Gặp ông già 80 tuổi có "phép thuật" biến rơm thành giấy

Danh Ngọc, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 14/08/2013

Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cuộc sống còn nhiều khó khăn, giấy viết cũng rất thiếu thốn. Hai vợ chồng ông Thanh đã lao tâm khổ tứ, dành hơn chục năm trời mới thành công trong việc biến rơm rạ thành giấy.

Tìm gặp ông Nguyễn Phúc Thanh (trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), chúng tôi khá ngỡ ngàng bởi tuy năm nay đã gần 80 tuổi nhưng ông Thanh trông vẫn rất khỏe mạnh và còn vô cùng minh mẫn. Khác với những người bình thường, ở cái tuổi này đáng lẽ đã được nghỉ ngơi, nhưng ông Thanh lại suốt ngày lọ mọ, tìm tòi để nghiền ngẫm với những sáng tạo - những đứa "con đẻ" của mình. 

Gặp ông già 80 tuổi có "phép thuật" biến rơm thành giấy 1
Ông Thanh bên những sản phẩm của mình.

Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cuộc sống còn nhiều khó khăn, giấy viết cũng rất thiếu thốn. Nhận thấy rơm rạ có thể chế được thành giấy, ông Thanh cùng vợ là bà Huỳnh Thị Tuyết Hồng đã bàn với nhau nghiên cứu. Lao tâm khổ tứ suốt mười mấy năm trời với rất nhiều lần thất bại, đến năm 2006, mọi công sức của hai vợ chồng ông Thanh về việc nghiên cứu phương pháp sản xuất bột giấy từ rơm rạ đã thành công. 

Phấn khởi với thành quả đạt được sau nhiều năm mất ăn mất ngủ để tạo ra giấy từ rơm rạ, ông Thanh ba năm liền gửi đơn xin chứng nhận bằng độc quyền sáng chế. Đến tháng 6/2009, ông Thanh đã được cấp Bằng độc quyền “Giải pháp hữu ích: Phương pháp sản xuất bột giấy từ rơm rạ" của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Gặp ông già 80 tuổi có "phép thuật" biến rơm thành giấy 2
 Phương pháp sản xuất bột giấy từ rơm rạ của ông Thanh được tiến hành trong điều kiện môi trường thông thường, không yêu cầu nhiệt độ và áp suất cao, tiêu tốn ít năng lượng và hóa chất.

Gặp ông già 80 tuổi có "phép thuật" biến rơm thành giấy 3
Sản phẩm cuối cùng là những tờ giấy có độ trắng tương đối và hoàn toàn có thể sử dụng một cách bình thường trong nhiều công việc.

Ông Thanh cho biết: "Việc tạo ra bột giấy từ rơm rạ là một trong những nghiên cứu và cách làm khá mới, hầu như ở Việt Nam chưa ai làm. Nhận thấy được nhiều lợi ích từ việc này nên tôi đã không ngần ngại khó khăn và công sức để bỏ ra nghiên cứu suốt nhiều năm trời".

"Có thể nói rằng, sản xuất được bột giấy từ rơm rạ là một giải pháp hữu ích nhất, từ việc tiết kiệm nguyên liệu, không gây ảnh hưởng đến môi trường và thậm chí đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân cũng như chính người sản xuất", ông Thanh cho hay.

Theo ông Thanh, ở Việt Nam hiện nay, bột giấy được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu truyền thống là gỗ lá kim, gỗ lá rộng và một phần nhỏ từ tre nứa. Việc sử dụng các loại cây này không phải trong một thời gian ngắn mà phải mất nhiều thời gian để cây gỗ phát triển, lúc đó mới có thể sử dụng được. Trong khi đó, người dân Việt Nam chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, sau mỗi vụ mùa, ngoài thu hoạch được thóc gạo thì còn lại rất nhiều rơm rạ. Số rơm rạ này ngoài một phần được dùng làm chất đốt đun nấu, phần còn lại thường bị người dân vứt bỏ hoặc đốt đi, rất lãng phí về mặt kinh tế. Chính vì vậy, việc áp dụng phương pháp sản xuất bột giấy từ rơm rạ sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu mới dồi dào cho ngành công nghiệp sản xuất giấy, tạo điều kiện cho những người nông dân có thêm thu nhập...

Gặp ông già 80 tuổi có "phép thuật" biến rơm thành giấy 4
Ông Thanh lấy những tài liệu nghiên cứu khác cho chúng tôi xem.

Chia sẻ về quá trình nghiên cứu và sản xuất ra những đứa "con đẻ" của mình, ông Thanh cho hay, thời gian đầu bắt tay vào nghiên cứu gặp khó khăn bộn bề, đặc biệt là thiếu thốn về mặt tiền bạc. Sau khi nghiên cứu thành công, trong vòng một năm, ông Thanh cùng một người bạn đã xây dựng một xưởng giấy ở Yên Phong, Bắc Ninh. Tuy nhiên, xưởng giấy này hoạt động trong một thời gian ngắn đã phải dừng bởi nhiều lý do khách quan. 

Chúng tôi tò mò muốn biết về quy trình sản xuất bột giấy từ rơm rạ, ông Thanh mỉm cười và nói: "Thật ra, khi nghiên cứu xong rồi thì tôi thấy cũng khá dễ. Đầu tiên là ngâm rơm rạ trong dung dịch tẩy trắng. Sau đó đưa vào máy nghiền xay vụn. Trộn dung dịch tẩy trắng lần hai và ngâm trong hai tiếng để được lớp chất kết dính trắng mịn. Tiếp đến, lọc bỏ nước để lấy bột giấy. Cuối cùng là quét bột giấy lên khung rồi đem ra phơi nắng. Sau ba tiếng đồng hồ nếu trời nắng bình thường sẽ có được tờ giấy trắng". 

Nghe thì có vẻ không có gì khó khăn, nhưng để tìm ra được công thức chuẩn, pha chế được dung dịch phù hợp... ông Thanh và vợ đã phải mất ngủ mười mấy năm trời, tốn bao công sức và tiền bạc.

Gặp ông già 80 tuổi có "phép thuật" biến rơm thành giấy 5
Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích về phương pháp sản xuất bột giấy từ rơm rạ và sản phẩm giấy mới qua các công đoạn thủ công của ông Thanh.

Gặp ông già 80 tuổi có "phép thuật" biến rơm thành giấy 6
Ngoài ra, ông còn nghiên cứu thành công những sản phẩm như màng mỏng làm từ xơ thực vật làm túi ni lon.

Nhưng hiện nay, trong quá trình làm giấy, ông Thanh không dùng máy nghiền xay vụn rơm mà dùng cối chày đập dập. Vì nhiều công đoạn làm thủ công nên nhiều lúc sản phẩm khi hoàn thành sẽ không được như mong muốn. Theo ông Thanh, nếu như áp dụng các biện pháp và phương tiện máy móc hiện đại thì sản phẩm sản xuất ra sẽ mịn và đẹp hơn, nhưng ông chưa có điều kiện về kinh tế để có thể thực hiện.

Là một người đam mê mày mò, sáng tạo, trước khi nghiên cứu thành công bột giấy từ rơm rạ, ông Thanh đã từng thành công trong việc chế biến bèo tây thành giấy, sản xuất bê tông nhẹ từ xơ thực vật, hay chế tạo vật liệu nhẹ làm vách ngăn, tấm trần nhà từ các loại rác thải...

"Mặc dù đã già, nhưng tôi vẫn luôn tìm hiểu và muốn đóng góp một thứ gì đó nho nhỏ cho xã hội. Có một dự án công nghệ xử lý rác thải đô thị triệt để từ các thành phần hữu cơ và chế tạo vật liệu xây dựng có độ bền cao nhưng do chưa có đủ kinh phí nên chúng chưa thể hoạt động được", ông Thanh ngậm ngùi.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày