Chùa Pháp Tánh tọa lạc trên quốc lộ 50, tổ 10, ấp Kim Điền, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, Long An (vừa qua ngã ba Tân Kim, bên tay trái có một con hẻm nhỏ dẫn vào chùa).
An Lạc hiện đã được 2 tuổi. Ngoài bé, chùa còn đang nuôi dưỡng và chăm sóc11 bé khác cũng có cùng hoàn cảnh tương tự. Đứa trẻ lớn nhất nhóm chú tiểu mồ côi này là bé An Liên (5 tuổi), An Liên có gương mặt khá thông minh nhưng theo một số tình nguyện viên làm thiện nguyện ở đây, em có chút vấn đề về não nên không được lanh lợi, hoạt bát như mọi người. Tuy nhiên, giữ vai trò “người anh cả” của nhóm nên An Liên rất ngoan, biết phụ các sư cô chăm em khi em bệnh và quấy khóc. Cả khi người lạ đến hỏi chuyện và rủ ra ngoài mua bánh kẹo, em cũng hiền lành trả lời:“Dạ, không được đi với người lạ đâu, còn phải giữ em nữa mà…” – nghe rất thương.
Cô bé An Phương rất nhát, thường hay trốn sau cánh cửa và quấn quýt sau lưng các sư cô trước người lạ.
Ám áp trong vòng tay các bạn tình nguyện viên trong ngày Chủ nhật.
Ngoài An Liên ra thì 11 đứa trẻ còn lại đều từ lứa tuổi 25 tháng trở xuống. Sư cô cho biết, có những đứa bé được người dân lượm đem về gửi chùa. Có những bé được người ta vứt trước cổng chùa, sư cô đem vô. Một số trẻ may mắn còn được gần hơi mẹ đến 1,2 tháng mới bị vứt. Nhưng có một số bé khi được nhà chùa phát hiện vẫn còn chưa cắt cuống rốn… Mỗi bé là một số phận, một câu chuyện và với những lý do riêng nhưng nhà chùa tin rằng "với mối lương duyên trời phật đã gửi các bé đến đây nghĩa là các cháu có duyên với mình, mình phải chăm sóc cho thật tốt."
Mỗi bé là một số phận khác nhau...
nhưng tất cả đều có điểm chung là mối lương duyên với chùa Pháp Tánh.
Ở đây, các em được chăm nom chu đáo...
được yêu thương
và được chăm sóc đầy đủ.
Về tương lai những “chú tiểu bất đắc dĩ” này, sư cô Tắc Bảo cũng cho biết: “Nhà chùa dự định sẽ chăm cho các em lớn đến năm 18 tuổi. Khi đó, tùy quyết định của mình, các em có thể ở lại chùa để đi theo duyên phật hoặc ra đời bắt đầu cuộc sống mới. Sư bà và các cô đều mong muốn các em khỏe mạnh, tinh thông để có những quyết định đúng trong tương lai cho cuộc đời mình."
Cô T. (một người thiện nguyện hay đến chùa chăm các bé) chia sẻ: “Tôi bán thức ăn sáng ngoài đầu chợ. Cứ ngày nào bán xong là vô đây chơi với tụi nhỏ, chăm ăn uống cho tụi nó phụ chùa rồi mới về nhà. Tôi có cháu ngoại rồi, có 2 đứa. Tụi nó ở quê cũng bằng tụi nhỏ này nè nhưng mà có đầy đủ cha mẹ, ông bà nên sướng hơn. Mình lên thành phố kiếm sống, sau giờ bán thì vào đây chơi vừa đỡ nhớ cháu vừa làm được việc lành…”
Niềm vui của các bé là được mọi người đến thăm vào ngày cuối tuần...
để có thêm người vui chơi...
chăm sóc, yêu thương
Những nụ cười hạnh phúc giản đơn.
Chẳng biết có phải nhờ duyên trời hay không mà đa số các bé ở
đây đều cứng cáp, khỏe mạnh và rất ngoan. Nhìn bọn trẻ chơi đùa hồn nhiên cùng
nhau như anh em một nhà sẽ khiến bất kì ai cũng phải vui lây niềm vui
đó. Các em đã mất đi điều quan trọng nhất của một đứa bé cần và đáng được có,
đó là gia đình với đầy đủ cha mẹ và tình yêu thương. Nhưng may mắn rằng đời còn
những sư cô như các cô ở chùa Pháp Tánh và những tấm lòng thiện nguyện của các
cô chú, anh chị dành cho các em. Mong rằng với những tình cảm ấm áp ấy, các em
sẽ có thể phát triển trọn vẹn và sớm trở thành những con người có ích cho xã hội sau
này.
Chú tiểu mồ côi này thường ngóng về phía cổng chùa vào mỗi buổi chiều...
Một bé trai với tư thế ngủ quen thuộc rất đáng yêu
Những gương mặt sáng sủa và đáng yêu của các bé.
Vẻ trầm tư của cậu bé An Cửu 4 tháng, bé được nhà chùa lượm được ngoài cổng từ khi vừa ra đời...
Mong lắm thay… những điều an lành dành cho các em.
Mong lắm thay một sự suy nghĩ chín chắn của những người làm cha làm mẹ trước việc dễ dàng phó mặc "nhúm ruột" của mình cho trời đất, bỏ mặc chúng giữa cuộc sống xô bồ ngoài kia...
Ảnh: Hữu Dương