Cụ bà 95 tuổi bị bê ra đường đã lịm đi lúc 2h sáng

Đại Lộ, Theo 12:05 13/02/2015
Chia sẻ

Dù lịm đi trong giá rét và được các con đưa vào nhà hàng xóm nằm nghỉ nhưng khi vừa tỉnh dậy, cụ Cúc lại đòi ra nằm trước cửa ngôi nhà mình đã ở hơn 60 năm.

Nỗi đau người con trai

Cầm chặt trong tay chiếc bánh quy, cụ Nguyễn Thị Cúc (95 tuổi, 21 Ấu Triệu, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn giữ cho mình cái mím môi rất chặt cùng ánh mắt vô hồn như bao ngày qua khi có ai hỏi chuyện.

Cụ không ăn cũng không buông chiếc bánh ra.

Bà Hoàng Thị Liên (con gái cụ - PV) phải nịnh rất lâu cụ mới chịu ăn chút bánh và vài ba thìa cháo.

Hơn 2 ngày nay, cụ Cúc nằm trước cửa ngôi nhà đã gắn bó với mình hơn 60 năm qua trong cảnh xung quanh được che chắn bởi nilon, đồ đạc chất ngổn ngang.

Ngôi nhà đó đã được cụ sang tên cho con trai là ông Hoàng Văn Hoan (59 tuổi).

Cụ Nguyễn Thị Cúc cầm chặt chiếc bánh trên tay.

Mặc cho sự động viên của mọi người, cụ vẫn không chịu rời nơi đó để tạm trú trong một căn nhà ấm cúng hơn, đảm bảo sức khỏe tuổi già.

Không ít lần chứng kiến cảnh mẹ khóc đòi trở lại ngôi nhà của mình, ông Hoàng Văn Hoan xót xa:

“Là một thằng đàn ông, là trụ cột trong gia đình nhưng tôi không lo cho mẹ được bữa cơm ngon, giấc ngủ ấm khi tuổi về già, tôi thấy nhục nhã lắm!

Nhục bao nhiêu tôi lại đau lòng bấy nhiêu khi chứng kiến mẹ phải sống cảnh màn trời chiếu đất. Trong khi mẹ bị bệnh tim, chân phù nề không đi lại được”.

Theo thông tin từ ông Hoan, khoảng 2h sáng 12/2, cụ Cúc vì mệt quá đã lịm đi. Lúc này, ông Hoan cùng các anh chị em trong gia đình vội vã bế cụ vào trong nhà hàng xóm ngay bên cạnh nằm nghỉ.

Bát cháo trong đêm đông con cháu mua về nhưng cụ Cúc không ăn.

Bát cháo trong đêm đông con cháu mua về nhưng cụ Cúc không ăn.

Nhưng vừa đặt lưng xuống, cụ đã tỉnh rồi lại khóc thét lên đòi về nhà. Ông Hoan phải vỗ về rồi đưa cụ trở lại nơi mà hơn 2 ngày qua cụ nằm.

“Nhiều lúc, bàn tay mẹ tôi còn bám chặt vào thanh sắt ở cửa nhà tỏ ý sẽ không rời nơi đây. Mẹ cũng tuổi cao nên chúng tôi rất sợ nếu mạnh tay hoặc không làm theo ý sẽ có những điều xấu nhất xảy tới.

Lẽ ra ở tuổi này, mẹ tôi phải được an nhàn hưởng tuổi già nhưng ngờ đâu…

Giờ tôi chỉ mong mẹ tôi được vào nhà trong mấy ngày Tết. Sau đó, tôi sẽ chấp nhận ra đi…”.

Nói tới đây, giọng ông Hoan chùng xuống, nước mắt chảy mau hơn trên gương mặt hốc hác vì nhiều đêm mất ngủ, vì những trăn trở, lo toan, vì những hối hận, suy tư…

Không oán trách người đưa mẹ ra đường

Nói là ra đi và chấp nhận tất cả mọi sự trừng phạt cho sự thiếu cương quyết của mình khi em gái là bà Hoàng Thị Trung Thu ngỏ ý mượn sổ đỏ thế chấp vay tiền làm ăn dẫn tới cơ sự ngày hôm nay, nhưng ông Hoan không biết mình sẽ đi đâu.

Bởi sau sự ra đi đó là cả một gánh nặng gia đình đang cần bờ vai ông.

Hai con trai đang tuổi ăn học, vợ cũng chỉ buôn bán nhỏ đủ đồng ra đồng vào cùng đồng lương 3 triệu đồng/tháng của ông để lo cho gia đình.

Ông trách bà Thu nhiều. Trách bởi sự thiếu hiểu biết của bà, sự không kín kẽ khi làm thủ tục giấy tờ vay nợ đã đẩy cả gia đình ông sống cảnh màn trời chiếu đất, đẩy người mẹ già co ro nằm trong giá lạnh nơi vỉa hè.

Trách đấy nhưng ông lại thương bà Thu nhiều.

“Vì thương nhiều nên mới xảy ra sự việc đau lòng như hôm nay” – ông Hoan xót xa.

Nói chuyện với chúng tôi về những "sóng gió" đang ập tới gia đình mình, đôi mắt ông Hoan lúc nào cũng đỏ hoe.

Nhiều lúc nghe tiếng thở dốc của mẹ, ông Hoan lại hoảng hốt với suy nghĩ, mẹ sẽ ra đi vĩnh viễn.

Nhưng thấy tiếng mẹ hét lên, ông lại bình tâm hơn và thở phào nhẹ nhõm. Đã nhiều đêm nay ông sống trong suy nghĩ như thế.

Gần 60 tuổi, ông đã chứng kiến không ít cảnh người già khuất núi rồi đồng đội của ông hi sinh. Đã quá chai sạn nhưng ông vẫn sợ cảnh ấy xảy tới với mẹ mình trong lúc này.

Hai con trai của ông Hoan cũng được đưa sang sống nhờ nhà ngoại để chúng chuyên tâm hơn việc học hành. Vợ chồng ông và em trai là Hoàng Văn Chung tá túc nhờ ở quanh ngôi nhà 21 Ấu Triệu để tiện chăm sóc mẹ.

“Chúng nó đứa học lớp 10, đứa học lớp 8, tâm hồn còn như tờ giấy trắng. Tôi không muốn vì những tranh chấp của người lớn mà khiến chúng phải suy nghĩ và ảnh hưởng tới tương lai.

Mỗi khi tan học chúng lại đạp xe qua đây. Những câu hỏi như “bố cho bà ăn cơm chưa?” hay “bà có khỏe không?” như xát thêm muối vào lòng người làm con, làm bố như tôi” – ông Hoan tâm sự.

Tại thời điểm cụ Nguyễn Thị Cúc bị các đối tượng đòi nợ bế ra đường, ông Hoan không có mặt tại nhà.

“Tất cả sự việc tôi đều nghe mọi người kể lại. Nhưng trước khi xảy ra sự việc, tôi đã cảm nhận ở mẹ tôi một ánh mắt rất khác.

Mấy hôm nay, mẹ luôn nhìn tôi bằng ánh mắt khác như thế. Tôi không biết mẹ đang trách hay đang thương tôi. Nhưng có một điều, tôi rất hối hận.

Hối hận nhưng tôi không dám oán trách những người đã đang tâm đẩy mẹ tôi ra đường vì em gái tôi không gây ra thì làm gì có chuyện.

Nếu ngay lúc đó em tôi có tiền trả thì sẽ không xảy ra sự việc như hôm nay. Đến khi có tiền lại có sự cố khác xảy ra.

Có chăng là tôi tiếc vì người ta làm quá tay. Giờ chỉ mong họ có chút tình người để mẹ tôi được vào nhà trong dịp Tết này” – ông Hoan mím chặt môi rồi gạt vội giọt nước mắt đang chực trào.

Nhà ở cách phố Ấu Triệu không xa, bà Hoàng Thị Liên cũng luôn mong mẹ đồng ý tới ở tạm nhà mình trong những ngày “sóng gió” này.

“Nhà tôi chỉ rộng 9m2, nhưng tôi vẫn có thể lo cho mẹ được chỗ ngủ ngon giấc và những bữa cơm đầm ấm” – bà Liên chia sẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày