Tony Trương
Sinh năm 1981 tại Bình Dương.
Năm 1992 theo gia đình sang tiểu bang Iowa, Mỹ.
Năm 2006 quay lại Việt Nam làm việc đến nay.
Các vị trí đã đảm nhận
Tại Mỹ:
Phối hợp Marketing sales tại công ty bảo hiểm State Farm Insurance
Chuyên gia tiếp cận nguồn lực tại Cơ quan phát triển nguồn lực lao động Iowa
Đại diện chăm sóc khách hàng tại Hệ thống dữ liệu điện tử EDS
Phối hợp Sales tại W.T. Weaver and Sons
Quản lý chăm sóc khách hàng tại Sears
Tại Việt Nam
Giám đốc chiến lược và phát triển kinh doanh tại Admicro - một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực khai thác quảng cáo trên Internet, trực thuộc công ty cổ phần VCCorp.
Giám đốc phát triển kinh doanh tại Golden Communication Group
Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành tại Golden Digital
Giảng viên thỉnh giảng tại VietnamMarcom
Quản lý phát triển kinh doanh tại Golden Communication Group
Quản lý lập chiến lược truyền thông tại Golden Advertising
Với cách nói chuyện thân mật, gần gũi với tất cả những ai mới lần đầu gặp mặt, bạn sẽ có cảm giác người đứng trước mặt mình là một chàng Việt kiều hài hước chứ không phải là Tony Trương - một cái tên khá quen thuộc trong ngành Digital và kinh doanh, quảng cáo.
Tony Trương hiện là Giám đốc chiến lược và Phát triển kinh doanh của Admicro - Giám đốc chiến lược và phát triển kinh doanh tại Admicro - một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực khai thác quảng cáo trên Internet, trực thuộc Công ty cổ phần VCcorp. Trước đó, anh đã từng làm rất nhiều công việc khác nhau tại Mỹ, có một cuộc sống bên gia đình và thu nhập tốt.
Tony mang quốc tịch Mỹ, sinh sống tại Mỹ 14 năm, nhưng tới thời điểm hiện tại, anh đã có gần 10 năm trở về, sống và làm việc tại Việt Nam. Câu chuyện trở về của Tony khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, chúng tôi đã có cuộc gặp mặt thân mật để lắng nghe những chia sẻ, cũng như quan niệm của anh về chuyện trở về hay đi mãi.
"Tôi từng băn khoăn về Việt Nam hay sang Tây Ban Nha, tôi thích cả 2, nhưng cuối cùng tôi về Việt Nam, vì đó là nhà"
Xin chào Tony Trương, dịp tình cờ nào khiến anh quay về Việt Nam, hay đó là một kế hoạch anh đã chuẩn bị từ trước?
Không, tôi không chuẩn bị. Lần đầu tiên sau 14 năm tôi trở về Việt Nam nhân một chuyến du lịch của cả gia đình vào năm 2006. Mẹ tôi bảo rằng tôi và em trai mình đã trưởng thành, nên một lần trở về thăm quê hương. Khi đó, tôi đang làm nhân viên marketing của một công ty bảo hiểm tại Mỹ nhưng đã bắt đầu thấy… chán và nghĩ đến chuyện sẽ thử sức ở những công ty Việt Nam.
Và trong 2 tuần ở Việt Nam để nghỉ dưỡng, tôi đã viết hàng loạt CV để gửi đến các công ty, đã được rất nhiều nhà tuyển dụng phỏng vấn và… đánh rớt. Sau đó, một tập đoàn truyền thông cũng cho tôi cơ hội thử sức và tôi quyết định ở lại đây để làm việc.
Trở về nước sau thời gian dài ở Mỹ, anh có gặp khó khăn nào trong công việc đầu tiên không? Cảm nhận của anh về con người Việt Nam như thế nào?
Công ty mà tôi được nhận vào làm là Tập đoàn Truyền thông Vàng (Golden Communications Group). Chị Hana Đặng, chủ tịch Hội đồng quản trị và anh giám đốc điều hành Nguyễn Trần Quang cho tôi 6 tháng để cải thiện tiếng Việt và làm quen với văn hóa, con người Việt Nam.
Khi ấy, tôi dọn ra thuê trọ tại một khu dân cư lao động ở Sài Gòn để cảm nhận rõ nét nhất văn hóa của những người ở tầng lớp bình dân nhất. Càng tìm hiểu, tôi càng cảm thấy thích và yêu con người nước mình, họ sống có tình, có nghĩa, điều mà ở nước ngoài tôi không cảm nhận được. Những người hàng xóm ở cạnh nhà tôi, họ ghét nhau, gây gổ với nhau hàng ngày, nhưng vẫn lo lắng cho nhau khi người kia gặp khó khăn.
Trong 6 tháng đó, tôi cũng nhận ra được một điều là nước mình còn nhiều người vất vả lắm. Ở ngay trung tâm thành phố mà có những người chỉ sống với ba mươi ngàn mỗi ngày. Cứ nghĩ đến những người như thế tôi lại thấy thương. Rồi tôi tự hỏi là, mình không đóng góp, không giúp họ thì như thế nào?
Có phải vì muốn đóng góp nên anh đã quyết định ở lại quê hương mình?
Có một điều chắc chắn là trong suốt 10 năm làm việc tại đây, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với những gì mình làm được cho quê hương, cho công ty, cho tổ chức, và cho chính mình nữa.
Mỗi người có quan niệm về cống hiến khác nhau, kể cả khi họ không ở Việt Nam. Riêng đối với tôi, tôi đóng góp cho doanh nghiệp của mình bằng tài năng và trí lực, bằng sự cống hiến hết mình để đạt được kết quả tốt. Tôi cũng như những người cùng sống tại Việt Nam dùng rất nhiều… hàng Việt trong cuộc sống hàng ngày. Tôi uống nước Vĩnh Hảo, tôi dùng sóng Mobifone, tôi bay máy bay của hãng hàng không Việt, tôi đóng thuế cho nhà nước, tôi ủng hộ hàng Việt… đó là những cách mà tôi xem như đóng góp cho đất nước mình.
Nhưng tôi quan niệm là mình đóng góp chứ không phải sống chết cho một điều gì đó. Tôi cũng chưa biết tương lai mình sẽ ở đâu, ở Việt Nam hay một quốc gia nào khác, tôi không chắc về điều đó. Thị trường nào khiến cho tôi cảm thấy thích thú, có cơ hội, thì tôi làm thôi.
Anh nói về cơ hội. Cụ thể anh thấy được cơ hội gì khi trở về?
Tôi tìm được một con đường ngắn hơn để đi đến thành công. Tôi thấy những cơ hội để mình phát triển nghề nghiệp mà mình yêu thích, thấy được cơ hội để xây dựng một điều gì đó ở nơi đây.
Tôi làm việc ở vị trí là người lập kế hoạch chiến lược trong 2 năm thì thấy mảng Digital bắt đầu phát triển ở Việt Nam. Là người lập chiến lược với mức lương khởi điểm là 1.000 USD, thời điểm đó ngành Digital bắt đầu phát triển và tôi nói rằng sao mọi người không lập ra công ty. Sau đó cùng mọi người lập Golden, làm 6 năm.
Chỉ vì như thế mà anh từ bỏ một cuộc sống mà an sinh xã hội, giáo dục, y tế và mọi tiện nghi khác đều tốt hơn?
Tôi cảm thấy đó là chuyện đương nhiên, và so sánh như thế thì rất khập khễnh. Với cá nhân tôi, những điều đang tồn tại mà bạn nói rằng đó là bất công, tiêu cực, thì xã hội nào cũng có, và tôi cảm thấy những điều đó không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, tôi không để tâm.
Tôi có thể lội nước ngập trên đường khi trời mưa, có thể chịu giá nhà đắt đỏ, chịu những hạn chế khác nhưng tôi vẫn chấp nhận được. Ngày trước, ước mơ lớn nhất của tôi là được sống và làm việc tại Barcelona, Tây Ban Nha. Nhưng khi tôi ngồi xuống để cân nhắc giữa Việt Nam và Tây Ban Nha, tôi đã chọn Việt Nam. Vì khi trở về nước, tôi cảm giác như trở về ngôi nhà của mình, rất gần gũi và thoải mái.
