Chỉ trong vòng ba tháng ngắn ngủi, bà Nguyễn Thị Mai Hương (quê ở Cà Mau, SN 1958, tạm trú tại 90/4B, D90/4B, Dương Công Khi, Ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) phải lần lượt tiễn đưa 5 người thân trong gia đình. Nỗi ám ảnh đó đã khiến bà phải bỏ xứ ra đi.
Ngược về Sài Gòn mưu sinh, bà dẫn theo người mẹ già bạo bệnh và 6 đứa cháu mồ côi cha mẹ, trong đó có một cháu bị bệnh tâm thần. Ở nơi đất khách quê người, một mình bà phải gồng gánh, lo toan tất cả. 3 năm ròng, những bữa cơm cùng nước tương cứ lặp đi lặp lại khiến người ngoài nhìn vào không khỏi xót xa.
Bà Hương vốn người gốc Huế, nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên đã lặn lội vào Cà Mau lập nghiệp. Những tưởng cuộc sống của bà sẽ suôn sẻ hơn nhưng bi kịch liên tục ập đến. Năm 22 tuổi, bà lấy chồng và sinh đôi. Mấy năm sau, bà sinh thêm người con thứ 3. Nhưng số phận trêu ngươi, năm ấy bão về, chồng bà đi cắm cá đổi gạo bị lũ cuốn. Đến giờ, nghĩ lại cái chết của chồng, lòng bà vẫn quặn thắt. Chỉ vì cái nghèo, cái đói, sợ các con không có cái ăn nên dù trời mưa bão, chồng bà vẫn ra sông kiếm cá, để rồi đêm ấy, người đàn ông trụ cột trong gia đình đã bỏ vợ con ra đi mãi mãi.
Chôn cất chồng chưa được bao lâu, hai đứa con song sinh chẳng hiểu nguyên nhân gì bỗng dưng biếng ăn, hay bị sùi bọt mép rồi lần lượt qua đời. "Tụi nó đói nên người gầy như que tăm, ốm yếu, sữa mẹ cũng không có uống, chỉ uống nước cơm, ăn bột mì, có lẽ vì vậy nên không thể sống tiếp”, bà xót xa tâm sự.
Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó, chỉ mấy tháng sau, người con gái thứ ba của bà tên Nguyễn Thị Mỹ Linh (17 tuổi) bị tai nạn giao thông. Nhà nghèo không có tiền đi bệnh viện nên bà để con nằm ở nhà, phó mặc cho số phận. Trong đêm ấy, lúc trời mưa gió tầm tã, Linh bất chợt tỉnh dậy, ôm chặt lấy mẹ, chẳng nói được câu gì rồi gục chết. Nhớ về người con gái bạc mệnh, bà kể, cách đó ít hôm, con gái bà đem hình chụp ra tiệm rửa ảnh, sau đó dặn dò mẹ: "Nếu con có chết thì mẹ lấy ảnh này thờ nha". Bà mắng con nói tầm bậy, nào ngờ ngày hôm sau xảy ra cơ sự đau lòng.
Hiện tại, căn phòng trọ bà và các cháu đang thuê chỉ rộng 4m2, với giá 800.000 đồng/tháng, chưa kể tiền điện nước. Hôm nào mưa gió, nước ngập tràn vào nhà, 6 bà cháu phải ngồi co ro thức trắng đêm không thể nào chợp mắt. Thời điểm chúng tôi tìm đến, người mẹ già của bà đang nhập viện, tiền viện phí bà phải đi vay mượn hàng xóm. Mẹ nhập viện, nhưng bà vẫn không dám vào thăm vì còn phải lo cho đàn cháu.
Những mất mát dồn dập ấy khiến những ai dù bĩnh tĩnh, bản lĩnh đến mấy cũng không thể đứng vững. Thế nhưng, trong nỗi đau tận cùng ấy, bà lại tiếp tục đón nhận thêm cú sốc mới. Hai tháng sau khi con gái mất, bà nhận được hung tin người em trai câm điếc bẩm sinh bị xe cán chết khi đang chạy tìm các con đang lần dò ăn xin trên đường phố Cà Mau. Người em dâu của bà quá đau đớn mà phát bệnh tâm thần, bỏ nhà đi biệt tích, để lại 6 đứa cháu nhỏ. Vậy là bà phải dang tay làm điểm tựa, bao bọc những đứa nhỏ mồ côi.
Giai đoạn đó bà hoàn toàn suy sụp, ngày nào cũng đóng chặt cửa phòng trọ rồi nhìn lên bàn thờ con mà khóc. Bà bảo, bà khóc vì bất lực trước số phận, những khó khăn phía trước mà mình sắp phải đối mặt. Nhiều lúc bà muốn tự vẫn cho thoát khỏi kiếp sống này, nhưng nghĩ lại mấy đứa nhỏ sẽ ra sao?Thế nên bà dặn lòng phải cố sống dù phía trước còn nhiều dông bão.
Chỉ tay vào góc nhà, bà Hương nói: “Thằng cháu này tên là Nguyễn Thanh, từ ngày cha mất, nó bị sốc nặng rồi phát bệnh tâm thần. Lúc bình thường thì cười nói ngô nghê, nhưng khi lên cơn là la hét, đập phá. Nhiều lần Thanh bỏ đi mấy ngày, may gặp người quen nên họ đưa về nhà”.
Đôi tay gầy trơ xương, đầy vết kim đâm, bà kể đó là kết quả của nhiều lần bán máu. "Ban đầu, tôi bán tóc, sau tóc không dài ra được nữa thì tôi chuyển sang bán máu. Mỗi tháng tôi bán 5 xị máu (1 xị tương đương khoảng 250ml), kiếm được đồng nào thì đi trả nợ đồng nấy”.
Đôi khi không có tiền, bà và những đứa cháu, mẹ già phải nhịn ăn, uống nước trừ bữa sống lay lắt qua ngày. Ba năm ròng rã, bà Hương cùng những đứa trẻ chưa bao giờ biết đến miếng thịt heo hay đơn giản là món rau xào.
Bữa cơm "sang" nhất của gia đình chỉ là cơm trắng và nước tương.
Bà bảo, nhiều lúc đến bữa cơm, hàng xóm nấu ăn thơm phức, bọn trẻ thèm lắm, cứ hít mãi mùi thơm ấy. Thương cháu nhưng tủi hổ với hàng xóm, bà đành lấy chổi đuổi chúng về phòng rồi khoá cửa lại. “Có đêm, đang nằm với tôi thì tụi nó bảo, cô hai ơi, bọn con thèm thịt quá, mai cô hai mua 20.000 đồng thịt về ăn đi. Nghe chúng nói, tôi ứa nước mắt nghĩ đến số nợ sáu mươi mấy triệu đang treo lơ lửng trên đầu”. Hỏi chuyện về số nợ "khổng lồ" này, bà ngậm ngùi cho hay, lúc em trai gặp tai nạn, bà phải vay mượn hàng xóm để mua đất chôn cất, làm lễ ma chay.
Tới giờ ăn, 4 anh em thường hay ra quán cơm gần nhà để nhìn. Thấy cảnh đó ai cũng ứa nước mắt.
Cháu Bình nói: “Con không muốn gì cho riêng con cả, chỉ ước cô hai trả hết số nợ thôi. Nếu như có tiền, con sẽ mua một con gà để anh em con ăn cho hết thèm”.
Hàng ngày, ngoài thời gian đến lớp học tình thương, Bình còn phải đi nhặt rác...
Hoặc những ngày cuối tuần, Bình xin thêm chân phụ quán ăn. Tất cả những đồng tiền kiếm được, cậu bé này đều gửi bà Hương để trả nợ hoặc giúp bà mua thêm thức ăn cho các em.
6 đứa cháu của bà, 2 đứa đã được đưa vào làng trẻ SOS ở Gò Vấp (TP.HCM). 4 đứa còn lại lúc tỉnh lúc mê. Nhiều lúc không kiềm chế được cảm xúc, bọn chúng rượt đánh luôn cả bà.
Bé Trà My, năm nay đã 3 tuổi, ngoài căn bệnh về tim, bé còn mắc kèm theo chứng bệnh về khớp.
Những lúc bé My trở bệnh, người chị gái đầu Nguyễn Thị Hồng Thu (15 tuổi, hiện làm công nhân may) luôn chăm sóc em.
Bé Tiến ngờ nghệch, ai hỏi gì nói đó, không ý thức được mình đang làm gì cả.
“Đến chai nước tương 10 nghìn đồng, nhiều khi tôi còn không mua nổi nói gì đến việc cho các cháu chữa bệnh. Giờ tất cả chỉ còn biết trông vào trời đất thôi, tương lai tôi cũng chẳng nói trước được điều gì. Mỗi buổi sáng thức dậy, quay sang thấy bọn nó vẫn còn ngọ nguậy là bản thân vui lắm rồi”.
Mọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm xin liên hệ:
Bà Nguyễn Thị Mai Hương (địa chỉ: 90/4B, D90/4B, Dương Công Khi, Ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM.)
Điện thoại: 0163.881.0974
|