Tìm đến khu ổ chuột nằm giữa trung tâm TP Đà Nẵng vào một ngày hè nóng như chảo lửa, càng đi sâu vào xóm “hộp diêm”, chúng tôi càng cảm thấy sự ngột ngạt, nóng nực đến khó tả. Chen chúc trong một khu đất chật hẹp được ngăn cách với hàng cá của chợ Cồn là những căn nhà “siêu mỏng” liền kề nhau với diện tích chỉ từ 2 đến 10m2. Trong khu ổ chuột này hầu như không có ánh sáng, trừ những lúc bật đèn điện, bởi phần không gian phía trên được các hộ dân tận dụng tối đa để làm gác lửng lấy chỗ sinh hoạt.
Bước chân vào con hẻm sâu hút rộng chừng 1 mét ở tổ 10, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một chiếc giường nhỏ kê sát hông phía bên trái đường. Chiếc giường này là nơi trú ngụ của cụ bà Nguyễn Thị Thi (83 tuổi). Cụ Thi cho biết, cụ về làm dâu ở khu ổ chuột này đã hơn 50 năm nay, cụ có căn nhà rộng gần 8m2 nhưng từ ngày 2 đứa con trai lập gia đình, cụ quyết định ngăn đôi nhà ra chia cho 2 con, còn mình dọn ra đầu hẻm ở tạm gần 3 năm nay.
, bà cụ chia sẻ.
Cởi bỏ lớp áo khoác bên ngoài để xua bớt cái nóng như thiêu như đốt của xóm ổ chuột, chúng tôi ghé thăm chị Nguyễn Thị Xí (48 tuổi) ở phía cuối con hẻm. Căn hộ rộng 4m2 của gia đình chị Xí được xếp loại “hạng sang” nhất nhì cái xóm “hộp diêm” này khi có diện tích để xây một nhà vệ sinh nhỏ.
Thế nhưng, dù có nhà vệ sinh trong nhà nhưng gần 30 năm qua, 5 người trong gia đình chị vẫn phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng ở chợ Cồn. Bởi theo chị Xí, do nhà quá chật, bếp ăn, chỗ ngủ, nhà cầu đều tập trung cùng một chỗ nên cứ mỗi lần đi vệ sinh trong nhà xong thì mùi hôi thối lại bốc lên không thể chịu được…
Cám cảnh hơn, cách đây mấy năm, chồng chị không may qua đời, nhưng vì nhà quá chật không có chỗ đặt vừa quan tài nên gia đình phải mượn nhà cộng đồng để tổ chức tang lễ.
“Nhà đã chật nhưng tôi cũng ráng dành nửa mét để xây bức tường rồi đưa ống nước vào làm chỗ tắm cho các con gái. Mình già rồi sao cũng được chứ tội con gái, chẳng lẽ nó lại ra tắm ở chợ hay sao”, chị Xí giãi bày.
Căn nhà của chị Xí chỉ có 4m2 nhưng lại là nơi trú ngụ của 5 nhân khẩu. Nằm sát bên hông nhà chị Xí, chỗ tá túc của gia đình chị Nguyễn Thị Sáu (em dâu chị Xí) thậm chí còn thê thảm hơn. Căn nhà nhỏ xíu này là căn phòng “đa năng” vì tập hợp đủ các chức năng từ ăn, ngủ, nấu nướng, đến tắm giặt… của vợ chồng chị Sáu, vợ chồng con trai lớn và đứa con trai út.
Căn nhà chưa tới 3m2 chỉ vừa đủ để bố trí 1 cái tủ lạnh nhỏ, một cái cầu thang lên gác xép và một khoảng trống để mọi người nằm “ngủ quắp”. Ban ngày cả gia đình đều đi ra ngoài đường để tránh nóng và hít thở không khí bởi không ai có thể chịu đựng nổi cái nóng hầm hập của căn phòng khép kín này.
Vất vả hơn là cứ mỗi buổi tối, chị Sáu lại phải dọn dẹp tất cả đồ đạc vào góc bếp để có chỗ trống dưới đất cho hai vợ chồng chị và đứa con nhỏ ngủ, còn ưu tiên căn gác lửng làm “nơi riêng tư” cho gia đình con trai lớn.
Vì nhà vệ sinh không có nên tất cả mọi sinh hoạt, tắm giặt của gia đình chị đều diễn ra ở vòi nước ngay trước cửa nhà. Còn việc nấu ăn, sinh hoạt thường ngày diễn ra ở ngoài đường là chuyện quá thường ở cái xóm “hộp diêm” này.
“
Nhà nhỏ đến nỗi cả gia đình đứng vào là đụng mặt nhau thì lấy đâu ra chỗ để xây nhà vệ sinh, làm chỗ nấu ăn đàng hoàng. Khổ nhất là chỗ tắm giặt, đàn ông thì dễ, còn phụ nữ ban đêm mới dám ra tắm ngay vòi nước trước nhà”, chị Sáu cho biết.
Cám cảnh trong những căn nhà siêu nhỏCùng chung cảnh ngộ với gia đình chị Sáu, căn nhà của bà Trần Thị Bê (SN 1952) rộng khoảng 14m2 là chỗ tá túc cho hơn 10 nhân khẩu. Con cái của bà Bê đều làm nghề lao động chân tay nên cũng chẳng khấm khá gì, cứ thế gần 40 năm nay, cả gia đình ba thế hệ từ cha mẹ, dâu rể, con cháu của bà Bê đều sống chui rúc trong căn hộ bé tí này.
Tính ra trung bình mỗi người nhà bà Bê được ở 1m2, không đủ chỗ để mà ngủ đứng, thế nên cứ tối đến, các thành viên trong gia đình lại thay phiên nhau đi ngủ nhờ nhà người thân, bạn bè, thậm chí nhiều lúc mang ghế ra ngoài đường để ngủ…
“Cũng muốn có nhà rộng để ở thoải mái lắm chứ. Nhưng dân lao động nghèo, đến tiền ăn còn lo chưa đủ thì tiền đâu để thuê chỗ ở nên cả chục người già trẻ đều phải chấp nhận cảnh sống chui rúc như ri thôi”, bà Bê tâm sự.
Lúc chúng tôi đến thăm, con gái của bà Bê là chị Nguyễn Thị Hà Thu đang “ngủ ngồi” ngoài đường ở trước nhà. Vì con hẻm quá nhỏ nên chúng tôi phải đánh thức chị Thu dậy mới đi qua được. Thấy anh bạn đồng nghiệp của tôi có vẻ thắc mắc, chị Thu cười nhưng nụ cười méo xệch: “Trong nhà có còn chỗ nào đâu mà ngủ, với lại nóng như cái lò luyện đơn ai mà chịu cho nổi chứ…”.
Khi được hỏi người dân ở đây có tâm trạng như thế nào khi sắp được thành phố cho di dời về chỗ ở mới, chị Thu thật thà chia sẻ:
“Mừng thì mừng thật vì được thành phố tạo điều kiện cho ở nhà rộng ai mà không vui mừng, phấn khởi. Nhưng nói thật người dân ở xóm nghèo này đa số đều bám lấy khu chợ Cồn để kiếm sống. Khi chuyển đi nơi khác chưa biết sau này phải mưu sinh bằng nghề gì nên giờ họ cũng đang thấy lo lắm…”.Cách tổ 10 chỉ vài bước chân là tổ 11 (phường Hải Châu 2) nhìn bên ngoài có vẻ đỡ hơn vì con đường bê tông dẫn vào xóm cũng khá rộng, thế nhưng những căn nhà ở đây đủ kiểu to nhỏ và cũng không thiếu “hộp diêm” trên dưới 10m2.
Ngay đầu bãi giữ xe dẫn vào chợ Cồn là 2 căn nhà của chị em bà Phan Thị Mai và Nguyễn Thị Lài. Nói là nhà cho oai chứ thực ra chỉ là 2 túp lều được dựng lên bằng vài tấm tôn, vách gỗ tạm bợ.
Thế nhưng, ngót nghét cũng đã mấy chục năm nay, bảy nhân khẩu nhà bà Mai gồm 3 cặp vợ chồng và một đứa con gái út phải chen nhét trong căn nhà chưa tới 15m2 này. Chồng bà Mai là ông Nguyễn Văn Tân làm thợ thiếc, 2 con cũng lao động chân tay nên thu nhập gia đình bấp bênh, cô con gái út Nguyễn Thị Thảo Nguyên phải nghỉ học ở lớp 11 và hiện cũng đang thất nghiệp.
Sát bên nhà bà Mai là căn nhà lụp xụp của bà Nguyễn Thị Lài (54 tuổi, chị dâu bà Mai). Căn nhà tồi tàn, lụp xụp được chắp nối từ những mảnh ni lông rách nát nhặt được ngoài chợ. Mái nhà chỉ có chiều cao chừng hơn một mét, được lợp bằng những tấm tôn cũ kỹ và đã xuống cấp nghiêm trọng. Do bị tai nạn nên bà Lài mắc bệnh khiếm thính. Hai người con trai của bà đã lớn nhưng một người phiêu bạt Sài Gòn kiếm sống, còn một người chưa tìm được việc làm. Nên hằng ngày bà Lài vẫn phải bươn chải kiếm sống bằng nghề lượm ve chai.
“Tôi ở đây cũng quen rồi nên mới chịu được chứ người lạ vào đây giỏi lắm nửa tiếng là chạy ra đường ngồi liền thôi. Chú thấy đó, trời nắng thì nóng như lò thiêu, còn những ngày mưa thì nước dột tứ tung, trong nhà mà ướt như ngoài trời. Chú không tin cứ ở thử một ngày rồi tự biết thôi”, bà Lài chia sẻ.
Không chỉ sống trong những căn nhà chật chội, nhếch nhác mà hàng chục hộ dân ở khu ổ chuột này còn phải chịu đựng nỗi khổ không có nhà vệ sinh trong nhà. Mấy chục năm nay, họ buộc phải bỏ tiền đi thuê chỗ tắm giặt, vệ sinh hằng ngày ở nhà vệ sinh công cộng của chợ Cồn cách đó khoảng 50m.