Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), hiện chỉ có 51 công ty bán hàng đa cấp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Danh sách này được đăng tải công khai trên trang thông tin quản lý bán hàng đa cấp của Cục (vca.gov.vn) nhằm giúp người tiêu dùng kiểm tra tính pháp lý của các công ty kinh doanh đa cấp (KDĐC).
Mặt khác, Phòng Xuất nhập khẩu và Xúc tiến Công thương, Sở Công Thương TP.HCM (phụ trách quản lý bán hàng đa cấp tại TP.HCM) cũng rà soát và xác định các công ty, đơn vị mà báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh (CLB BM, các công ty AL, TH và VP…). Theo đó, doanh nghiệp (DN), đơn vị này đều không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và cũng không có thông báo hoạt động (là một thủ tục bắt buộc) tại TP.HCM. Do vậy nếu thực tế các đơn vị trên hoạt động đa cấp là trái phép.
Không dễ xử lý vi phạm
Theo Nghị định 42/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, mọi loại hình dịch vụ hoặc các loại hình kinh doanh không phải là mua bán hàng hóa thì không được kinh doanh theo phương thức đa cấp. Có nghĩa là chỉ có hàng hóa mới được kinh doanh theo kiểu đa cấp. Như vậy, việc huy động vốn, kinh doanh dạng đóng hụi... đều không được kinh doanh theo dạng đa cấp.
Đại diện Phòng Xuất nhập khẩu và Xúc tiến Công thương, Sở Công Thương TP.HCM cho biết DN có bán hàng theo hình thức đa cấp mà vi phạm quy định của Nghị định 42/2014 thì Sở Công Thương, cơ quan quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh, mới có thể xử lý DN vì các vi phạm bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, nếu DN chỉ kinh doanh tài chính, đầu tư tài chính, kinh doanh dịch vụ có trả hoa hồng theo mô hình đa cấp, không có bán kèm hàng hóa thì không được xem “bán hàng đa cấp”. Loại hoạt động này rất khó xử lý. Bởi vì Sở Công Thương, cơ quan quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh, đều không được phân quyền để xử lý lĩnh vực tài chính này.
“Do vậy, thông thường khi có đơn vị phản ánh thì phòng đều hỗ trợ người dân tra cứu thông tin xem DN đó có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hay không. Ngoài ra, phòng cũng có khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ, đầy đủ thông tin khi tham gia các mô hình đầu tư tài chính đa cấp và hướng dẫn người dân thông báo đến cơ quan công an nếu người dân thấy có dấu hiệu lừa đảo” - đại diện phòng này cho hay.
Cơ quan quản lý còn… “ấm ức”
Một cán bộ quản lý về thương mại thuộc Sở Công Thương cho biết thực tế thời gian qua có một số công ty hoạt động đa cấp cũng đã bị xử phạt hành chính. Tuy vậy, việc xử lý chủ yếu nhắm vào các nội dung khác về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế... chứ không xử được vi phạm nào về “đa cấp”.
Vậy nhưng, hầu hết công ty kinh doanh loại hình này “dùng chiêu” để tránh né. Đơn cử, khi có quyết định xử phạt thì công ty trình ra hồ sơ, chứng từ hóa đơn cho thấy họ hoạt động kinh doanh thua lỗ, không có tiền nộp phạt. Cơ quan quản lý cũng không làm gì được, ngoài cách là kiểm tra tới, kiểm tra lui để cảnh báo cho những người nhẹ dạ tránh bị mất tiền. Tuy nhiên, sau vài lần kiểm tra gắt gao thì họ đóng cửa, dùng kế “ve sầu thoát xác” khi lập nhờ người khác đứng tên DN khác để tiếp tục kinh doanh.
Cũng theo vị này, thực tế nhiều người tham gia vào các DN này được một thời gian mới vỡ lẽ. Họ cho rằng bị lừa và gửi đơn đề nghị công an xử lý. Tuy vậy, việc này không đảm bảo cơ quan công an sẽ vào cuộc, nhất là khi mỗi người tham gia mất một khoản tiền nhỏ hơn 5 triệu đồng. Hơn nữa, vấn đề quan trọng là xu hướng càng ngày Nhà nước càng giảm hình sự hóa các quan hệ kinh doanh, dân sự, trừ những vụ việc có tính lừa đảo tinh vi, thiệt hại lớn.
“Chuyện đầu tư tài chính đa cấp này đã được phản ảnh. Lâu nay các cơ quan quản lý đã chủ động cung cấp thông tin cảnh báo cho người dân. Do đó, người dân cần ý thức hơn về các giao dịch, kinh doanh của chính mình. Trước tiên người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về DN, mô hình kinh doanh có được phép và đừng vì các lời “có cánh” rồi tin vào những khoản lợi “hoang tưởng” để vừa mất tiền mà lại mang tiếng đi dụ dỗ người thân, bạn bè tham gia chung với mình” - vị này khuyến cáo.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, Luật Thương mại quy định thương nhân bao gồm tổ chức, cá nhân đều được thành lập hợp pháp, đăng ký kinh doanh. Khi đăng ký kinh doanh, thành lập DN thì có thể chọn loại hình DN tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần... Luật không quy định hình thức kinh doanh dưới dạng câu lạc bộ. Nếu một tổ chức dạng hội (như hội, liên hiệp hội, câu lạc bộ) thì chịu sự điều chỉnh của Nghị định 45/2010, phải được cấp phép hoạt động và không được hoạt động vì mục đích lợi nhuận. Các tổ chức dạng quỹ thì Nghị định 30/2012 quy định quỹ cũng không vì mục đích lợi nhuận, không chia lợi nhuận. Vì vậy các dạng CLB, quỹ... mà hoạt động kinh doanh, kêu gọi đầu tư tài chính để chia lãi là sai. Theo Nghị định 42/2014, công ty bán hàng đa cấp phải ký quỹ tối thiểu 5 tỉ đồng nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ đối với người tham gia khi DN bán hàng đa cấp ngưng hoạt động. Ngoài ra khi đăng ký để được cấp phép, các DN phải nộp quy tắc hoạt động, chương trình trả thưởng, đào tạo. Cục Quản lý cạnh tranh sẽ xem xét có phù hợp hay không, có dễ “bể” hay không rồi mới cấp phép. Đối với các công ty hoạt động đa cấp mà không đảm bảo pháp lý, không được cấp phép, không có mô hình an toàn ổn định, do đó khi tham gia vào các công ty này, người tham gia khó có các kênh bảo vệ quyền lợi của mình. Cấm lấy hoa hồng, tiền thưởng làm “mồi nhử” Theo tôi, các công ty có nhiều thay đổi trong hoạt động theo hướng tinh vi nhưng điều cốt lõi nhất là họ đánh vào lòng tham của người khác để trục lợi. Thực chất, việc xây dựng hệ thống cấp dưới theo mô hình tháp nhọn là một kiểu KDĐC và Nghị định 42/2014 có quy định các hành vi bị cấm trong KDĐC. Cụ thể, Điều 5 của nghị định này nghiêm cấm người tham gia bán hàng đa cấp đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào. Quy định cũng cấm các DN cho người tham gia nhận hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia hệ thống. Luật sư Trần Đức Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM Nhiều kiểu lách luật tinh vi Một số người đến nhờ tôi tư vấn làm sao lấy lại tiền đã bỏ ra đầu tư vào đa cấp. Nhiều trường hợp có thể “vịn” các công ty này về kinh doanh trái pháp luật, vi phạm Nghị định 42/2014 về quản lý bán hàng đa cấp. Tuy vậy, các công ty này lách luật rất tinh vi, không dễ xử lý. KDĐC chủ yếu lấy tiền của người vô sau chi trả cho người vô trước, điều này không mang lại lợi ích kinh tế gì cho xã hội mà còn gây ra nhiều hệ lụy. KDĐC phát triển khó lường quá, đây là thực trạng rất đáng báo động, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, cần phải quản lý KDĐC chặt chẽ hơn. Luật sư Đinh Quốc Dũng, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai |