Tuổi thơ bất hạnh
Suốt 4 năm qua, hình ảnh quen thuộc của ông Nguyễn Văn Khôi (74 tuổi) hằng ngày chở cháu ngoại Nguyễn Lê Hoàng Trung (23 tuổi) bị tật nguyền đến giảng đường đại học khiến nhiều người không khỏi xúc động. Hiện tại, 2 ông cháu thuê phòng tại khu nhà trọ 284/25/21 Lý Thường Kiệt (P.14, Q.10, TP.HCM).
“Tội nghiệp hai ông cháu, tội nghiệp cho cháu Trung, còn trẻ mà không may bị như vậy, hy vọng đường tương lai sẽ rộng mở hơn với cháu, nhìn hai ông cháu mà thương quá” - ông chủ khu trọ nơi hai ông cháu sinh sống chia sẻ.
Quạt bị hỏng nên Trung đang sửa lại. Trung chia sẻ: "Tàn nhưng không phế, mình mất đôi chân nhưng còn đôi tay và khối óc để làm được những việc khác".Vào cái đêm định mệnh cách đây 20 năm, tại ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú (H.Đồng Phú, Bình Phước) người cha mất nhân tính đã nhẫn tâm dùng dao chém vào người Trung, khiến cậu bị đứt tủy sống. Kể từ giây phút đó, Trung thành người tàn phế dù lúc đó cậu chỉ mới lên 3 tuổi. Chưa kể, đang lúc không tỉnh táo, sẵn con dao trên tay, người cha lạnh lùng chém liên tiếp vào người mẹ của Trung, khiến cậu vĩnh viễn mất mẹ. Mồ côi mẹ, cha bị tù chung thân, từ nhỏ, Trung đã phải sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm của cả cha lẫn mẹ.
Mong muốn lớn nhất của Trung lúc này là có được một công việc phù hợp với ngành học và bản thân, để phụ giúp cho ông bà ngoại.
“Hoàn cảnh lúc đó làm tôi và bà nhà cứ rơi nước mắt mỗi khi nhìn đứa cháu ngoại chỉ mới 3 tuổi khóc đến kiệt sức vì vết thương quá nặng, nó lại còn quá bé để hiểu chuyện…” - ông Khôi nghẹn lời khi nhắc đến đứa cháu đáng thương.
Theo lời ông Khôi, mẹ Trung là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em. Trong 2 người con gái của ông, 1 người đã ra đi mãi mãi để lại đứa con thơ với nỗi bất hạnh chưa từng có.
Ông Khôi nghẹn ngào khi nhắc về quá khứ bất hạnh của đứa cháu ngoại.
Khi người cha vô nhân tính đã làm tan vỡ một gia đình hạnh phúc, gây ra hậu quả tang thương, để lại Trung một mình bơ vơ, gia đình bên nội cũng đành lòng bỏ mặc cậu bé. Ứa nước mắt trước tình cảnh đứa cháu ngoại bé bỏng, ông Khôi đem cháu về chăm sóc. Thời gian về sau, mọi việc từ tắm rửa, vệ sinh, bồng bề, ăn uống… hằng ngày đều nhờ vào ông bà ngoại. Bà ngoại trước kia làm công nhân nhưng từ khi nghỉ việc, sức khỏe của bà không tốt, lại lo thêm việc trồng điều nên chủ yếu, bà chỉ lo việc bếp núc, nấu nướng, mọi việc như tắm rửa, thay tã, bế cõng Trung... đều nhờ vào ông ngoại.
Đến lớp trên đôi chân của ông ngoại
"Nửa thân dưới của mình giờ không còn cảm giác nữa. Lúc đó, mình không biết được khi nào tiểu tiện, đại tiện. Ông phải đóng tã giấy cho mình, còn việc đại tiện thì cứ hai ngày một lần, ngoại lại dùng nước xịt rửa để kích thích, nhưng bây giờ thì đỡ hơn rồi vì mình đã tự nhận biết được" - Trung kể lại.
Hiện Trung đã tự nấu được những món ăn đơn giản.Đến tuổi đi học, Trung lại tới trường trên đôi chân của ông. Bất kể mưa nắng, từ năm này qua năm khác, ông đều đặn đưa cháu đến trường. "Hồi còn bé thì ông cõng cháu trên lưng, bế vào lớp rồi hết giờ lại đến đón về nhưng lúc đó mình còn vô tư, chưa biết suy nghĩ nhiều. Lớn lên một chút, lúc đó đi học cấp 3, dưới cái nắng chang chang, chợt nhìn đôi vai gầy và mồ hôi chảy nhễ nhại trên cổ lúc ông cõng mình, tự nhiên cổ họng mình nghẹn lại, đôi mắt rưng rưng bọng nước lúc nào không biết, mình đã khóc và tin rằng ông ngoại là bờ vai lớn nhất của mình, đến bây giờ cũng thế” - Trung nghẹn ngào.
Mặc dù cuộc sống sinh hoạt có khó khăn nhưng Trung vẫn luôn vui vẻ, lạc quan. Không phụ công của ông, Trung đã thi đỗ đại học, ngành công nghệ thông tin. Ròng rã 4 năm đại học, ông ngoại lại chở cậu đến trường bằng chiếc xe máy cũ kỹ, có lúc ông mệt quá, không đủ sức cõng Trung vào lớp thì bạn bè cùng lớp lại giúp ông cõng Trung vào giảng đường. Thời điểm học đại học có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất với hai ông cháu bởi ngoài những vất vả, nhọc nhằn đưa đón cháu mỗi ngày, nỗi lo cơm áo, gạo tiền luôn thường trực trong tâm trí hai người.
Ông Khôi mặc dù đã ngoài 70 nhưng vẫn là người thay tã cho Trung suốt một thời gian dài.Có lúc, Trung định bỏ học dở chừng vì không có tiền, hơn nữa, ông ngoại cũng đã lớn tuổi, sức khỏe ngày một yếu đi, không còn đủ sức để lo cho cậu. Nhưng rồi chính nhờ những lời động viên của ông, Trung đã có được niềm tin lớn lao, có thêm sức mạnh để vượt qua chính mình, tự lập trong cuộc sống, đồng thời có dì và cậu giúp thêm về vật chất, Trung đã đứng vững và tự lập cho đến bây giờ.
Hiện Trung đang là thực tập sinh tại một công ty lập trình ở Tân Bình. Nhắc đến công việc, giọng Trung buồn buồn: “Công việc vẫn bình thường, đây chỉ là thực tập, người ta cũng không nói gì nhiều, không biết sau này tương lai mình sẽ ra sao, mình không đi được thì ai mà nhận mình vào làm chứ, mặc dù mình có thể tự lo cho bản thân”.
Đôi chân đã không được như người bình thường nhưng còn đôi tay, Trung vẫn thường xuyên tự lau nhà và làm một số việc vặt giúp ông ngoại.Với đồng lương hưu ít ỏi, được cậu, dì phụ giúp thêm nhưng ông Khôi dự định sắp tới sẽ đi bán vé số để phụ giúp Trung trong những ngày đầu đi tìm việc. "Tôi chỉ mong có được sức khỏe để luôn ở bên cạnh, chăm sóc, giúp đỡ nó dần ổn định cuộc sống" - ông Khôi chia sẻ thêm.