Đỗ Hữu Chí, đồng sáng lập Toa Tàu: "Tôi trở về vì tôi cần Việt Nam và muốn đóng góp cho Việt Nam"

Diệp Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 01:42 11/12/2015

Bút Chì - Đỗ Hữu Chí được biết đến như một họa sĩ vẽ truyện tranh, vẽ bìa sách rất nổi tiếng ở Việt Nam. Nhận học bổng và sau khi hoàn thành khóa học thạc sỹ ở Mỹ, anh quyết định trở về, vì nhìn thấy có quá nhiều cơ hội.

Những ngày này, cuộc tranh luận về vấn đề du học sinh: Ở hay về - đang trở thành chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội. Người ủng hộ bên ở lại đặt ra các câu hỏi về cơ hội, về tiện nghi, về sức cạnh tranh và thị trường lao động không có nhiều lựa chọn hấp dẫn như nước ngoài. Nhưng phía những người quyết định trở về, họ cũng có những câu chuyện ấp ủ, nhiều ước mơ và dự định. Cả hai bên đều có nhiều người đã thành công, đã hạnh phúc, cũng có cả những thất bại, vậy nên sẽ là không công bằng nếu chúng ta cho rằng cái nào là đúng, thế nào là sai. 

Dù vậy, chúng tôi vẫn quyết định thực hiện loạt bài viết về những người đã chọn con đường trở về. Họ đều là những người trẻ, đã từng có công việc ổn định hoặc đã tốt nghiệp các khoá học ở nước ngoài. Thế nhưng họ vẫn quyết định trở về, theo đuổi ước mơ và niềm tin của mình ở nước nhà và đã đạt được những thành công nhất định. 

Nhân vật đầu tiên của loạt bài viết này chính là hoạ sĩ Bút Chì - Đỗ Hữu Chí. Chàng trai 30 tuổi này từng được biết đến như một họa sĩ vẽ truyện tranh, vẽ bìa sách rất nổi tiếng ở Việt Nam. Từng theo học đại học Kiến Trúc, rồi nhận học bổng Fulbright chuyên ngành vẽ truyện tranh. 

Sau khi hoàn thành khoá học thạc sỹ 2 năm tại Mỹ, Đỗ Hữu Chí trở về nước. Anh trở về để tiếp tục theo đuổi những điều mình đam mê: đó là giáo dục và nghệ thuật. Đấy là lí do ra đời lớp Vẽ Kể Chuyện - một nơi để các bạn trẻ đến, cùng ngồi xuống và kể chuyện qua hình ảnh.

Chỉ trong vài tháng, từ lớp Vẽ Kể Chuyện, Toa Tàu đã thành hình. Lấy cảm hứng từ trường học toa tàu Tomoe trong truyện Tottochan - Cô bé bên cửa sổ, Toa Tàu chính là một tổ hợp sáng tạo - nghệ thuật dành cho cả người lớn lẫn trẻ em. Sau hơn 1 năm hoạt động, Toa Tàu đã trở thành một điểm đến đông đúc, một ốc đảo an lành cho những người say mê nghệ thuật và yêu cái đẹp. 

 Lớp học Toa Tàu của anh Bút Chì.

Câu chuyện của Toa Tàu là một câu chuyện đẹp, không chỉ đẹp từ những gì đang diễn ra và nảy nở ở đây mỗi ngày, mà còn đẹp bởi đó là câu chuyện về một người, đã trở về và dũng cảm theo đuổi điều mà mình tin là đúng, để tạo nên sự thay đổi mà mình muốn thấy. 


Báo Sài Gòn Tiếp Thị 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh khi đến thăm lớp học ở Toa Tàu đã chia sẻ: Nghệ thuật không phải là thứ gì đó độc quyền của các nghệ sĩ mà nó tiềm tàng trong mỗi người. Và học nghệ thuật không nhất thiết để đạt một điều gì đó, để có một nghề, mà là để sống vui sống trọn vẹn biết thưởng thức nghệ thuật và nhất là hành xử đúng đắn với những giá trị nghệ thuật trong cuộc sống. Khi đến với không gian Toa Tàu không có tuổi tác này, tôi đã nghĩ rằng, đi tìm hạnh phúc không nhất thiết là ôm một mớ tiền trong tay, mà có khi đơn giản là biết cách cùng với bọn trẻ mở một cửa sổ với nghệ thuật, để sống với nghệ thuật một cách hứng thú và mê say.
.

Tôi về vì cần Việt Nam và tôi muốn đóng góp cho Việt Nam 

Sau quãng thời gian theo học ở nước ngoài, điều gì thôi thúc khiến anh về nước tiếp tục làm việc?

Có 2 lý do: Tôi cần Việt Nam và tôi muốn đóng góp cho Việt Nam. Tôi cần môi trường tương đối cởi mở, linh hoạt, chưa chuyên môn hoá cao của Việt Nam để thử nghiệm các ý tưởng và phương pháp mới của mình về giáo dục. Nếu thực hiện được các ý tưởng của mình, tôi tin là nó sẽ đóng góp được nhiều thay đổi tích cực cho môi trường giáo dục và văn hoá ở chính đất nước chúng ta. Và thực tế đã chứng minh là cả hai điều trên đều đang đi đúng hướng.

 (Ảnh: Andy Trần). 

Có phải ý anh là: Cơ hội ở đây không chỉ là cơ hội có sẵn, mà còn là cơ hội mình nhìn ra được, tự tạo ra được và sẵn sàng theo đuổi?

Đúng thế. Thậm chí cơ hội không bao giờ nên là cơ hội có sẵn, nếu thế thì chán quá. 

Quyết định về nước sau khi hoàn thành khoá học thạc sỹ là quyết định được nung nấu từ đầu, hay từ một trải nghiệm nào đó khiến anh đã thay đổi quyết định? 

Tôi không phải là người lên kế hoạch quá xa, lúc đi thì cứ đi, lúc muốn về thì về thôi. Những thứ mình ấp ủ muốn làm thì đã ở đây với mình từ lâu rồi, sau một thời gian thì nảy mầm thôi. 

Trong những lý do đưa đến quyết định về nước của anh, có bao nhiêu phần là bởi những kỳ vọng và mong muốn của riêng anh, bao nhiêu phần là từ những lý do rất đơn giản và thuộc về tình cảm như gia đình, tình yêu và quê hương? 

Khó mà chia ra được bao nhiêu phần. Chỉ biết là mình cần về và muốn về thôi. 

Nhiều người cho rằng ở Việt Nam ít cơ hội hấp dẫn cho các du học sinh khi về nước, anh nghĩ sao về quan điểm ấy? 

Tôi nghĩ trước tiên cần phải thống nhất về khái niệm “cơ hội” và “hấp dẫn”. Bởi mỗi người trong chúng ta bị hấp dẫn bởi những điều khác nhau. Nhiều người mong muốn được sống trong một môi trường thuận lợi, muốn được chỉ làm công việc chuyên môn mà đủ sống, muốn sống trong một nơi có nền tảng văn hoá - xã hội văn minh, có trật tự: với nhóm này thì rõ ràng là ở Việt Nam vừa ít cơ hội vừa không hấp dẫn. 

Nhưng với nhóm khác, chấp nhận xã hội còn nhiều bất cập ở Việt Nam như một điều kiện tiên thiên, thì mảnh đất này lại quá màu mỡ. Với tôi, cơ hội chính là những việc mà chưa ai làm, hoặc chưa ai làm một cách tử tế, những việc chưa được làm với đủ tâm và đủ tầm. Những việc như thế ở Việt Nam đang quá sức nhiều. 

Điều quan trọng là tin rằng mọi thứ sẽ thay đổi, và điều này thực sự đang diễn ra rồi!

Có bao giờ anh nghĩ đến những hạn chế, những tiêu cực khi quyết định về nước làm việc? 

Có chứ. Nhưng vấn đề là không để nó ám ảnh mình. Trước tiên, khi chưa thể có ngay được những thay đổi nhanh chóng, thì nó cứ làm việc của nó, mình làm việc của mình - một cách tử tế. 

Điều quan trọng là tin rằng mọi thứ sẽ thay đổi, những hạn chế sẽ được khắc phục, tiêu cực sẽ giảm xuống, những điều tốt đẹp sẽ tăng dần lên. Điều này thực sự đang diễn ra rồi, nó là một dòng chảy ngầm rất lớn. Nhưng đối với những người theo xu hướng bi quan thì điều này khó tin vì những gì họ thấy trên bề mặt đang chứng minh điều ngược lại.

Báo Tuổi trẻ Cuối Tuần

Không phải xây dựng mô phỏng như hình dáng một toa tàu, nhưng tinh thần “Toa Tàu” là điều mà tất cả thành viên luôn nung nấu: một mái nhà chung cho nghệ thuật và đời sống, nơi mọi người luôn vui vẻ khi tìm đến, không chỉ để học mà còn là đọc sách, cùng trao đổi ý tưởng

Trong trường hợp này, có thể nói bi quan là an toàn và lạc quan là can đảm? Theo anh, cả hai đều là những quyết định đáng tôn trọng chứ?

