Cơn dông ở Hà Nội mạnh nhất trong 30 năm qua

Tiền Phong, Theo 08:48 15/06/2015
Chia sẻ

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, trận mưa dông chiều 13/6 bất thường, cực kỳ hiếm gặp, có thể liên quan đến nắng nóng gay gắt.


Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Ông Hải cho biết: Xuất phát của trận mưa dông chiều 13/6 từ Hòa Bình, chỉ là một cơn mưa dông mùa hè bình thường, khi đi qua các huyện như Ba Vì, Thạch Thất, Thanh Oai, Hoài Đức về đến các quận nội thành thì cường độ mạnh lên đột ngột. Tại Hà Đông đo được ở cấp 9, khu vực Láng ở cuối cấp 8, tương đương với cấp gió bão, một số nơi có thể đạt cấp 10 (89-102 km/h). Đây là cơn dông cực kỳ mạnh và rất nguy hiểm. Suốt 30 năm ở Hà Nội tôi chưa từng chứng kiến một cơn dông nào mạnh đến thế.

Vậy nguyên nhân nào làm xuất hiện mưa dông bất thường, liệu có liên quan đến hiện tượng El Nino đang diễn ra?

Dông là hiện tượng khí quyển phức tạp, nguy hiểm, quy mô nhỏ, được hình thành khi có đối lưu mạnh. Ở những vùng có dông, các yếu tố khí tượng thường thay đổi đột ngột như sự giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm không khí, đột biến của khí áp, hướng và tốc độ gió.  Địa hình cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát sinh và phát triển mây dông. Dông xảy ra nhiều vào chiều và tối.

Về mối liên hệ giữa mưa dông với El Nino thì hiện chưa có những đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, El Nino làm gia tăng nắng nóng ở Hà Nội cũng như cả nước. Mà nắng nóng càng gay gắt thì càng tạo mây đối lưu phát triển mạnh, từ đó gây mưa dông mạnh.

Có ý kiến cho rằng việc dự báo kém nên người dân không thể chủ động đề phòng?

Tất cả cơn dông đều đến rất nhanh, từ 1-3 tiếng. Cơn dông chiều qua hình thành lúc 16h, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra cảnh báo lúc 16h20 và đến 17h xuất hiện ở Hà Nội.

Đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, dông lốc, sét, Việt Nam cũng như thế giới chỉ có thể cảnh báo mà khó có thể đưa ra dự báo cụ thể, chi tiết. Thời gian cảnh báo trước thời điểm dông lốc, mưa đá xảy ra chỉ khoảng 30 phút đến 3 tiếng. Bên cạnh đó, cũng khó để dự báo về cường độ của dông lốc vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố môi trường tại nơi xảy ra như mật độ nhà cao tầng, tỷ lệ bê tông hóa…

Trận mưa dông chiều qua, ở khu vực nội thành bị ảnh hưởng nặng nề trong khi các huyện ngoại thành ít bị ảnh hưởng hơn. Điều này do hiệu ứng đô thị. Khu vực thành phố mật độ nhà cao tầng dày, bê tông hóa lớn nên hấp thu nhiệt tạo dòng đối lưu mạnh hơn. Trong khi đó, khu vực nông thôn, ít dân cư, mật độ nhà cao tầng ít thì sự hấp thu nhiệt thấp hơn. Bằng chứng về mùa hè, khu vực thành thị thường có nền nhiệt độ cao hơn từ 2-3 độ so với khu vực nông thôn.

Vậy nguy cơ một trận mưa dông tương tự có thể xảy ra hay không, thưa ông?

Khả năng lặp lại một trận dông lớn như vậy tại Hà Nội trong những ngày tới là rất khó. Trận dông chiều 13/6 có thể xem là bất thường, nhiều năm nay mới ghi nhận được trên địa bàn Hà Nội, vì vậy rất khó để lặp lại với tần suất ngắn như vậy.

Xin cảm ơn ông!

Ít người biết thông tin cảnh báo trận dông lịch sử

Trước phản hồi của nhiều độc giả cho rằng người dân khó có thể tiếp cận thông tin cảnh báo mưa dông do thông tin chỉ được phát trên website của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ông Lê Thanh Hải cho biết, khi có thông tin cảnh báo đơn vị này đã liên hệ với kênh VOV giao thông để thông tin đến thính giả đồng thời liên hệ với Đài Truyền hình Việt Nam để chạy chữ ở dưới bản tin của Đài.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều độc giả, thời điểm xảy ra mưa dông thường là cuối chiều nên người dân rất ít xem tivi. Việc nghe đài cũng chỉ giới hạn ở một số ít người. Vì vậy Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn nên chủ động cung cấp thông tin đến báo mạng điện tử, đài phát thanh phường, quận để người dân dễ nắm bắt thông tin.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày