Để thuận lợi cho thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015, hàng trăm sinh viên tình nguyện đã phơi mình dưới nắng nóng 40 độ C, lập "hàng rào sống" phân luồng giao thông. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại, nếu sinh viên tình nguyện ở ngoài trời dưới nhiệt độ cao quá lâu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi trước đó, nắng nóng đã cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Sinh viên tình nguyện lập "hàng rào sống" dưới cái nắng 40 độ C.
Ám ảnh những cái chết thương tâm
Sự việc thương tâm nhất vào ngày 31.5, khi đang làm đồng, người dân phát hiện bà Nguyễn Thị An (SN 1955) và ông Nguyễn Văn Liệu (SN 1964, Nghi Thạch, Nghi Lộc, Nghệ An) ngất xỉu trên đồng. Ngay lập tức, 2 người được đi cấp cứu nhưng đều không qua khỏi.
Theo gia đình hai nạn nhân, cả hai người này đều khỏe mạnh không có dấu hiệu bệnh tật. Tuy nhiên, do Nghệ An xảy ra nắng nóng gay gắt, làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt liên tục khiến họ bị kiệt sức, say nắng dẫn đến đột tử.
Cũng tại Nghệ An, ngày 25.5, anh H.V.Q (Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An) đang làm đồng cũng bị đột quỵ, tử vong vì nắng nóng. Được biết, gia đình đưa anh Q. đến Bệnh viện Nghệ An cấp cứu nhưng không cứu được.
Trong khi đó, tại Hà Nội – một trong những nơi hứng chịu đợt nắng nóng khủng khiếp nhất cũng có người tử vong.
Trưa 4.6, một phụ nữ khoảng 60 tuổi đang đi trên đường Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội kêu đau đầu rồi cảm nắng, nằm gục dưới đường. Thấy vậy, nhiều người đi đường chạy lại hô hấp cho nạn nhân nhưng bà cụ không qua khỏi.
Cũng tại Hà Nội, chiều ngày 29.5, người dân phát hiện 1 phụ nữ chết tại vườn hoa Đường Thành (Hà Nội) dưới trời nắng nóng.
Người dân ở khu vực này cho biết, hôm đó thời tiết trên 40 độ C, họ thấy một phụ nữ tựa lưng vào ghế đá dưới trời nắng, sau đó bị cảm và tử vong.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, ngày 30.5, tiếp nhận 2 trường hợp bị biến chứng tổn thương não do say nắng.
Bệnh nhân Lê Ngọc H (47 tuổi, Phú Yên) gặt lúa và phơi người dưới nhiệt độ trên 40 độ C. Ông H. đột ngột rối loạn tâm thần, nói nhảm, sau đó vài chục phút, ông bị hôn mê. Cùng ngày, bệnh nhân Tạ Thị Vân H (88 tuổi, Hai Bà Trưng – Hà Nội) đang đi chợ, đột ngột có biểu hiện mất ý thức vì say nắng, say nóng.
Bệnh nhân nhập viện, hôn mê vì say nắng
Có thể co giật, lú lẫn vì say nắng
Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, say nắng chỉ xảy ra với người hoạt động ngoài trời nắng. Say nắng có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể.
“Mặc dù say nắng chủ yếu ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi, nhưng nó cũng là hồi chuông cảnh báo đối với những người trẻ tuổi”, bác sĩ Chính cảnh báo.
Say nắng thường biểu hiện bằng các rối loạn nhẹ hơn liên quan tới nhiệt như: Chuột rút, ngất xỉu, kiệt sức vì nóng. Đặc biệt, say nắng là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, thường kết hợp với mất nước, gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt.
ThS.BS Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai lo ngại, hàng trăm sinh viên tình nguyện phơi mình dưới nắng nóng 40 độ C, lập "hàng rào sống" phân luồng giao thông có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cụ thể, phơi nắng ngoài trời có thể xuất hiện triệu chứng như: Buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, và đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê. Đặc biệt, đối với những người lao động hoặc đi ngoài trời nắng nóng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ, gáy gây nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, bác sĩ Quân khuyến cáo, khi bị say nắng, say nóng, bệnh nhân nên làm mát ngay tức thì. Người xung quanh phải đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi bóng râm, lên xe mát hay nhà lạnh, hỗ trợ đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng cách đặt đường truyền, thở ôxy, thông khí hỗ trợ nếu có chỉ định. Bệnh nhân phải chuyển ngay vào viện nếu nghi ngờ sốc, áp nước ấm sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi.
Ngoài ra, người dân cũng nên mặc áo chống nắng, đội mũ khi đi ra ngoài nắng. Nên tích cực uống nước mát (không uống quá nhiều nước đá), duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý. Người già và trẻ em không nên ở phòng điều hòa quá lạnh rồi chạy ra ngoài nắng đột ngột...
“Người dân nên định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 - 20 phút. Không làm việc lâu, quá sức trong môi trường nắng nóng”, bác sĩ Quân khuyến cáo.