Clip: Thực trạng văn hóa ứng xử của người Việt khi nghe còi xe ưu tiên

Kim Anh, Theo Trí Thức Trẻ 10:21 01/04/2016
Chia sẻ

Còi xe cứu thương rú lên bất lực giữa đám đông, xe cứu hỏa xin nhường đường bất thành… Tất cả những điều này là do ý thức của người tham gia giao thông đối với các phương tiện ưu tiên hay do người dân vẫn chưa nắm được luật?

Clip tổng hợp dưới đây cho chúng ta một cái nhìn khác về thực trạng văn hóa nhường đường của người Việt khi tham gia giao thông. Tuy nghe thấy tiếng còi xin nhường đường của một chiếc xe chữa cháy nhưng thay vì giảm tốc độ, chủ động tránh sang lề đường để nhường cho xe ưu tiên đi qua thì mọi người lại bình thản đứng tại chỗ chờ hết đèn đỏ. 

 Clip về văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông của người dân. Nguồn: Tổng hợp

Việc thờ ơ của một số người tham gia giao thông có thể kéo theo những hệ quả khôn lường, có thể chỉ trong vài giây ngắn ngủi khi các loại xe ưu tiên như xe cấp cứu không qua được thì có thể tính mạng ai đó sẽ gặp nguy hiểm, hay một chiếc xe cứu hỏa đến chậm chễ có thể cả tòa nhà sẽ bị thiêu rụi.

Clip: Thực trạng văn hóa ứng xử của người Việt khi nghe còi xe ưu tiên - Ảnh 2.

Văn hóa nhường đường cho xe ưu tiên ở Thái Lan. Ảnh cắt từ clip.

Chỉ một phép so sánh đơn giản về văn hóa ứng xử của người Việt với một số quốc gia khác như Mỹ, Úc hay đơn giản là Thái Lan - một nước gần chúng ta nhất, có thể thấy một cách ứng xử khá văn minh. Khi nghe thấy tiếng còi xe ưu tiên thì mọi phương tiện đang tham gia giao thông đều lập tức tấp vào hai bên lề gần nhất hoặc đứng yên tạo lối cho xe cứu hỏa, cấp cứu chạy, mặc dù đường phố cũng nhỏ như Việt Nam. 

Thiết nghĩ trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự gia tăng đột biến về phương tiện giao thông như hiện nay thì ý thức của mỗi cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiềm chế tai nạn giao thông. 

Clip: Thực trạng văn hóa ứng xử của người Việt khi nghe còi xe ưu tiên - Ảnh 3.

Dù nghe tiếng còi xe cứu hả nhưng nhiều người vẫn chen lên.

Clip tổng hợp này đã thu hút được hàng trăm nghìn lượt xem và chia sẻ. Không ít người bày tỏ thái độ của bản thân về văn hóa nhường đường của người Việt. "Dù tham gia giao thông bằng bất cứ phương tiện gì. Thì cái chính là ý thức tham gia giao thông của dân mình vẫn còn chưa cao", G.M chia sẻ. 

H. L. cũng bày tỏ suy nghĩ của mình "Hãy đặt trường hợp mình là nạn nhân đang nằm trên xe cứu thương mà không ai tránh đường thì mình có sốt ruột muốn đến nhà thương không? Ở Mỹ, không những mình phải tránh đường bằng mọi khả năng, kể cả leo lề hay vượt đèn đỏ, cho các loại xe ưu tiên (cấp cứu, cứu thương, cảnh sát...) mà người nào ngoan cố bám theo đuôi mấy xe ưu tiên đó cũng bị phạt nặng và có thể bị tịch thu bằng lái..."

Một số độc giả sau khi xem clip cũng chia sẻ quan điểm của mình về tình hình giao thông hiện nay với những bất hợp lí. Đôi khi không hẳn là do ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt mà còn do những yếu tố khách quan từ bên ngoài như cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông đông đúc... khiến cho họ không biết phải tránh vào đâu để nhường đường.

"Nhiều lúc mình muốn tránh nhưng tiến thoái lưỡng nan lắm, ở trước xe 2-3 lớp, muốn né sang cũng không được, đành bất khả kháng. Nếu đường thông thoáng thì có phải tắp vào vỉa hè mình cũng tắp", E.Ô. chia sẻ. 

Bạn H.M. cũng đồng tình với ý kiến trên: "Mình đồng ý với ý kiến của bạn, thật sự mình cũng nằm trong trường hợp khi xe cứu thương ở sau kêu thì mọi người có nhích qua nhường, nhưng lúc đó đường xe rất đông và không thể tránh được. Một số người chạy xe lên luôn, nhưng có vài người thì vẫn dừng tại chỗ nên đó là tùy vào ý thức mỗi người chứ không phải là ai cũng vô tâm, nhiều khi họ muốn tránh nhưng lượng xe lưu thông đông, cũng không biết nhích qua đâu cho hợp lí mà không xảy ra va chạm.".

Clip: Thực trạng văn hóa ứng xử của người Việt khi nghe còi xe ưu tiên - Ảnh 4.

Một xe cấp cứu đang hú còi nhưng vẫn phải di chuyển chậm rãi tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (quận Phú Nhuận) do dòng xe dày đặc giờ cao điểm.

Nhiều người cho rằng vì lưu lượng xe trên đường phố quá đông đúc nên dù muốn nhường đường cho xe ưu tiên cũng không biết phải nhường thế nào, về vấn đề này, bạn M.V. cho rằng bản thân chúng ta cũng phải nói cho những người xung quanh hiểu và cùng nhau nhường đường.

"Tôi nói thật tôi cũng là người chẳng có ý thức gì đâu nhưng tôi biết cái gì là đúng và cần làm. Từ lúc mới biết leo lên chiếc xe gắn máy và biết chạy là lúc 16 tuổi đến giờ đã 30 tuổi khi chạy trên đường mà nghe tiếng còi của xe không cần biết đó là xe gì tôi liền nhìn bên phải và phía sau mà tấp vào sát lề đường ngay lập tức, trong trường hợp lưu lượng xe đông và kẹt xe thì tôi sẽ cố gắng hết sức mình né và tránh đường cho những xe ưu tiên vượt qua và tôi cũng có thể nói những người xung quanh mình tránh cho xe ưu tiên qua. Quan trọng là lời nói của mình làm sao cho người ta thấu hiểu và lập tức tránh liền mới được", M.V nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày