Câu chuyện xúc động về người phụ nữ giúp trẻ tự kỷ nói những tiếng đầu tiên

Phạm An, Theo Trí Thức Trẻ 11:28 25/04/2015
Chia sẻ

Sau khi nghiên cứu chữa trị cho con người bạn, cô Minh Nguyệt nhận ra rằng ở Việt Nam có rất ít bác sĩ yêu thích chuyên ngành về tự kỷ. Từ đó cô quyết tâm nghiên cứu mở lớp tư vấn, giáo dục, trị liệu cho trẻ tự kỷ.

Trong cuộc sống có hạnh phúc, vui vẻ cũng có lúc khó khăn khiến con người ta khó chấp nhận được sự thật, và tự kỷ là một trong số đó. Đa phần các ông bố, bà mẹ đều đánh lừa bản thân về bệnh tự kỷ của con mình. Bên cạnh đó, cách chữa bệnh cho trẻ lại bị hạn chế về kiến thức, tốn kém tiền bạc, nên những đứa trẻ không may bị tự kỷ sẽ càng bất hạnh hơn.

Cô Trần Thị Minh Nguyệt (64 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) là bác sĩ khoa nhi, chuyên về phát triển tâm thần, vận động ở trẻ từ sơ sinh đến 15 tuổi. Cách đây 10 năm, cô phát hiện con của một người bạn bị rối loạn phổ tự kỷ, lúc đó ở Việt Nam rất khó tìm được bác sĩ, cũng như ít tài liệu liên quan về bệnh này. Cô Nguyệt không nỡ nhìn hai đứa trẻ lớn lên chẳng biết mình là ai, chẳng biết làm chủ bản thân dù là một hành động nhỏ nhặt. Cô tìm hiểu về bệnh tự kỷ thông qua tư liệu, hình ảnh, clip,… của các vị giáo sư nước ngoài và biết được rằng bệnh này không chỉ điều trị bằng thuốc mà còn phải kiên nhẫn giáo dục cho trẻ.


Cô Trần Thị Minh Nguyệt, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Bambini - Giáo dục, trị liệu trẻ tự kỷ, Q. Phú Nhuận.


Bé B.A. - Một trẻ tự kỷ tại Trung tâm Bambini. 

Nhờ sự giúp đỡ của cô, hai đứa trẻ phát triển gần như bình thường. Giờ đây, một em đã có thể hòa nhập tốt với cộng đồng, một em đang học lớp 6 tại TP.HCM. Cô cho biết: “Trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ, tùy theo mức độ nặng/nhẹ mà kết quả giáo dục khác nhau: Một số trẻ  giỏi về một lĩnh vực nhất định như hội họa, ngoại ngữ, âm nhạc,… có thể tiếp tục đến trường học như những đứa trẻ bình thường. Một số trẻ khác chỉ dừng lại ở mức tự lập chăm sóc bản thân. Khả năng bé trai mắc bệnh nhiều hơn bé gái, nhưng nếu bé gái bị bệnh sẽ nặng hơn bé trai, và thường có xu hướng đần độn”.


Bé Q.M được phát hiện bệnh sớm và trị liệu nên đang dần hòa nhập với mọi người.

Sau khi nghiên cứu chữa trị cho con người bạn, cô Minh Nguyệt nhận ra rằng, ở Việt Nam có rất ít bác sĩ yêu thích chuyên ngành về tự kỷ. Từ đó cô quyết tâm nghiên cứu mở lớp tư vấn, giáo dục, trị liệu cho trẻ tự kỷ. Cô Nguyệt chia sẻ: “Trẻ tự kỷ phát hiện càng sớm càng tốt, nếu dưới 3 tuổi khả năng hòa nhập của trẻ rất cao, 7 tuổi trở lên thì rất khó khăn vì não đã gần như phát triển hoàn thiện. Như vậy, nếu thấy dấu hiệu hoặc nghi ngờ, cha mẹ nên đưa con mình đi kiểm tra để kịp thời chữa trị”.

Nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ một phần là do bất ổn gen, một phần có bất thường khi hình thành từ não ở giai đoạn thai nhi. Bệnh không thể điều trị khỏi hẳn mà phải giáo dục các kỹ năng để trẻ có thể phát triển tốt, hòa nhập với bạn cùng trang lứa. Việc giáo dục, trị liệu cho trẻ tốt nhất là có sự phối hợp giữa trường học và gia đình.

Cô Nguyệt xúc động: “Tôi nhớ mãi lúc điều trị  cho một bé trai 3 tuổi, chưa biết nói, chỉ biết lết chứ chưa đi được, mắt bé rất “vô hồn”, không muốn tiếp xúc với ai ngoài mẹ. Tôi phải dùng mọi cách để tác động phản ứng, gây chú ý cho bé, nhưng bé giống như một con búp bê vô cảm trước mọi thứ. Một thời gian dài tôi chơi với “con búp bê” ấy, tập vật lý trị liệu và cho bé chơi những giáo cụ của Montessori. Sau 9 tháng trị liệu, bé đã biết đẩy ghế tự đi. Một hôm, khi giáo viên bên cạnh hướng dẫn một bé khác về màu sắc, cậu bé nhìn qua rồi đọc rõ to “xanh, vàng,…” trên bảng màu. Tôi vỡ òa hạnh phúc ôm chặt bé vào lòng"

Chị Đ.H.T (29 tuổi, Q. Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi thường “mắng  vốn” cô Nguyệt vì sau một thời gian dài gửi bé cho cô mà bé nhà tôi không thấy khá hơn, những lúc đó, cô đều nói với tôi “em phải kiên nhẫn, bé mới tiến bộ” kèm theo ánh mắt quyết tâm mãnh liệt. Tôi tự nhủ, cô ấy chỉ là người giúp đỡ mà tin tưởng con tôi như thế, tôi là mẹ, tôi phải lạc quan hơn. Sau 2 năm kiên nhẫn, lúc lau nhà, tôi để con trong nôi, thì bất chợt bé gọi “mẹ… mẹ…” như không tin vào tai mình, tôi đứng lặng nhìn, rồi ôm con vào lòng bật khóc thành tiếng, hình ảnh xuất hiện đầu tiên trong tôi là ánh mắt kiên định của cô Nguyệt”.

Trẻ em sinh ra tất cả đều đáng yêu, và đáng được tôn trọng. Đối với trẻ bình thường là thế, đối với trẻ không may bị tự kỷ thì càng đáng được hưởng sự công bằng. Các bậc cha mẹ không chấp nhận bệnh tự kỷ để kịp thời chữa trị cho bé là một sự bất công rất lớn với cuộc sống của trẻ. Họ sợ người khác biết con mình mắc bệnh nên thường “giam lỏng” bé ở nhà, hoặc dối lòng mình, gửi con vào những trường dành cho trẻ bình thường. Ở đây không có điều kiện chăm sóc đúng cách, cũng không có một môi trường giáo dục riêng biệt. Giáo viên phụ trách trên 20 học sinh đã quá sức nên nhiều lúc sẽ bỏ mặc trẻ, bạn bè trêu ghẹo, từ đó bệnh càng nặng hơn và không thể cải thiện được.


B.A. vẫn còn rụt rè nhưng đã có nhiều phản ứng lạc quan hơn.

Cha mẹ nghĩ rằng sẽ theo con đến hết cuộc đời, nhưng chỉ là hết cuộc đời họ, còn cuộc sống của con khi họ mất đi là gì? Là những chuỗi ngày thực sự bi kịch. Cô Nguyệt cho biết: “Đứng trước một đứa trẻ tự kỷ, đừng bao giờ nghĩ rằng không thể chữa trị. Tôi khuyên mọi người hãy tin vào sự cố gắng của con mình. Những đứa bé được sinh ra trên đời luôn cố gắng để thích nghi. Bé không tiến bộ là do mình chưa hướng dẫn bé cách mở cánh cửa tâm hồn non nớt ấy một cách đúng đắn, nên hãy luôn thật kiên nhẫn”.

Theo kinh nghiệm của cô Nguyệt, cách đơn giản để nhận biết bé có nguy cơ bị tự kỷ là: 3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng biết chỉ và lò dò tập đi, 12 tháng biết kêu cha gọi mẹ. Những mốc phát tiển này chậm hoặc không có thì phải đưa bé đi khám để được hướng dẫn trị liệu.

Khi bé bệnh, ngoài việc tin tưởng vào người điều trị, cha mẹ nên trị liệu cho trẻ ở nhà bằng cách thường xuyên nói chuyện với chúng, trị liệu cho trẻ mọi lúc, mọi nơi như: khi cho trẻ ăn thì nói “ăn”, khi đưa nước thì nói “uống”, khi tắm thì là “tắm”, mặc đồ là “áo”, “quần”… Ban đầu là những từ đơn, nếu trẻ thực sự chú ý thì mới thêm 2 đến 3 từ, cứ như thế kiên nhẫn đến khi trẻ nói theo mình.

Hơn 10 năm tâm huyết với việc chữa trị cho trẻ tự kỷ, cô Nguyệt sẵn sàng truyền lại kiến thức, kinh nghiệm của mình cho các bạn có nhu cầu. Cô Nguyệt chia sẻ: “Tôi muốn nói với các bậc cha mẹ rằng, bệnh tự kỷ không có gì đáng sợ nếu chúng ta hiểu rõ và chấp nhận nó để giáo dục con mình sớm nhất.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày