Gặp anh họa sỹ người Việt vẽ minh họa cho báo The New York Times

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 07:36 08/03/2016
Chia sẻ

Cuộc gọi bất ngờ từ Giám đốc Mỹ thuật của New York Times đã mang đến cho Trần Hồng Nguyên cơ hội trải nghiệm công việc tại một trong những tờ báo uy tín bậc nhất trên Thế giới.

Nhắc đến hội họa, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đó là một lĩnh vực nghệ thuật đầy mộng mơ. Người vẽ tranh đẹp thường cũng là những người nghệ sĩ có tâm hồn cảm thụ hình khối, màu sắc một cách rất sâu sắc. Nhưng trong giới ấy, việc gặt hái được nhiều thành công, gây dựng tên tuổi và duy trì cuộc sống với thu nhập cao lại không phải là điều mà ai cũng làm được.

Không biết có phải vì đã hiểu rõ những điều ấy hay không mà từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường ĐH, họa sĩ trẻ Trần Hồng Nguyên đã lựa chọn cho mình một hướng đi rất khác. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP. HCM, anh tiếp tục theo đuổi đam mê với ngành minh họa tại trường Savannah College of Art and Design, Mỹ.

Hiện tại anh đang là họa sĩ thiết kế trong mảng marketing cho Chicago Children's Theatre ở Chicago. Hồng Nguyên cũng cộng tác vẽ tranh minh họa cho nhiều tờ báo và anh cũng là một trong số ít những người Việt trẻ có cơ hội làm việc tại The New York Times - tờ báo in nổi tiếng hàng đầu thế giới.

Trần Hồng Nguyên

Hiện là họa sĩ thiết kế cho Chicago Children's Theatre

  • Năm sinh: 1981

  • Anh sinh ra tại Hà Nội và lớn lên ở Sài Gòn

  • Là con trai nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải.

  • Các giải thuởng đã đạt được:

  • - American Illustration, Society of Illustrators, Applied Arts Magazine, 3x3 Magazine, Society of Publication Designers

  • - Giải nhất cuộc thi thiết kế bookmark của trường Savannah College of Art and Design.

  • Anh đã và đang cộng tác cho nhiều tờ báo, nhà xuất bản trong và ngoài nước, ngoài ra còn làm cho các studio thiết kế, doanh nghiệp như Working Class Studio, Coffee Republic và Sadec District.

  • Hiện sống và làm việc tại Chicago, Mỹ.

Tự tin giới thiệu tác phẩm và cuộc gọi bất ngờ từ Giám đốc mỹ thuật NYTimes

Xin chào họa sĩ Hồng Nguyên. Anh có thể chia sẻ về chặng đường đến The New York Times của anh diễn ra như thế nào không?

Nói là chặng đường thì nghe hơi mơ hồ, đúng ra đối với tôi đó là một cơ hội đến rất nhanh mà tôi may mắn nắm giữ được. Hơn nữa, nó cũng là thành quả của việc phải làm việc cật lực và tìm kiếm cơ hội. Khi mọi thứ đến, tôi đã tự nhủ phải làm thật tốt vì sự cạnh tranh là rất lớn, mình không thể để lỡ vì có những điều chỉ đến một lần.

Gặp anh họa sỹ người Việt vẽ minh họa cho báo The New York Times - Ảnh 2.

Hình minh họa của Hồng Nguyên trên báo NYTimes.

Ngày đó, khi đang là sinh viên du học tại Mỹ, có một lần, một người thầy đã mời Giám đốc Mỹ thuật của tờ NYTimes đến thăm trường và gặp gỡ sinh viên. Tôi đã đăng ký giới thiệu tác phẩm của mình với vị Giám đốc này và ngay hôm sau đã nhận được điện thoại mời cộng tác của ông.

Đó quả là cơ may hiếm có khiến con đường đến thành công của anh trở nên dễ dàng hơn?

Tôi không nghĩ thế. Việc được ngài Giám đốc hẹn gặp mới chỉ là bước đầu thôi. Sau đó, bên NYTimes đã gọi điện đặt hàng tôi vẽ tranh minh họa cho số Chủ Nhật. Tôi phải vẽ phác thảo từ 3 đến 5 mẫu gửi Giám đốc Sáng tạo của họ xem. Khi được duyệt, tôi mới phát triển thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Bức tranh đã khiến tôi "lọt vào mắt xanh" của ngài Giám đốc khi đó chính là tác phẩm Pinboy. Đây là hình ảnh minh họa cho nỗi vất vả của những người làm việc tại khu chơi bowling.

Gặp anh họa sỹ người Việt vẽ minh họa cho báo The New York Times - Ảnh 3.

Tác phẩm Pinboy được sử dụng cho số báo ra ngày 20/5.

Sau đó, nó đã được sử dụng cho số báo ra đúng vào ngày 20/5, cũng là dịp sinh nhật của tôi. Vì thế, nó để lại cho tôi một kí ức rất khó quên. Lúc đó tôi cũng nghĩ nếu mình thật sự không có khả năng, không biết cố gắng nắm bắt cơ hội thì chắc chắn sẽ không có chuyện được cộng tác với tờ báo lớn như vậy.

Anh có thể "bật mí" về khoản thù lao đầu tiên cho tác phẩm Pinboy này chứ?

Tôi nhận được nhuận bút 450 đôla Mỹ. Chắc cũng không thấp lắm nhỉ! Tuy nhiên, lúc ấy kinh tế không phải thứ duy nhất tôi quan tâm.

Với tôi, điều quan trọng là mình được làm việc trong một môi trường tốt, có nhiều cơ hội thử thách bản thân và trải nghiệm những điều mới lạ. Hơn nữa, tôi rất vui vì được khách hàng chủ động liên lạc lại.

Cảm xúc của anh khi làm việc tại tờ báo nổi tiếng thế giới như vậy là gì? Anh có thể chia sẻ một chút về công việc của mình ở đó?

Tôi rất vui và trân trọng cơ hội đó. Khi trao đổi với giám đốc mỹ thuật của NYTimes, tôi hiểu rằng cần phải có sự tin tưởng và chuyên nghiệp để đảm bảo tiến độ làm việc cũng như đáp ứng được nhu cầu về thẩm mỹ của tờ báo lớn. Đó là một sự thách thức lớn nhưng cũng đầy hấp dẫn.

Gặp anh họa sỹ người Việt vẽ minh họa cho báo The New York Times - Ảnh 4.

Để làm tốt công việc tại NYTimes, tôi luôn phải tìm chất liệu sáng tạo, luôn cày xới ý tưởng từ cuộc sống, luôn thay đổi phù hợp cho từng thời điểm.

Ở NYTimes, môi trường làm việc tuy rất lý tưởng nhưng cũng cạnh tranh, sàng lọc rất gắt gao. Nhưng tôi cũng hiểu ra cho dù bạn làm ngành nghề gì, ở đâu, cũng đều phải coi trọng vấn đề quan hệ khách hàng, gây dựng niềm tin.

Quy trình tạo ra một bức tranh minh họa của anh như thế nào và việc đó thường mất bao lâu?

Tùy vào mức độ phức tạp của sản phẩm. Thông thường tôi mất khoảng 3 ngày đến 1 tuần để sáng tạo nên một bức minh họa. Công đoạn thì nhiều lắm, từ nghiên cứu, ý tưởng, phác họa, rút gọn lại rồi hoàn thiện, cho ra sản phẩm cuối cùng.

Gặp anh họa sỹ người Việt vẽ minh họa cho báo The New York Times - Ảnh 5.

Góc làm việc của họa sĩ Hồng Nguyên.

Anh nghĩ vẽ tranh minh họa có gì khác so với các bức tranh tự do sáng tạo khác?

Tranh minh họa luôn có giá trị riêng và được đánh giá cao so với các dạng hình ảnh khác bởi tính độc đáo và ít khi bị gò bó về nội dung so với ảnh chụp. Minh hoạ là một dạng hình ảnh có chức năng giải quyết một vấn đề nào đó chứ không chỉ đơn giản là trang trí cho đẹp. Tất nhiên là minh họa thì thường mình sẽ phải làm theo yêu cầu của khách hàng, minh họa cho các chủ đề có trước chứ không thể chỉ là tùy hứng, ngẫu nhiên sáng tạo được.

Nhiều ý kiến nói là tranh minh họa mang nhiều giá trị thương mại? Anh nghĩ sao về nhận xét đó và bản thân anh, làm cách nào anh cân bằng giữa sự sáng tạo độc lập của cá nhân và yêu cầu khách hàng?

Đối với tôi, mỗi một bức tranh dù đơn giản nhất cũng đều là tâm huyết và sự nỗ lực hết mình. Tôi quan niệm, sản phẩm không chỉ là cảm hứng mà còn là trách nhiệm và sự chuyên nghiệp. Tôi không chỉ muốn làm hài lòng khách hàng của mình mà lâu dài còn muốn xây dựng thương hiệu, ấn tượng của riêng mình.Vì thế, mỗi bức vẽ minh họa, thứ nhiều người vẫn nghĩ là thuộc phạm trù hội họa ứng dụng, mang nhiều giá trị thương mại thì đối với tôi, nó là sự tổng hòa của cả yếu tố thực tế lẫn nghệ thuật trong đó.

Làm việc tại những tờ báo lớn có phải là điều anh dự định trước khi sang Mỹ du học hay không?

Ở trong nước, tôi cũng làm trong ngành báo chí (thiết kế, minh họa cho sách và tạp chí). Hiện tại, công việc chính của tôi là hoạ sĩ thiết kế trong mảng marketing cho Chicago Children's Theatre ở Chicago, song song đó tôi vẽ minh hoạ cho các báo, tạp chí, design studio trong và ngoài nước. Thời gian rảnh tôi hay vẽ ký họa và đi các hệ thống bảo tàng, công trình văn hoá để tìm hiểu thêm.

Lúc còn là sinh viên, tôi đã xây dựng một studio riêng. Sản phẩm sáng tạo của tôi gồm nhiều thể loại, lấy cảm hứng từ nhiều vấn đề của cuộc sống hiện đại.

Gặp anh họa sỹ người Việt vẽ minh họa cho báo The New York Times - Ảnh 6.

Trần Nguyên với bức tranh vẽ minh họa cho bài viết "những nhà đầu tư hưu trí và việc bước ra khỏi cơn hoảng loạn" đăng trên NYTimes.

"Tôi đang được trả tiền để làm công việc mình yêu thích!"

Trước đây, vì sao khi tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP HCM, lý do gì khiến anh quyết định sang Mỹ du học một lĩnh vực khá mới lạ là ngành minh họa?

Mặc dù đã tốt nghiệp ĐH chuyên ngành mỹ thuật trong nước nhưng tôi vẫn cảm thấy ngần ấy chưa đủ. Vì thế, tôi sang Mỹ học 2 bằng Thạc sỹ về những lĩnh vực khác. Việc theo học ngành Nghệ thuật ứng dụng tại trường ĐH Mỹ thuật và Thiết kế Savannah là bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc đời tôi.

Gặp anh họa sỹ người Việt vẽ minh họa cho báo The New York Times - Ảnh 7.

Hồng Nguyên chia sẻ, ngoài hội họa, anh rất thích nhiếp ảnh, du lịch và bóng đá Tây Ban Nha.

Anh đánh giá như thế nào về nghề vẽ tranh minh họa ở Việt Nam? Anh có ý định quay về nước để cống hiến chứ?

Công việc vẽ minh họa cho báo chí ở Việt Nam vẫn đang bị xem nhẹ, không được đánh giá đúng và thù lao thấp. Đó cũng là một trở ngại lớn cho các bạn yêu thích và muốn theo đuổi nghề này.

Cá nhân tôi thì tôi chưa nói trước được điều gì. Hiện tại thì cuộc sống tại Mỹ của tôi tương đối ổn. Tôi được trả tiền để làm việc mình yêu thích, được sống trong môi trường hiện đại, xã hội văn minh. Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống nên tôi luôn sống theo cách mà mình mong muốn, được làm việc và cố gắng trở thành người tử tế như mong ước của cha mẹ tôi.

Gặp anh họa sỹ người Việt vẽ minh họa cho báo The New York Times - Ảnh 8.

"Hiện tại, tôi vẫn luôn tìm kiếm cơ hội và gõ mọi cánh cửa. Bởi vì tôi hiểu rằng, mọi thứ luôn thay đổi không ngừng, tôi cũng phải thích nghi để tồn tại".

Gặp anh họa sỹ người Việt vẽ minh họa cho báo The New York Times - Ảnh 9.

Tranh minh họa của Hồng Nguyên cho tạp chí trong nước.

Kế hoạch trong thời gian tới của anh như thế nào?

Tôi sẽ tham dự các triển lãm, cuộc thi và trại sáng tác. Ngoài việc làm nghề, tôi còn tận dụng các cuộc gặp gỡ để mở rộng đối tượng khách hàng của nhiều lĩnh vực.

Theo anh, điều quan trọng mà các họa sỹ trẻ nước ta cần nhất để đi đến thành công là gì?

Tôi nghĩ điều quan trọng là các bạn phải khiến khách hàng nghĩ mình làm được. Phải tạo ấn tượng tốt. Phải chuyên nghiệp và luôn cập nhật.

Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện này! Chúc anh sức khỏe và thành công trong cuộc sống!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày