Chàng trai khuyết tật chia sẻ quan điểm vụ "Vietjetair từ chối vận chuyển người khuyết tật nặng"

Hồng Minh, Theo Trí Thức Trẻ 17:02 04/04/2015
Chia sẻ

Một trong những ý kiến gây sự chú ý của dư luận là chia sẻ của anh Vũ Ngọc Anh - chàng trai mắc căn bệnh xương thủy tinh. Người ta chú ý đến những điều anh nói bởi anh đã đứng ở góc độ của một người khuyết tật để lên tiếng và thể hiện quan điểm cá nhân một cách khách quan.

Trong những ngày qua, trên nhiều diễn đàn mạng liên tục xôn xao và bày tỏ ý kiến trái chiều về việc hãng hàng không VietJet ở sân bay Đà Nẵng từ chối vận chuyển người khuyết tật nặng, mặc dù sân bay Hà Nội đã vận chuyển khách chiều đi. 

Theo đó, hành khách rơi vào tình huống này là chị Nguyễn Thị Vân, một người khuyết tật nặng và hiện đang là Giám đốc trung tâm Doanh nghiệp Xã hội Nghị Lực Sống. Chị Vân cho biết, mặc dù được hãng hàng không VietJet Air vận chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng nhưng khi chuẩn bị làm thủ tục cho chuyến bay về Hà Nội, chị lại bị từ chối.



Chị Vân "tố" hãng hàng không VietJet ở Đà Nẵng từ chối chở người khuyết tật nặng.

Ngay sau vụ việc này, Cục Hàng không Việt Nam đã chính thức có thông tin phản hồi và khẳng định hai nhân viên của VietJetAir từ chối vận chuyển hành khách khuyết tật tối 2-4 đã vi phạm quy định về vận chuyển hàng không. Hãng hàng không VietJet sau đó cũng đã gửi thư xin lỗi hành khách Nguyễn Thị Vân.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vụ việc vẫn tạo ra nhiều tranh cãi xung quanh dịch vụ vận chuyển người khuyết tật nặng của hãng hàng không VietJet Air nói riêng và hàng không Việt Nam nói chung, về cách ứng xử của hành khách cũng như nhân viên của hãng...

Một trong những ý kiến gây sự chú ý của dư luận là chia sẻ của anh Vũ Ngọc Anh - chàng trai mắc căn bệnh xương thủy tinh. Người ta chú ý đến những điều anh nói bởi anh đã đứng ở góc độ của một người khuyết tật để lên tiếng và thể hiện quan điểm cá nhân một cách khách quan. Anh cũng không đề cập đến những chuyện cao xa hơn mà đứng dưới góc nhìn của một người sử-dụng-dịch-vụ-đặc-biệt, chứ không phải một người ngồi xe lăn, hay người khuyết tật khác.


Chia sẻ của anh Vũ Ngọc Anh - một người khuyết tật- về vụ việc hành khách “tố” VietJet Air từ chối vận chuyển người khuyết tật nặng.

Được sự đồng ý của anh, chúng tôi xin trích đăng nguyên văn những dòng chia sẻ này:

Hi anh em, như đã nói, mình sẽ viết vài điều về vụ người khuyết tật (NKT) và một hãng hàng không (HHK) có xảy ra bất đồng, và đỉnh điểm là nhiều bạn nói NKT lợi dụng cái thân thể yếu đuối để "vòi" một thứ gì đó từ HHK và tỏ ra mình bố đời, trong nội dung bài viết này mình không đề cập đến những chuyện cao xa hơn, mình đứng dưới góc nhìn của một người sử-dụng-dịch-vụ-đặc-biệt, chứ không phải một người ngồi xe lăn, hay NKT khác.

NKT là gì, chắc hẳn anh em ai cũng biết rồi, và mình không nhắc lại bản thân mình là một NKT đẹp trai và tài giỏi nữa, cái đó mọi người nhận ra đúng không. Ở đây, mình nói trước về phía HHK nhé.

Để vận chuyển 1 NKT có sử dụng dịch vụ đặc biệt thì bắt buộc phải có: Giấy chứng nhận sức khỏe, giấy miễn trừ trách nhiệm, và người nhà đi cùng (đối với các trường hợp khuyết tật thị giác, thính giác, và không có khả năng di chuyển trên cabin máy bay). Và điều kiện để bay là thông báo trước 48h (2 ngày) với hãng bay để người ta lên lịch với bên hỗ trợ mặt đất (cái này không thuộc hãng hàng không mà do hãng thuê lại, okie?).

Trong trường hợp người sử dụng dịch vụ đặc biệt không báo trước với HHK, HHK sẽ linh động khi và chỉ khi đội hỗ trợ mặt đất free slot xe nâng, xe lăn ở chuyến bay đó, còn không thì sẽ không được phục vụ. Điều này cũng giống như bạn đến muộn sau khi đã check in xong và tàu bay sắp cất cánh.

Việc sử dụng dịch vụ đặc biệt ở các sân bay nội địa hoàn toàn là khó khăn, vì hầu hết các sân bay nội địa đều chỉ có 1-2 xe nâng, và tần suất các chuyến nhiều 1 chút là không xuống được ngay, điều đó ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của HHK, cá biệt có sân bay còn không có thang nâng (Cát Bi...), khách khuyết tật nặng là chịu chết.

Năm ngoái tới giờ, mình đi không nhiều, nhưng cuống vé cũng đủ 10 đầu ngón tay rồi, nhân viên mặt đất tại Tân Sơn Nhất và Cát Bi còn nhớ mặt mình, thì không thể không nói là mình đi một cách khó khăn được.

Sử dụng dịch vụ đặc biệt đối với những yêu cầu này là MIỄN PHÍ nên đừng có bạn nào bảo "Nó phải trả thêm tiền để mua vé hay slot cho NKT". Chỉ khi bạn gãy chân, cần thêm ghế để nằm, hoặc chỗ trên máy bay, thì lúc đó bạn mới bị tính thêm phí, còn xe nâng, xe lăn, ống lồng, là miễn phí.

Một số ý kiến cho rằng, "nếu cho lên máy bay thì ảnh hưởng an toàn đến hành khách khác", Sai hoàn toàn, thông báo an toàn ở đây là thông báo an toàn cho hành khách, cho chính bản thân hành khách nếu có chuyện gì xảy ra.

Giờ quay mũi dùi sang bạn nữ nào.

Bạn nữ là NKT nặng, không có khả năng tự di chuyển (kể cả bò) nên bắt buộc phải có 1 người đi cùng. Theo thông tin trên báo đài thì lỗi thuộc về khách hàng và bản thân mình cũng tin đến 70% lỗi thuộc về khách hàng. 30% còn lại là do clip ngắn quá không xem hết nên không dám nói thêm gì nhiều.

Như đã nói dài ơi là dài ở phía trên, anh không đặt dịch vụ thì anh không được hưởng dịch vụ, cũng như ông có đi mua vé thường mà lại đòi đi hạng bussines hay skyboss thì ai cho ông lên hạng đó. Nên ở đây mình có cái nhìn phiếm diện là sai rành rành ở khách. Mình không cần biết khách là ai, người như thế nào, nhưng nếu muốn sử dụng dịch vụ mà không đặt, thì sáng tỏ như ban ngày còn gì nữa?

Bạn nữ luôn nói mình là NTK nặng và rất mặc cảm về điều đó. Theo mình thì câu này chắc là báo chí nói thêm thôi chứ một người quản lý trung tâm Nghị Lực Sống của anh Hùng như vậy thì sẽ không bao giờ mặc cảm và tự ti với cái việc nhỏ xíu này.

Mình đã từng đến cơ sở của Vân, ai nói Vân chưa làm được gì cho người khác là nói bậy, Vân đang giúp đỡ các em học tiếng Anh và CNTT free, đó là điều mình ghi nhận. Nhưng có lẽ trong trường hợp này, Vân hơi sai một chút.

Kết bài, mình chỉ muốn nói vài điều như trên, nhiều bạn cứ gào lên "tao không bằng chúng nó" nhưng các bạn ạ, khó khăn thì phải vượt qua, cuộc sống có thử thách thì ta tiến tới, cũng như nhiều người có cố gắng thì họ làm được hết rồi đó. Mình chấp nhận tranh luận ở dưới, nhưng mình xin phép không tranh luận với những bạn có từ ngữ quá khích.

Tất cả những điều ở trên viết trên quan điểm cá nhân, mọi quan điểm của cộng đồng không áp dụng vào bài viết của mình. Các kiến thức về vận chuyển đặc biệt đều do mình đi và có thực tế được, bạn nào làm trong hãng nếu thấy mình nói sai thì bổ sung hộ mình nhé.

Vũ Ngọc Anh sinh ngày 23/10/1987 tại Hải Phòng, là bệnh nhân xương thủy tinh, từng gãy xương hơn 150 lần với những biến dạng nặng cả ở tay và chân, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc và gần như suốt ngày phải ngồi xe lăn. 

Sau khi tốt nghiệp THPT, thi đại học đủ điểm nhưng Ngọc Anh không đi học do không muốn bố mẹ phải vất vả vì bản thân và cảm thấy sẽ lãng phí thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Vì thế Ngọc Anh bắt đầu tự lập năm 18 tuổi, bước ra xã hội với hai bàn tay trắng cùng chiếc xe lăn.

Hiện nay, công việc để Ngọc Anh có thể nuôi sống bản thân và tiếp tục hành trình đi du lịch là quản lý một công ty chuyển hàng, mua hộ hàng từ Mỹ về Việt Nam. Anh là CEO của Quỹ hỗ trợ bệnh nhân xương thuỷ tinh Việt Nam và là quản trị cao cấp của diễn đàn phần cứng nói Tiếng Việt lớn nhất Việt Nam.

Vũ Ngọc Anh từng được nhiều người biết đến khi anh cho ra mắt cuốn sách "Không thể vỡ". Đó là cuốn tự truyện kể cuộc hành trình của anh từ khi ra khỏi nhà năm 18 tuổi cho đến năm 28 tuổi. Chia sẻ về cuốn sách, Vũ Ngọc Anh nói: “Mục đích của mình là hy vọng mọi người hay những người khuyết tật khác có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống, có thể chia sẻ kinh nghiệm đi lại của mình với những người khuyết tật khác, loại bỏ suy nghĩ trong đầu họ là "ôi giời, ngồi xe lăn mà, đi được đâu cơ chứ, ở nhà thôi", anh hi vọng những người khuyết tật có một cái nhìn "tươi hồng" hơn về cuộc sống.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày