia đình.
Nga giải thích, bố cô thường phải trực ca đầu năm từ 29 đến mùng 2 Tết mới được nghỉ nên không thể về nhà sum vầy đêm giao thừa được. Vì vậy, bao năm qua, gia đình cô vẫn duy trì thói quen đợi điện thoại bố chúc Tết trong thời khắc năm mới gõ cửa.
Vắng người đàn ông, lễ nghi dịp Tết bị xáo trộn
Có bố là thượng tá, công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định, Vũ Thu Thảo (SN 1993, Hải Quang, Nam Định) cũng chịu cảnh nhiều năm đón Tết không có bố. Thảo kể, bố cô công tác trên thành phố Nam Định, cách nhà 40km, năm nào ông cũng phải trực ca đầu nên không thể về nhà đón giao thừa.
Mẹ con Thảo thường nhận điện chúc Tết của bố vào sáng mùng một. Đêm 30, mẹ Thảo thường bắt hai chị em cô đi ngủ sớm. "Mẹ bảo làm thế để đảm bảo sức khỏe nhưng mình nghĩ chắc mẹ sợ hai chị em tủi thân vì năm nào cũng không có bố ở nhà. Hơn 20 năm qua, chẳng lần nào nhà mình đón giao thừa. Mọi người đều đi ngủ sớm từ lúc 11h đêm" – Thảo nói thêm.
Vắng bố, mẹ Thảo phải tự làm mọi việc dịp Tết. "Không thạo gói bánh chưng, mẹ thường phải dùng khuôn và tỉ mẩn gói rất lâu mới xong hơn chục cái bánh" - Thảo cho biết.
Không những không đón giao thừa sum vầy như các gia đình khác, những ngày mùng một, mùng hai, không khí Tết ở gia đình Thảo cũng khá vắng vẻ. Mẹ vẫn làm mâm cơm thắp hương khấn gia tiên. Đợi mùng 3 Tết bố về, cả nhà mới bắt đầu sum vầy, đi chơi, chúc Tết họ hàng nội ngoại, lễ chùa, họp mặt bạn bè... gia đình cũng đều đợi bố về rồi mới triển khai.
Không có bố ở nhà, mẹ Thảo lại yếu nên không dám cho con đi đâu xa, sợ nhỡ có sự gì không lo được, vì thế, 3 ngày Tết chị em Thảo thường chỉ ở nhà. "Mẹ hay bảo năm mới lại không có đàn ông trong nhà nên sự gì cũng phải cẩn thận. Hồi trước mình cũng hay buồn vì điều đó nhưng lâu rồi cũng quen vì chỉ cần bố về thì gia đình lại đoàn viên rất hạnh phúc" – Thảo nói.
Thảo hiện đang là nhân viên tuyển dụng nhân sự cho một công ty thương mại điện tử. 9X này hy vọng, trong tương lai, bố cô sẽ có cơ hội dành nhiều thời gian cho gia đình hơn.
Có chồng công tác trong quân đội, hơn chục năm qua, chị Vũ Thị Tâm (SN 1980, quê Vĩnh Phúc) và con gái luôn đón Tết trong cảnh thiếu vắng chồng. Chị Tâm cho biết, đơn vị của chồng đóng trên Đông Anh – Hà Nội mà vợ con lại ở cùng ông bà nội tại Lập Thạch - Vĩnh Phúc nên chẳng mấy khi Tết đến, gia đình được sum vầy đông đủ.
Bé Thu Hương, con gái chị Tâm.
Chị Tâm kể, không có chồng ở nhà mà con còn nhỏ nên mọi thứ chuẩn bị cho Tết, từ gói bánh chưng, nấu cơm canh, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ đạc... chị phải tự lo liệu. Riêng việc gói bánh chưng thì năm nào chị cũng phải nhờ anh em họ hàng nhà chồng sang giúp. Vì thế, nồi bánh chưng nhà chị Tâm lúc nào cũng "muôn hình vạn trạng", không thể đều tay như các gia đình khác.
Ngoại trừ những nghi lễ của ngày Tết như cúng giao thừa, tảo mộ, lễ chùa thì có bố chồng phụ giúp, còn lại, chị Tâm phải tự mình cáng đáng mọi công việc. Tuy nhiên, chị rất hạnh phúc khi có chồng tâm lý. Anh luôn quan tâm, gọi điện hỏi thăm và gửi quà cho hai mẹ con dịp Tết. "Sau những ngày trực là anh lại cấp tốc phi xe về nhà ngay với nhiều quà Tết trên tay và những lời động viên rất ấm áp. Vì thế, những nỗi buồn nhẹ vì thiếu vắng chồng ngày đầu năm cũng qua đi rất nhanh và tôi cũng không nghĩ ngợi nhiều".
Trung úy Trần Lê Hải, chồng chị Tâm. Nhiệm vụ của anh là đảm bảo phương tiện di chuyển tác chiến cho các đơn vị bộ đội.
Vì thế, Tết anh thường xuyên phải đi theo các đoàn bắn pháo hoa tầm cao, đảm bảo kỹ thuật xe cộ cho các đơn vị bộ đội di chuyển. Thường đến ngày 29 là đơn vị anh bắt đầu xuất phát lên đường làm nhiệm vụ.
Gia đình của những người thân công tác trong quân đội thường không được đón một cái Tết sum vầy đông đủ, trọn vẹn như những gia đình khác. Tuy nhiên, tất cả những người như Thảo, Ngà và chị Tâm đều cảm thấy rất tự hào khi có người thân khoác trên mình màu xanh áo lính. Họ đều tự hào khi cho rằng, nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho xã hội dịp Tết đến xuân về của bố, chồng mình là một công việc hết sức cao đẹp.
"Tôi rất tự hào khi có chồng là bộ đội. Chỉ cần biết anh vẫn khỏe và làm tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh quốc phòng dịp Tết là tôi rất vui và hạnh phúc" – chị Tâm nói.