“Quan trọng là bạn có biết tận dụng tài năng của mình hay không, chứ không phải đất nước có biết tận dụng bạn không”
Những người thân, bạn bè, đồng nghiệp nói gì với quyết định trở về của anh?
À, họ bảo rằng tôi bị… khùng. Chỉ thế thôi!
Những người bạn Việt kiều của tôi họ vốn quen với những tiện nghi từ nước ngoài nên khi trở về đây, họ bảo là… không chịu được. Còn tôi thì lại thấy là mọi chuyện không đến nỗi tệ như mọi người vẫn nghĩ đâu.
Hay chăng vì nhiều người vẫn nghĩ rằng nhà nước Việt Nam chưa tận dụng được hết tài năng của người tài?
Cũng có thể đó là lý do. Nhưng tài năng của bạn thì quan trọng là bạn có biết tận dụng hay không, chứ không phải là đất nước có biết tận dụng bạn hay không.
Những người đã đi du học, nhất khi họ chọn con đường làm nghiên cứu chuyên môn thì ít ai quay về, theo anh có phải vì họ cần một môi trường chuyên môn đúng nghĩa để làm việc không?
Chuyện đi hay ở của mỗi người thì tôi không có ý kiến, vì mỗi người có một sự lựa chọn khác nhau và chúng ta phải luôn tôn trọng điều đó. Có những thứ với người này là tốt nhưng với người khác thì họ không cần và ngược lại.
Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy ở Việt Nam không thiếu gì những môi trường chuyên nghiệp để bạn có thể phát triển tài năng của mình cả, quan trọng là bạn có muốn hay không.
Vả lại, nếu bạn muốn một môi trường làm việc chuyên môn, bạn cũng có thể xây dựng nó lên ngay tại quê hương của mình mà.
Nếu một người trẻ nhận được học bổng từ trường ĐH nước ngoài, họ được thừa hưởng nền giáo dục nước bạn, được đào tạo chuyên nghiệp trong nhiều năm nhưng sau đó trở về thì có phải đất nước từng đào tạo cho họ sẽ thiệt thòi không?
Bạn nghĩ rằng các du học sinh được học miễn phí ở nước bạn thì có trách nhiệm ở lại cống hiến như một sự trả ơn? Ai sẽ ghi nhận điều đó?
Tôi có nghe người khác kể có một số du học sinh rất tài giỏi được nhiều công ty hoặc tập đoàn mời ở lại làm việc sau khi học tập. Nhưng cũng đã từng thấy rất nhiều du học sinh từ nhiều đất nước khác nhau tìm mọi cách để được ở lại sinh sống. Có lẽ họ đã quen dần sự tiện nghi và sự thỏa mãn của cuộc sống ở đó.
Người ta vẫn thường chê hàng Việt chưa thể sánh bằng hàng ngoại, các dịch vụ ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân nên giữa những sự lựa chọn thì họ sẽ luôn chọn điều gì tốt nhất với mình.
Tôi nghĩ, ở đây, mình cần một chút cảm thông nhất định. Chuyện hàng Việt kém hơn hàng ngoại là điều tất nhiên. Chúng ta đang so sánh giữa một nước đang phát triển với các nước đã có bề dày phát triển từ rất lâu thì liệu có công bằng không? Đất nước chúng ta vừa đổi mới và bắt đầu phát triển từ những năm 90, các hãng nước giải khát, các mặt hàng công nghệ không thể tốt như nước bạn được nhưng chúng ta phải luôn ghi nhận được những bước đi đầu tiên của các doanh nghiệp Việt, như Bphone, Dr. Thanh, Dược Hậu Giang, Hoa Thiên Phú, The Mike Style, Urbanista hoặc nhiều nhãn hàng Việt khác…
Hãy cho các tổ chức, doanh nghiệp nước mình thêm thời gian và cơ hội. Tôi không tin là mình không sánh được với các cường quốc.
Xin cảm ơn anh Tony Trương về cuộc trò chuyện này.