Chủ quán cafe của cộng đồng LBGT: Mở quán để trả lương công bằng cho người đồng tính

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 11/04/2015

Đó là chia sẻ của Danny, chủ một quán cafe với những nhân viên đều là người đồng tính. Danny cho biết anh mở quán dành riêng cho cộng đồng LGBT một phần vì muốn tạo cơ hội việc làm cho những người đồng tính, những người phải chịu mức lương thấp ngoài xã hội.

Danny tên thật là Phạm Đắc Huỳnh Anh (SN 1986, quê gốc Vĩnh Long). Khi gặp Danny tại quán cafe của bạn, tôi không biết nên gọi Danny là "anh" hay "chị". Bởi trong cộng đồng LGBT, một số người đồng tính nữ dù vẻ bề ngoài rất giống con trai nhưng vẫn không quen cách người ta gọi mình bằng "anh", một số khác lại cảm thấy khó chịu khi bị kêu là "em gái" hoặc "chị".

Danny thì đã quá quen với việc mọi người sẽ gọi mình là "anh", nên trong bài viết này, tôi cũng sẽ gọi Danny như thế, như cách mà anh muốn, cách anh sống với giới tính thật đã come-out với cộng đồng từ nhiều năm về trước.

Quán cafe dành cho cộng đồng LGBT do Danny và bạn gái của mình cùng khai trương vào 4 tháng trước trong một con hẻm trên đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1. Có tất cả 14 nhân viên thay phiên nhau làm việc tại quán vào tất cả các ngày trong tuần, họ đều là những người thuộc cộng đồng LGBT, trong đó, các nhân viên là đồng tính nữ chiếm đa số.


Danny - chủ quán cafe dành riêng cho cộng đồng LGBT.

"Người đồng tính phải chịu mức lương thấp hơn các nhân viên khác"

Đó là một trong những lý do khiến Danny muốn có một nơi mà người đồng tính có thể làm việc với mức lương mà họ xứng đáng được nhận. Danny cho biết anh đã nhìn thấy sự thua thiệt của những người đồng tính khi họ xin việc làm ở những ngành nghề yêu cầu về ngoại hình hoặc ngành giáo dục, y tế...

"Tôi có ngoại hình không giống con gái, nên trong quá trình tuyển dụng, những người có ngoại hình nữ tính hơn sẽ có cơ may được chọn ở vị trí tốt hơn. Những người trông giống một đứa con trai như tôi thì thường phải làm những công việc lao động chân tay nên lương rất thấp" - Danny cho biết -  "Khi được tuyển dụng, con gái tất nhiên phải mặc đồng phục nữ, con trai mặc đồng phục nam. Vậy nên khi bạn là con gái mà lại không thể mặc đồng phục nữ, thì bạn phải chịu mức lương thấp hơn một đứa con gái khác có thể mặc đúng quy định của công ty. Người đồng tính phải chịu mức lương bị ép xuống thấp, và không có nhiều người được giữ lại để làm việc lâu dài".


Danny cho biết, ở những nơi yêu cầu ngoại hình của nhân viên, thì người đồng tính dù giỏi đến mấy vẫn phải nhận mức lương thấp hơn người dị tính. Quán cafe của anh được mở ra để các nhân viên đồng tính cảm thấy mình được đối xử công bằng như những người khác.

Danny có nhiều năm làm việc trong ngành nhân sự, tuyển dụng. Anh đã được nghe tâm sự của nhiều người đồng tính trong quá trình phỏng vấn họ. Danny cho biết, những ngành nghệ thuật, truyền thông sẽ dễ cho người đồng tính phát huy thế mạnh của họ, vì họ là những người sáng tạo, kiên nhẫn và nhìn sự việc đa chiều do trong tâm của người đồng tính luôn có hai giới tính dung hòa lẫn nhau, họ sẽ cảm nhận được sự việc dưới góc nhìn của một người nam và một người nữ.



Các nhân viên đồng tính nam pha chế nước uống cho khách. Đối với họ, quán cafe của Danny là nơi họ được thoải mái làm việc và sống thật với giới tính của mình.


Anh chủ quán Danny cùng dàn nhân viên là những người trong cộng đồng LGBT.

Một lý do khác thôi thúc Danny phải mở một quán cafe dành cho cộng đồng LGBT vì anh cho rằng người đồng tính không được thoải mái thể hiện tình cảm ở nơi công cộng, dù chỉ là việc nắm tay.

"Sở thích của tôi là hay đi uống cafe một mình, và tôi sẽ đeo tai nghe trong suốt thời gian ngồi ở quán nhưng đôi lúc tôi sẽ không bật bản nhạc nào. Có một lần, hai người dị tính ngồi cạnh bàn cứ nghĩ tôi không nghe những cuộc trò chuyện của họ nên họ đã nói rất nhiều câu khiến tôi cảm thấy không vui, họ tự hỏi rằng tôi là nam hay là nữ, tại sao lại ngồi một mình như tự kỷ, họ đánh giá về ngoại hình, họ chê trách tôi, những lời xì xầm và kỳ thị cứ thế văng vẳng bên tai..."
, Danny chia sẻ.


Danny tiếp tục kể về một lần khác, khi trong quán cafe có hai anh chàng gay ngồi cùng nhau, họ trò chuyện, nắm tay và nói lời yêu rất tình cảm. Mọi việc chỉ đến thế thôi nhưng những nhân viên phục vụ đã khó chịu và nói nhỏ với nhau rằng: "Mày nói hai thằng đấy bàn đó có người đặt rồi, ra đuổi tụi nó về đi, đồ dị hợm!". Các nhân viên dùng rất nhiều từ ngữ xúc phạm hai anh chàng như gọi họ là bê-đê, bóng, kì dị...

"Tôi rất giận nên đã gọi quản lý ra và đặt câu hỏi, vì sao người đồng tính như chúng tôi cũng đi uống cafe như bao người, cũng trả tiền một phần nước như nhau, họ cũng chỉ nắm tay và trò chuyện, không có những hành động gần gũi quá mức, trong khi có những cặp dị tính khác vào quán ôm ấp và thể hiện tình cảm thái quá hơn thì lại không bị nhắc nhở. Lúc đó, quản lý mới xin lỗi và không ai dám nói gì nữa. Nhưng tôi thực tâm vẫn mong có được một quán cafe cho riêng mình, cho riêng những người giống mình, để không còn ai phải chịu sự kỳ thị ở nơi công cộng nữa", Danny nói.


"Tôi thực tâm vẫn mong có được một quán cafe cho riêng mình, cho riêng những người giống mình, để không còn ai phải chịu sự kỳ thị ở nơi công cộng nữa".

Rào cản lớn nhất của người đồng tính là gia đình

Một người đồng tính khi thành đạt, có sự nghiệp ổn định, có địa vị trong xã hội, họ sẽ tự tin trước bạn bè và mọi người, họ có thể nói: "Đừng kỳ thị chúng tôi, vì chúng tôi là người đồng tính nhưng chúng tôi có công việc tốt, thu nhập cao, sống đúng chuẩn mực và không hổ thẹn với ai...".
Thế nhưng, dù có bước qua được hàng triệu người ngoài xã hội, nhiều người đồng tính vẫn không đủ can đảm bước qua rào cản từ gia đình.

Bởi với gia đình của mỗi người, đó không đơn thuần là việc bạn chứng tỏ cho ba mẹ thấy bạn có thể độc lập tài chính, giỏi giang thế nào, mà bạn phải thuyết phục được họ tin vào tình yêu đồng tính, giúp họ hiểu được tình cảm của bạn dù bước đầu họ sẽ cảm thấy đau lòng và khó có thể chấp nhận. Trên thực tế, nhiều người đồng tính phải cố gắng kết hôn với người khác giới để làm vui lòng ba mẹ dù trái tim họ cũng tan nát từ đó.

Đó là những gì Danny nói khi tôi hỏi về người bạn gái hiện tại của anh.
"Cô ấy không thể xuất hiện công khai như tôi vì cô ấy còn gia đình. Bạn gái tôi chưa sẵn sàng cho việc come-out dù chúng tôi yêu nhau đã 3 năm qua", Danny nói. Anh từ chối chia sẻ thông tin về người yêu của mình, chỉ biết hai người vốn là những người bạn học cùng nhau từ cấp 2, sau khi ra trường, mỗi người một việc, họ đi qua những cuộc tình với vài người khác, cuối cùng gặp lại nhau và tình yêu cả hai được phổ nhạc từ tình bạn năm xưa. Cả hai nghiêm túc đến với nhau và cùng cố gắng dành dụm tiền để mở quán cafe dành riêng cho cộng đồng LGBT.


"Nhiều người đồng tính vẫn không đủ can đảm bước qua rào cản từ gia đình họ".

Danny come-out cách đây 6 năm. Nhưng từ nhỏ, anh đã cảm nhận mình là một người con trai trong hình hài con gái. Danny thích chơi những trò chơi dành cho các bé trai, thích mặc đồ như con trai. Anh đã từng giãy giụa giữa nhà khi mẹ cứ bắt mình mặc bộ váy dành cho con gái.

"Năm học THCS, tôi cảm nhận mình thích các bạn nữ hơn các bạn nam. Nhưng đó chỉ là một lúc xao xuyến, năm 18 tuổi tôi mới bắt đầu thích một người con gái, và nhận ra giới tính thật sự của mình", Danny kể lại.


"Là người đồng tính, bạn phải thật dũng cảm và mạnh mẽ vượt qua mọi chuyện để được là chính mình", Danny chia sẻ.

Khi đã có sự nghiệp ổn định, anh quyết định công khai giới tính với gia đình. Ba mẹ Danny không phản đối kịch liệt nhưng không hoàn toàn ủng hộ, họ gây áp lực bằng việc luôn nói về vấn đề giới tính của Danny. Anh đã mất một khoảng thời gian để thuyết phục ba mẹ chấp nhận con người thật của mình, và sự cố gắng của Danny cũng đã được đền đáp khi gia đình đồng ý cho anh làm những gì mình thích, thậm chí họ ủng hộ nếu Danny kết hôn với người bạn gái mình yêu.

Trong lúc trò chuyện, có một nhóm người dị tính cũng vào quán uống cafe, họ ngồi xuống gọi nước, nhìn nhân viên, cách bày trí ở quán, và họ nhìn nhau nói: "Hình như đây là quán dành cho người đồng tính?".

Tôi hỏi Danny, những người dị tính đến quán cafe của anh, họ có thái độ gì đặc biệt không. Danny cười: "Dù đây là quán dành cho người đồng tính, nhưng chúng tôi không kỳ thị những người dị tính, vì chúng tôi hy vọng họ cũng không kỳ thị chúng tôi ở một quán cafe khác".

Ảnh: Nguyễn Kei - Quỳnh Trân