Mới đây, trước thềm xét xử hung thủ Nguyễn Quang Hưng (SN 1994, thôn An Phú, xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) về tội giết người (nạn nhân là Hoàng Văn Thân (tức Quân, SN 1991, thôn Phú Châu) thì
dư luận lại một lần nữa lên tiếng xin miễn giảm tội cho hung thủ. Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi khi hung thủ giết người lại nhận được nhiều thương xót và tiếc nuối từ dư luận. Hưng vì bảo vệ bạn gái học cùng lớp và tự vệ khi bị dồn đánh đến chân tường, trong lúc xô xát đã vô tình đâm phải Thân, một thanh niên trong xã. Tương lai của một cậu học sinh nghèo đỗ hai trường ĐH (ĐH Nông Nghiệp và ĐH Tài Nguyên và Môi trường) bỗng chốc bị sụp đổ.
Chúng tôi đã tìm đến nhà bố mẹ của Hưng, để nghe nỗi lòng của người làm cha làm mẹ khi có con cái không may bước vào vòng lao lý khi tuổi đời còn quá trẻ. Tìm đến nhà Hưng ở thôn An Phú (thuộc xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) không khó, bởi khi nói đến câu chuyện của Hưng, người dân sống ở xung quanh đều biết, ai ai cũng xót xa cho tai họa trớ trêu ập đến với gia đình Hưng. Xưa nay An Phú vốn là một thôn lao động thuần nông, con cháu trong thôn đỗ đại học là niềm vui lớn, còn Hưng lại đỗ cả 2 trường Đại học. Tuy không phải là 2 trường ĐH lớn nhất nhưng đối với nhưng đối với thôn đó là chuyện vui mừng hiếm có và đáng trân trọng.
Căn nhà nhỏ mất 10 năm bố mẹ Hưng mới có thể dựng được
Đến nhà, chúng tôi gặp bố mẹ Hưng là chú Nguyễn Quang Đạo và cô Nguyễn Thị Nhâm, đã 3 tháng trôi qua nhưng trong gia đình không khí vẫn nặng nề. Đã 3 tháng qua, cả hai chưa được gặp mặt, nói chuyện với con kể từ ngày xảy ra chuyện. Chỉ trong ngày chuyển trại giam, cô chú mới được gặp nhưng chỉ được đứng xa nhìn con, "con bị còng tay, người cúi khọm, rưng rưng nhìn cha mẹ từ xa mà cô chú xót xa, mắt ầng ậc nước. Khi con ở trại mới, dù không được gặp con, nhưng cô chú vẫn đến ở đứng ở ngoài trại, được gần con thế là trong lòng đỡ đau xót đi nhiều".
Sức khỏe vốn giảm sút sau vụ tai nạn hồi tháng 4/2012, vì chuyện của con mà chú Đạo, bố Hưng suy sụp nhiều
Cô Nhâm, mẹ Hưng kể nhiều về Hưng cho chúng tôi. Nói về con, cô vừa tự hào vừa thương yêu mà xót xa
Gặp chúng tôi, cô chú nói chuyện này chưa xong lại nói sang câu chuyện khác, tất cả đều về Hưng, cả hai dường như muốn chúng tôi có thể hiểu hết được về con trai mình, hiểu hết được nỗi lòng xót xa của họ về cậu con trai chăm chỉ, ngoan ngoãn, thương cha mẹ.
Sau một lần bị tai nạn nặng, sức khỏe của chú Đạo giảm sút nghiêm trọng, lao động chính trong gia đình Hưng là đặt nặng lên đôi vai của cô Nhâm, mẹ của Hưng. Thời gian ấy, ngoài phải lo cho chị gái Hưng đang học đại học, thì ở nhà Hưng cũng đang ở năm cuối cấp, ôn thi Đại học, chồng không làm được việc nặng, cô Nhâm một mình quần quật làm để nuôi cả gia đình. Khi thi ĐH xong, Hưng ngay lập tức đi làm thêm giúp đỡ gia đình. Hưng lên Hà Nội làm phụ hồ, khi về nhà thì làm ruộng, chăm sóc vườn tược . Đến khi gần nhập học, Hưng kiếm được 1 triệu 9. Tất cả số tiền ấy, Hưng về đưa cho mẹ.
“Hưng đi phụ hồ trên Hà Nội một tháng kiếm được 1 triệu 9 về cho cô. Nhìn tay con chai sạn, miệng cười tươi đưa tiền về cho mẹ mà cô cảm thấy gánhnặng bấy lâu nay tan biến hết. Cô bảo cô không nhận nhưng nó bảo con chẳng giúp được nhiều cho mẹ, chỉ kiếm được ngần này đỡ đần mẹ, mẹ còn phải nuôi con 4 năm đại học cơ mà. Thế nhưng giờ nó không được đi học ĐH, hôm mua được 3 bộ quần áo mới mua để đi học ĐH nó phấn khởi lắm, nhưng chưa kịp mặc thì đã..." - Cô Nhâm nghẹn ngào.
"Khi nó bị bắt vào trại giam không lâu, chủ thợ nơi mà nó làm phụ hồ về nhà gửi tiền lương còn lại cho cô chú mà cô chú nghẹn ngào nước mắt. Chủ thợ cũng khen nó lắm, khen nó chịu thương chịu khó và mong nó thoát được án tù, bởi thằng bé còn non nớt lắm, sợ nó vào tù nó không chịu đựng nổi.
Lúc xảy ra chuyện, bạn bè chạy đi hết, nếu nó cũng chạy đi thì không biết cái Trang sẽ có mệnh hệ gì. Vốn đi lính về, chú luôn dạy con về những câu chuyện về tình đồng đội nơi chiến trường một thời chú từng cam qua. Nay con cũng vì bạn bè mà mắc vào vòng lao lý, chú không hề ân hận. Chỉ thương con, nó muốn đi học đại học lắm, muốn bố mẹ có thể yên tâm về nó nhưng sự việc này xảy ra, tương lai của nó trở nên mù mịt". - Chú Đạo nói
Ảnh Hưng chụp khi ở nhà
“Hưng ngày thường nó ăn nhiều lắm, có hôm cơm ngon nó ăn được 5 bát, 7 bát, ngồi trong phòng giam đã hơn 3 tháng nay chưa một lần được gặp con không biết con ăn uống như thế nào. Ngày nào ngồi ăn cơm rau cô chú còn thấy đỡ, còn bữa nào có cá, có thịt là lại thương con ở trại …"- Chú Đạo nói tiếp.
Suy sụp hơn 2 tuần, đến ngày con nhập học, chú Đạo chấm nước mắt bắt xe lên thành phố, đến trường ĐH Tài nguyên môi trường xin làm thủ tục bảo lưu cho Hưng. Nhưng nhà trường không đồng ý lý do bảo lưu của Hưng, chú xót xao bắt xe về. Ngồi trên xe dọc đường về chú khóc thương con ôn thi vất vả, bao cố gắng, quyết tâm và cả niềm tự hào của con bây giờ bị sụp đổ hết.
Chú Đạo dẫn chúng tôi vào xem đồ điện của Hưng, cậu tự mua và tập tành làm ra những món đồ nhỏ bằng các công thức vật lý, vừa nói chú vừa thương con
"Chú hy vọng vào nó nhiều lắm, hy vọng sau này nó có thể học hành nên người. Được đi làm nhà nước, không phải làm ruộng, phụ hồ vất vả như bố mẹ, thay chú làm điều mà trước đây chú không thể làm được. Thế nhưng cuộc sống sao éo le quá, bao nhiêu cố gắng của nó tan biến trong một ngày. Tương lai của nó rồi sẽ ra sao khi bản án ấy sẽ đi hết cuộc đời, lý lịch có một vết đen oan uổng. Rồi lý lịch gia đình, lý lịch 3 đời sau của nó nữa cũng bị ảnh hưởng. Phận làm cha, chú đau xót lắm." - Chú Đạo nói
Chúng tôi cũng tìm đến gặp Trang, cô bạn được Hưng cứu khi bị 12 thanh niên trong làng bao vây, chọc ghẹo, dọa “ném xuống hồ”.
Dù mọi chuyện xã xảy ra đã 3 tháng, nhưng Trang vẫn nguyên cảm giác sợ hãi. Sợ hãi vì bị đuổi đánh, sợ hãi vì một mình Hưng vì bảo vệ mình mà bị 12 thanh niên lớn hơn đuổi đánh đến rách áo. Và đến khi Hưng vì tự vệ mà đâm chết người đã khiến Trang không khỏi ám ảnh.
Em Nguyễn Kiều Trang
Trang khóc và nói: “Hưng vì cứu em mà không được đi học ĐH, khi đi học Hưng chăm chỉ, cố gắng học để có thể đỗ đại học mà giờ phải ở trong trại giam. Thực sự em đau lòng và tự trách bản thân. Giá mọi chuyện có thể quay ngược lại, thì em mong lúc Hưng bảo em trèo qua tường để trốn đi thì em liền lập tức trèo ngay, không dây dưa để Hưng phải xô xát với những người kia thì mọi chuyện có lẽ đã khác.
Em mong luật pháp hãy khoan hồng cho Hưng, hãy giảm nhẹ tình tiết phạm tội. Bởi Hưng là một người bạn rất tốt, rất khiêm tốn và chăm chỉ."
Cứ cuối tuần, nhóm bạn học của Hưng đi học đại học ở trung tâm thành phố lại về nhà thăm, động viên bố mẹ Hưng vượt qua thời điểm khó khăn này. Tiếp chuyện chúng tôi có em Vũ Duy Hà (hiện là sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội) là bạn thân từ nhỏ với Hưng, cho biết: “Em và Hưng gần nhà nhau, chơi và học với nhau từ nhỏ. Hưng vốn tính hiền lành và chịu khó nữa. Từ lúc Hưng bị tạm giam, em buồn và thương bạn lắm. Cuối tuần nào em cũng về sang động viên gia đình bố mẹ Hưng và giúp đỡ cô chú công việc đồng áng.”
Gia đình buồn đau khi con trai đang đối mặt với một bản án. Thì những người dân địa phương đang cố gắng hết mình tìm mọi cách để xin giảm nhẹ tội cho Hưng. Vốn được người dân trong vùng yêu mến, nên khi sự việc xảy ra, ai ai cũng thương cảm và mong muốn cho cậu học trò nghèo được giảm án.
Người dân cũng đã lên tiếng về việc Hưng đã sớm đầu thú và khai nhận hành vi của mình. Nhiều người còn bất bình trước việc nhóm thanh niên lêu lổng, cậy đông hiếp ít, hơn chục người mà đuổi đánh một đôi trai gái tới đường cùng. Họ cho rằng hành động của Hưng là phòng vệ chính đáng khi bị dồn ép vào đường cùng.
"Cứ tối đến là chúng tôi buộc phải cho con ở nhà, bởi ngoài đường, nhiều thanh niên lêu lổng tóc xanh tóc đỏ rú ga xe máy chạy ầm ầm khắp xóm. Mấy năm gần đây, một bộ phận thanh niên lông bông, lười lao động xuất hiện nhiều. Cô bé Trang bị đám thanh niên này trêu nên cháu Hưng vào cứu, cháu Hưng không cứu không biết chuyện gì sẽ xảy ra với Trang. Thanh niên mà Hưng đâm nhầm cũng có tên trong sổ đen của xã, vốn cũng lông bông. Sau vụ của Hưng, đám thanh niên kia vẫn nhởn nhơ, có đứa vừa cưới vợ nữa. Nhưng dù thế, gần đây, xóm làng đã trật tự hơn nhiều". - bác Cừ, một cựu chiến binh trong thôn An Phú tâm sự với chúng tôi
Bố mẹ Hưng tất tưởi sắp xếp giấy tờ, đơn xin giảm án của bà con trong xã, bằng khen học tập của Hưng để chuẩn bị cho buổi xét xử sắp tới
Nhiều vị cán bộ cùng nhân dân của địa phương đã tích cực viết đơn xin được giảm nhẹ tội cho Hưng. Tiêu biểu đó là: Đơn của Ban Mặt trận Tổ quốc thôn; Đơn của Cụm dân cư số 5 An Phú; đơn của Hội Cựu chiến binh... Họ tìm hiểu rõ nhân thân, tư cách của cháu Hưng trước khi viết đơn xin giảm án gửi cơ quan chức năng để đảm bảo tính xác thực và khách quan.
Riêng gia đình anh Đạo đã đến nhiều nơi, nộp đơn xin giảm án cho cháu Hưng với hi vọng Hưng sẽ sớm trở về để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Với nỗi lòng người cha người mẹ, mỗi chúng ta đều hiểu được những lo lắng của vợ chồng anh Đạo lúc này. Vợ chồng anh mong rằng, Hưng sẽ được xem xét những tình tiết giảm nhẹ mà sớm trở về với gia đình.
Cầm bộ quần áo mới Hưng mới sắm để chuẩn bị nhập học, chị Nhâm khóc nghẹn: “Mong cơ quan chức năng xem xét những tình tiết giảm nhẹ tội cho cháu, nghĩ đến cảnh cháu phải tù tội mà cô không đêm nào yên giấc. Nhiều lúc cảm thấy như không còn một chút sức lực nào nữa, nhưng phải mạnh mẽ lên vì con, nó đang khổ sở trong trại giam kia, cô ở nhà phải cố gắng để chờ ngày con về”.
Chú Hưng cũng rưng rưng khóe mắt nói:"Nếu Hưng được đi học, chú tin nó sẽ học tập tốt, trở thành công dân có ích. Ai làm cha mẹ cũng mong con cái mình thành danh, có nghề nghiệp đường hoàng. Nhưng vì chuyện này, chú sợ sau này Hưng sẽ khó có được một con đường đi bằng phẳng. Vì vậy từ đáy lòng một người làm cha, chú xin Hưng sẽ được giảm nhẹ tội nhất. Để nó sẽ luôn cố gắng trong cuộc sống như trước đây nó đã từng."
Hiện tại Hưng vẫn đang trong trại tạm giam. Với tội danh giết người Hưng sẽ phải đối mặt với một bản án theo luật pháp quy định. Nhưng với những gì gia đình Hưng và người dân địa phương đang làm, hi vọng Hưng sẽ được xem xét các tình tiết giảm nhẹ tội và sớm trở về với gia đình.
Vụ việc xảy ra vào ngày 31/8, khi lớp Hưng tổ chức liên hoan lớp lần cuối trước khi những ai đỗ ĐH lên thành phố nhập học. Hưng và Trang gần nhà, là bạn học cùng lớp. Hưng xin phép bố mẹ ra khỏi nhà từ sớm. Trước khi đi còn xin mẹ 10 nghìn nói là để mua kẹo liên hoan. Thấy con xin từng đó, chị Nhâm bảo: “Mười nghìn thì mua được gì hả con?”. Chị muốn cho thêm nhưng Hưng nhất mực từ chối. Hưng khoe với mẹ là có Trang mang bưởi từ nhà đi rồi nên không cần mua gì nhiều nữa đâu. Trong lúc đang vui vẻ gọt bưởi và ăn kẹo cùng hai bạn thì bỗng đâu có một đám thanh niên khoảng mười người tiến đến. Một người trong số đó bấm đèn từ điện thoại dọi thẳng vào mặt Trang. “Nó gí vào mặt cháu rồi bảo để xem xinh hay xấu. Cháu trả lời là “xấu, không được soi, mất lịch sự”. Gã đó còn bảo: “Cứ soi, mày có thích tao quẳng mày xuống sông không?”. Một thằng trong bọn đó còn sờ vào ngực cháu” – Trang kể Khi thấy đám thanh niên ngày càng lấn tới, Trang còn bảo Hưng và một bạn nữa là về đi, cứ để Trang ở đó, vì nghĩ mình là con gái nên chắc bọn nó không đánh đâu. Dù Trang nói vậy nhưng Hưng nhất định không nghe. Hưng bảo Trang leo lên xe để Hưng chở về. Khi Hưng vội vàng chở Trang về thì bị đám thanh niên chặn lại đánh. Trang và Hưng chạy vào một ngõ cụt. Đến trước cổng nhà một người dân tên là Lĩnh thì hết đường. Cả hai định trèo tường vào đó để thoát thân nhưng không kịp. Đám thanh niên vẫn tiếp tục bám theo và đuổi đánh Hưng. Trước sự bao vây của một lực lượng hùng hậu, Hưng hoảng sợ nên đã lấy con dao gọt hoa quả mà khi nãy Trang mang theo để gọt bưởi khua khoắng với mục đích không để ai dám tiến lại gần mình. Trong lúc xô xát, Hoàng Văn Thân (tức Quân, SN 1991, ở cụm 3, xã Xuân Phú) đã lao vào và bị con dao Hưng cầm trên tay đâm một nhát trúng tim làm Quân chết trên đường đi cấp cứu. |