Mọi quyết định đều đáng tôn trọng. Nhưng tôi tôn trọng hơn những người quyết định bằng tinh thần độc lập, sự hiểu biết, lòng can đảm và tầm nhìn của họ, chứ không quyết định bởi tác động của ngoại cảnh. 

Điều tuyệt vời nhất khi anh trở về nước sinh sống, làm việc sau thời gian du học nước ngoài là gì?

Là được hoà mình vào dòng chảy. Nếu cuộc sống là một dòng chảy lớn, và mỗi quốc gia có một kiểu dòng chảy khác nhau, chẳng hạn như các nước Bắc Âu sẽ là những mặt hồ tĩnh lặng, nước Mỹ là một vùng biển lớn, thì Việt Nam giống như một con sông mùa lũ - chảy rất nhanh cuốn theo đầy phù sa, tôm cá và mọi thứ nó gặp trên đường. Tôi thấy vui sướng vì được sống và làm việc trong dòng chảy cuồn cuộn ấy. 

 Cơ hội và tiềm năng thì luôn nhiều vô tận

Lựa chọn theo học vẽ truyện tranh ở Mỹ, tại sao anh lại rẽ ngang sang làm giáo dục?

Vì tôi quan tâm đến con người và tiềm năng vô tận của nó. Truyện tranh từng giúp tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu thế giới, phát triển nhận thức và giao tiếp với con người, nhưng đến một lúc thì nó không còn đủ nữa. Truyện tranh chỉ là một phương tiện để kể chuyện, tôi muốn khám phá các phương tiện khác. Lời nói, hình vẽ, âm nhạc, chuyển động cơ thể… tôi muốn biết chúng ta có thể kể cho nhau nghe những chuyện gì, và những câu chuyện đó có thể giúp chuyển hoá và thay đổi cuộc sống của chúng ta đến đâu. Tôi làm giáo dục vì tôi muốn học. Tôi muốn thoả mãn sự tò mò và lòng yêu quý bất tận của mình đối với con người và thế giới. 

 (Ảnh: Andy Trần).

Anh có thể chia sẻ một vài ví dụ là minh chứng rõ ràng nhất cho những tác động và kết quả tích cực của Toa Tàu đến với những học viên? 

Nếu nói về kết quả nhìn thấy được, thì đó là niềm vui và sự khơi mở sáng tạo của mọi người thể hiện qua các câu chuyện. Tôi tin rằng còn những kết quả không nhìn thấy được, là cảm giác tự tin hơn, tự do hơn, cái nhìn cuộc đời đẹp hơn. Những điều đó bạn phải nói chuyện với từng người mới thấy được.

Khi dấn thân vào con đường mới mẻ này, anh nghĩ nhiều đến điều gì? Sự thành công, sự thay đổi, hay niềm hạnh phúc vì đang làm điều mình thích? 

Tôi nghĩ nhiều đến sự trưởng thành. Tôi biết đây là con đường mình muốn đi và cần phải đi, có quá nhiều dấu hiệu để khẳng định điều đó. Có hạnh phúc và có cả đau khổ, có thành công và có cả thất bại, tất cả rồi sẽ trôi qua nhưng nếu mình làm đúng việc mình cần/muốn làm ở đúng nơi, vào đúng thời điểm, thì tức là mình đã sống đúng và trưởng thành đúng với tư cách là một con người. 

Liệu tôi có thể nghĩ rằng: Sự thành công của Toa tàu là minh chứng cho việc “Những cơ hội và tiềm năng luôn có ở quanh bạn, chỉ cần bạn đủ niềm tin để theo đuổi nó”? 

Còn quá sớm để nói về “sự thành công của Toa Tàu”, vì còn nhiều khó khăn trước mắt. Nhưng cơ hội và tiềm năng thì đúng là vô tận rồi.

Người ta thường nói đến sự thay đổi, anh có nghĩ rằng nếu bản thân mình không đứng lên thay đổi, thì chẳng có điều gì được thay đổi? 

“Chỉ có sự thay đổi là không thay đổi.” - Heraclitus đã từng nói thế. Thử quay lại hình ảnh dòng sông cuồn cuộn chảy phía trên đi: giả sử như mình không thay đổi thì sông vẫn cứ chảy mà. Mình có thể là khúc gỗ mục trôi theo dòng, hay là rong rêu bám vào tảng đá, hay là tôm tép sống lẫn trong rong. Mình cũng có thể là cá lớn đón đầu ngọn sóng, là ngư dân bủa lưới giăng câu, hay là thiền sư ngồi trên bờ thưởng trà ngắm cảnh. Chỉ cần mình muốn là gì đủ nhiều thì sẽ được là cái đó thôi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày