Có những người Nhật yêu Việt Nam hết lòng

Ngọc Thúy, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 18/12/2015

Có rất nhiều những người Nhật, dù ở trên đất Nhật hay Việt Nam, đang cố gắng bằng tất cả sức lực của họ xây dựng cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước, mang đến cơ hội học hành tốt nhất cho người trẻ Việt Nam.

Những lòng tốt trên đường phố

Chuyện đi trên đường được người Nhật cho tiền trên đường đã không còn là chuyện hiếm. Một bạn trẻ người Việt ở Tokyo tên Thanh Thủy đã kể lại một câu chuyện như sau: “Các bạn ạ hôm nay mình đi trên đường, gặp một ông cụ già khoảng cũng ngoài 60 tuổi rồi, tình cờ thì thấy ông ý bắt chuyện. Ông ý hỏi mình đi đâu về thế, mình bảo cháu đi làm về. Rồi câu chuyện tiếp tục đến việc mình là người nước nào mình đến đây làm gì. Mình cũng nghĩ có sao thì nói vậy thôi”.

“Mình bảo cháu là học sinh trường tiếng, sang để học tiếng. Nhưng mà trước khi đi thì nhà cũng phải vay tiền nhiều nên giờ phải cố gắng đi làm trả nợ cho gia đình. Mình bảo mình đến từ Việt Nam. Ông ấy nói ông ấy chưa đến Việt Nam lần nào nhưng ông ý thích Việt Nam lắm vì Việt Nam cũng trải qua chiến tranh như Nhật rồi được như ngày hôm nay. Ông ấy bảo người Việt Nam thật anh hùng. Khi tàu đến ga, mình phải xuống nhưng ông ý đuổi theo cho mình 20 nghìn yên (tương đương 20 tiếng làm việc) mà dù mình từ chối đến thế nào đi nữa ông ý vẫn cho mình. Ông ý bảo cố gắng làm cho tốt dù cuộc sống có khó khăn thế nào đi nữa”.

Và rồi bạn sinh viên đó về nhà cứ thẫn thờ cả tối, không hẳn vì đồng tiền được cho mà bởi vì nghĩ đi nghĩ lại sao mà người Nhật tốt thế, người dưng nước lã thôi mà cũng rất gần gũi và yêu thương. Bạn ấy cứ cầm mãi 2 tờ tiền được ông già người Nhật cho, mãi rất lâu sau này mới dám tiêu đến.

Những câu chuyện như trên chẳng phải là gì hiếm trong cộng đồng Việt Nam ở Nhật, rất nhiều bạn được người Nhật nếu không cho tiền thì cũng sẽ là những món quà nhỏ xinh với lý do họ thích Việt Nam.

Lòng tốt trong đồn cảnh sát

Bác Takahashi Isamu năm nay đã ngoài 60 tuổi. Trước đây bác từng làm đồn trưởng cảnh sát địa phương tỉnh suốt vài chục năm cho đến lúc về hưu. Trong quá trình làm cảnh sát, bác đã rất nhiều lần làm việc với người Việt Nam, và theo bác, rất đáng tiếc đó toàn là những trường hợp ăn cắp ăn trộm.

Chỉ có 2 lần bác được làm với những người Việt Nam mà thực ra đó là 2 người được thuê để dịch trong quá trình thẩm vấn các tội phạm người Việt. Nhưng đó lại chính là 2 anh chị mà bác rất yêu quý và làm việc nhiều năm. Từ đó bác có một tình yêu và một niềm tin đặc biệt vào người Việt dù bác phải làm việc với nhiều tội phạm Việt Nam.

Năm nào khi sinh viên Việt Nam mới sang đến nơi, bác Takahashi cũng là người đánh ô tô đến tận trường để đưa đi chơi các nơi quanh vùng. Đến ngày Tết, bác mời sinh viên Việt Nam đến nhà ăn Tết và nghỉ ngơi ở nhà bác mấy hôm.

Mùa hoa anh đào, bác đưa sinh viên đi chơi công viên hoa, đồ ăn thức uống gia đình bác đã chuẩn bị sẵn. Và khi sinh viên chuẩn bị ra trường, bác lại đưa sinh viên đi chơi một chuyến thật xa đến những địa điểm thật đẹp và nổi tiếng của nước Nhật.

Người Nhật rất thích Việt Nam - (Nguồn: Internet)

Một ngày cuối năm, bác Takahashi đã tâm sự những gì bác nghĩ về người Việt: “Bác từng tiếp xúc với rất nhiều người Việt Nam. Trong đó ngoài hai phiên dịch tiếng Việt Nam cho bác thì toàn chỉ là tội phạm người Việt. Bác cũng chẳng hiểu sao nhiều người Việt Nam trộm cắp thế. Khi nói chuyện và tìm hiểu sâu hơn qua phiên dịch bác cũng thấy nhiều hoàn cảnh thật đáng thương. Nhưng kể cả như vậy thì việc trộm cắp cũng là hành vi không được khuyến khích. Bác cũng đã rất cố gắng để tìm hiểu thật kỹ từng hoàn cảnh để không bỏ sót điều gì, giúp họ có điều kiện để thanh minh và chịu mức án nhẹ nhất có thể. Bác cũng luôn cố gắng khuyên họ dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ mình và sống lương thiện”.

“Bác từng làm việc với 2 phiên dịch người Việt và bác đặc biệt ấn tượng với hai anh chị đó. Họ làm việc rất chăm chỉ, chịu khó và thành thật. Họ cũng rất buồn lòng khi đồng bào của họ gặp phải quá nhiều vấn đề như vậy. Họ luôn xin lỗi bác vì những gì người Việt Nam làm sai trên đất Nhật nhưng bác bảo ở đâu cũng có người tốt người xấu và bác vẫn luôn tin vào bản chất tốt đẹp của người Việt Nam”.

Và bác Takahashi vẫn tiếp tục dành những ngày tháng về hưu của mình để quan tâm và chăm sóc những sinh viên Việt Nam mới sang trong trường đại học gần nhà của bác.

Sự thương yêu đối với Việt Nam trên giảng đường đại học

Thầy Micheal John không sinh ra tại Nhật. Trước đây vì một số lý do nên thầy đã đến Nhật vào khoảng thập niên 1950 theo dạng tị nạn. Qua thời gian, nhờ chính sách của chính phủ Nhật nên thầy cũng được có quốc tịch Nhật, rồi học đến đại học, cao học. Ông sang Úc học tiến sỹ rồi quay trở lại Nhật và trở thành một giáo sư tại một trường đại học quốc tế.

Trong quá trình nghiên cứu, ông hình thành một tình yêu đặc biệt với Việt Nam, một đất nước, dân tộc mà theo ông là có lịch sử dài rất anh hùng. Khi nói chuyện với sinh viên Việt Nam, ông nói: “Tôi có một tình yêu đặc biệt với đất nước của các bạn. Không thể nhớ hết tôi đã đọc hết bao nhiêu cuốn sách về Việt Nam và tìm gặp bao nhiêu người Việt Nam nữa.”

“Tôi vẫn còn nhớ như in ngày 30/4/1975, khi đang chuyển máy bay ở một sân bay tại Malaysia, tôi cảm thấy tim mình như vỡ tan ra vì hạnh phúc. Đất nước mà tôi yêu quý đã độc lập rồi, cảnh bom đạn đã không còn nữa.”

Trong những năm còn dạy ở trường đại học, thầy John đã nhận hướng dẫn luận văn cho rất nhiều sinh viên Việt Nam. Có lần một sinh viên trót dại ăn cắp và đối diện với khả năng phải bị đuổi học, thầy đã lấy danh dự của mình và bỏ tiền túi ra để bảo lãnh cho sinh viên học nốt khoảng thời gian gần 1 năm còn lại bởi thầy không muốn cuộc đời con người bị hủy hoại chỉ bởi một lần dại dột.

Khi thầy đến tuổi nghỉ hưu, thầy đã không chọn sống cùng vợ con mà chọn sang Việt Nam giảng dạy tại một trường đại học với mức lương thấp cùng điều kiện sinh hoạt không thể tiện nghi như cuộc sống của thầy bên Nhật với mong muốn cống hiến chút sức lực và trí tuệ cuối cùng của thầy cho con người và đất nước mà thầy yêu.

Mong rằng thế hệ trẻ hãy luôn biết phân định đúng sai, hiểu và trân trọng lòng tốt của người Nhật cũng như nhiều người đến từ các quốc gia khác dành cho Việt Nam - (Nguồn: Internet)

Nếu hàng ngày, bạn đi qua phố Chùa Láng, Hà Nội, gặp một ông già tóc đã bạc phơ, chân đi rất chậm đi mua đồ ăn, đếm tiền dò dẫm từng tờ một, nhưng khi sinh viên hỏi chuyện hoặc cần thầy giúp điều gì thì có thể ngồi hàng tiếng để tư vấn cho sinh viên thì đó chính là thầy John.

Tác giả bài viết cũng từng gặp rất nhiều giáo sư Nhật khác với tình yêu của mình dành cho Việt Nam đã liên tục đi lại như một cầu nối giữa Nhật bản – Việt Nam để giúp tạo ra thêm nhiều quỹ học bổng mới đưa sinh viên Việt Nam sang Nhật học và đưa một số sinh viên Nhật sang Việt Nam để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.

Ngoài ra, cũng có rất nhiều người trung niên và già của Nhật từng đến Việt Nam hoặc muốn đến Việt Nam bởi họ yêu thương một đất nước biết đứng dậy từ chiến tranh và đang ngày một thay da đổi thịt. Họ từng đến Việt Nam và họ bảo, những gì ở Việt Nam khiến chúng tôi nhớ lại nước Nhật cách đây khoảng 50,60 năm về trước, khi mà cuộc sống dù còn nhiều vất vả nhưng giới trẻ biết sống rất lễ nghi và gắn bó với gia đình.

Lời kết

Trên đây chỉ là một vài câu chuyện tiêu biểu trong những câu chuyện về tình yêu dành cho Việt Nam của người Nhật mà người viết từng có dịp biết đến. Đó là còn chưa kể đến rất nhiều thầy cô giáo người Nhật tình nguyện sang Việt Nam dậy tiếng Nhật miễn phí hoặc với mức chi phí rất thấp.

Ngoài ra là hàng trăm nữ sinh và nam sinh Nhật ngay khi rời ghế nhà trường phổ thông đã sang Việt Nam học tại các khoa Việt Nam ở một số trường đại học rồi sau đó ở lại dạy tiếng Nhật trong suốt nhiều năm qua, ngày đi học, tối đi dậy tiếng miễn phí với mong muốn tạo ra mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa người Nhật và người Việt Nam.

Chắc hẳn ít ai trong chúng ta quên được cô giáo Miyamoto Michiko người Nhật sang Việt Nam dậy tiếng Nhật và đã bị xe bus cán chết trên đường về nhà tại thành phố Hồ Chí Minh cách đây hơn 2 năm. Cô được biết đến là một cô giáo rất nhiệt tình, yêu thương học sinh, dậy tiếng Nhật ngày đêm với chi phí vô cùng rẻ cho người Việt.

Chỉ mong rằng thế hệ trẻ hãy luôn biết phân định đúng sai, hiểu và trân trọng lòng tốt của người Nhật cũng như nhiều người đến từ các quốc gia khác dành cho Việt Nam để dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn sống tốt, lương thiện.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày