Chuyện tình đẹp như phim của cặp đôi tí hon bán vé số ở Sài Gòn

Phạm An, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 31/10/2015
Chia sẻ

Từ khi gặp anh Lượng, chị Đào đã dần thoát khỏi vỏ bọc khép kín để tự tin hòa nhập với cuộc sống, tự tin cùng anh bước đi trong những tràng pháo tay chúc mừng của mọi người trong đám cưới hạnh phúc mà anh chị không ngờ tới.

Ngày 20/10 vừa qua có lẽ là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời anh Nguyễn Văn Lượng (SN 1990, quê Đồng Tháp) và chị Nguyễn Thị Thu Đào (SN 1992, quê Bình Định), bởi anh chị đã chính thức trở thành vợ chồng sau bao nhiêu năm chung sống trong một ngôi nhà nhỏ nơi phồn hoa ở Sài Gòn.

Vợ chồng anh chị cùng 39 cặp đôi khuyết tật khác được tham gia Lễ cưới tập thể vì cộng đồng 2015 mang tên “Thắp sáng yêu thương - vẹn tròn hạnh phúc” do Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM tổ chức.

DSC08753-JPG-8025-1445483419-b1c66
Hình cưới của anh Lượng và chị Đào.

Nói về chuyện tình của mình, anh Lượng cười hạnh phúc: “Có lẽ là do duyên số, hơn 1 năm trước tôi đi bán vé số. Đến chiều mà vé vẫn còn, vừa bán ế, lại vừa đi lạc từ Q.11 qua tận Bến xe An Sương thì gặp Đào”. Khi vừa gặp chị Đào thì bao nhiêu mệt nhọc, lo âu về xấp vé số bán dở dường như tan biến. Hơn 10 năm rời quê lên Sài Gòn mưu sinh, lần đầu tiên cảm giác của anh thực sự khác lạ, anh tiến lại gần bắt chuyện với chị.

Gặp “người giống mình” đến làm quen, chị Đào vui hẳn, chị cho anh Lượng số điện thoại vì đồng cảm, vì vui khi ở cái đất Sài Gòn rộng lớn chị lại có một người bạn cùng cảnh ngộ. “Lúc đó tôi chỉ mới vào Sài Gòn được một năm, đi làm công nhân bị người ta ép lương, làm gì cũng bị người ta nói mình nhỏ bé mà trả công ít. Tôi chuyển qua bán vé số thì cũng bị người ta dụ, giật vé số nên nhát người lắm. Thế nhưng cũng vui vui vì gặp được một người giống mình”, chị Đào cười hiền.

IMG_3170-b1c66
Tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng chị Đào luôn hạnh phúc khi có một người chồng biết chăm lo cho vợ.

IMG_3169-b1c66
Bữa cơm của hai vợ chồng tuy đơn giản nhưng đầy ắp niềm vui.

Về phần anh Lượng, thấy chị Đào có vẻ sống khép kín, không tự tin, anh thường xuyên gọi điện thoại chia sẻ với chị những buồn vui trong cuộc sống. Để chị có thể hòa nhập với mọi người, anh Lượng rủ rê chị Đào đi uống nước, chơi thể thao tại trung tâm anh đang hoạt động.

Khoảng nửa năm trò chuyện, giúp đỡ nhau, lần đầu tiên anh Lượng dẫn chị Đào đi công viên chơi rồi hỏi chị: “Em có muốn làm bạn gái anh không?”. Chị Đào e thẹn: “Lúc đó tôi rất bất ngờ, vì mình quý mến anh thật, nhưng tôi không dám nghĩ đến việc anh tỏ tình với mình. Từ lúc lên Sài Gòn chỉ dám nghĩ ngày mai ăn gì, chứ chưa một lần nghĩ đến chuyện yêu đương. Tuy quý anh lắm nhưng tôi… sợ anh dụ nên nói anh cho tôi thời gian”.

IMG_3185-b1c66
Vì chị Đào bị bệnh về cột sống, nên buổi sáng anh Lượng đi bán một mình, chỉ cho vợ đi theo vào buổi chiều.


Từ khi chị Đào xin về suy nghĩ, anh Lượng lòng như lửa đốt, ngày nào cũng nhắn tin, gọi điện thoại cho chị, không dám hỏi chị nghĩ xong chưa, chỉ dám nói với chị nếu không yêu thì làm bạn chứ đừng xa lánh anh. 

Anh Lượng chia sẻ: “Đến hơn một tuần Đào vẫn chưa suy nghĩ xong, tôi thì chịu hết nổi rồi nên quyết định “liều” một phen, mời Đào đi uống nước. Vào quán nước, ngồi cả buổi, uống hết nước để thuyết phục, nhưng Đào vẫn im lặng, cứ 4 5 lần như thế cuối cùng Đào mới... gật đầu”.

IMG_3189-b1c66
Thường thì anh chị sẽ đi bán bằng xe đạp, nhưng vì một người bạn trong CLB thể thao người khuyết tật đi nước ngoài tập huấn nên cho anh chị mượn xe máy để đi bán.

IMG_3196-b1c66
Anh Lượng để vợ trông xe còn mình đi vào các quán nước, quán nhậu để bán. Buổi sáng bắt đầu từ 5h anh Lượng đã đi bán, trưa về ăn cơm rồi tầm 16h cùng vợ bán đến 22h mới về nhà. Một ngày anh chị nếu bán đắt, anh chị sẽ kiếm được hơn 100.000 đồng.

Khi chị Đào đồng ý, anh Lượng chuyển hẳn nhà trọ từ Quận 11 sang Quận Bình Tân để tiện chăm sóc người yêu. Nhiều lần điện thoại qua nghe tiếng chị mệt mỏi, không cần biết trời mưa hay đêm khuya, anh đều đạp xe hơn 4 cây số qua thăm chị, ngồi bắt chị ăn hết đồ ăn, uống thuốc rồi mới yên tâm đi về.

Chị Đào thì sáng đi bán ở An Sương, trưa đón xe buýt qua Ngã tư Gò Mây bán chung với anh Lượng. Trên chiếc xe đạp nhỏ, anh chị vượt qua tất cả những ánh mắt hiếu kỳ để cùng nhau trò chuyện, cùng nhau đi bán. Tối đến anh tranh thủ chở chị đi ăn tối, đưa về đến tận nhà trọ của chị rồi mới yên tâm đạp xe về.

IMG_3199-b1c66
Người mua phần vì hiếu kỳ về cặp đôi tí hon, phần vì muốn ủng hộ để anh chị có cuộc sống tốt hơn.

Biết rằng không thể sống thiếu nhau, cả hai đưa đối phương về ra mắt gia đình. Nhìn anh chị gia đình hai bên đều không đồng ý với cùng một lý do hai người quá nhỏ bé, nếu sống chung thì khổ sẽ càng khổ hơn, rồi nếu sinh con cũng giống như hai người thì nỗi khổ sẽ nhân lên gấp bội. Nghe ba mẹ nói thế, chị Đào khóc ròng, nhưng anh Lượng thì càng quyết tâm, anh an ủi chị “khổ thì khổ rồi, khổ thêm tí nữa có sao đâu”. Rồi âm thầm chứng minh, thuyết phục hai bên gia đình rằng mình có thể lo cho vợ, cho con. 

IMG_3211-b1c66
Anh chị vốn nhỏ bé lại càng nhỏ bé hơn trên đường phố Sài Gòn. Thế nhưng cặp đôi tí hon chưa bao giờ bỏ cuộc khi nghĩ về tương lai.

Thuyết phục được gia đình, nhưng không có khả năng làm đám cưới, hai người tự dọn về chung sống với nhau, cùng nhau đi bán, cùng nhau chia sẻ mỗi khi đau ốm. Từ khi chị Đào về sống chung, anh Lượng luôn day dứt chưa thể lo cho vợ một cái đám cưới như bao người. 

Thế rồi một ngày, người thầy trong trung tâm thể thao dành cho người khuyết tật biết được thông tin một nhà hàng đang có kế hoạch tổ chức đám cưới cho những người khuyết tật. Anh chạy đi đăng ký, thuyết phục và cuối cùng ngày 20/10/2015 anh và chị hạnh phúc nắm tay nhau bước đi trong sự chúc phúc của mọi người.

IMG_3205-b1c66
Ngày ngày, anh Lượng và chị Đào tự tin vượt qua bao ánh mắt hiếu kỳ của mọi người để âm thầm xây dựng cuộc sống của mình.

Anh vui vẻ, từ khi có vợ, anh không còn phải ăn cơm nhà, đi bán về có người chia sẻ, trò chuyện thì cuộc sống hạnh phúc lên hẳn. Hỏi chị Đào rằng anh Lượng dẻo miệng như vậy, có khi nào anh ấy nói với chị là anh yêu em chưa. Chị Đào bẽn lẽn: “Từ lúc quen thì anh chưa nói đâu, đến khi cưới nhau rồi, khi nào đi bán về mệt, hay tối hai vợ chồng đã nghỉ ngơi anh ấy đều nói câu đó với tôi. Tôi và anh Lượng sẽ đi bệnh viện khám, nếu gen chúng tôi không di truyền cho con, tôi và anh đều ước mình sẽ có một đứa con khỏe mạnh. Nếu không thì cả hai sẽ ráng làm để dành tiền dưỡng già, chứ sinh con mà nó như mình thì tội con lắm”.

Ngày 15/11 tới đây anh chị sẽ đi khám bệnh để quyết định về việc sinh con cái, cầu chúc cho anh chị sẽ có cuộc sống thật hạnh phúc, và trọn vẹn niềm vui với niềm mơ ước của mình.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày