Mấy ngày gần đây, chùm ảnh về ông bố nghèo khó Trần Văn Tấn cùng hai cô con gái nhỏ mưu sinh trên đường phố Sài Gòn đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Người cha làm nghề dán điện thoại nhưng không quên việc chăm sóc hai cô con gái của mình.
Chúng tôi tìm đến nơi ba bố con sinh sống vào buổi chiều muộn, khi bố con anh vừa từ đường phố trở về, vẫn nhâm nhi ly rượu trên tay, anh Tấn kể về cuộc đời đầy buồn tủi của mình.
Cái kết buồn của chuyện tình “rổ rá cạp lại” Anh là Trần Văn Tấn (SN 1971, quê ở Suối Hiệp, Nha Trang), anh chị (không nhắc tên vợ - PV) gặp nhau lần đầu ở trại giáo dưỡng lúc anh đang cải tạo, rồi hai người dần mến nhau. Chị đã qua một lần đò nên khi anh mãn hạn, không hôn thú, hai người quyết định về sống chung với nhau trong một căn phòng nhỏ thuê ở quận 2, TP.HCM. Thế nhưng, khi con gái thứ hai mới chập chững, chị lại bỏ theo người đàn ông khác. Từ đó đến nay, anh Tấn và hai con gái
là Trần Thảo Tuấn Huyền (Út Huyền, 6 tuổi) và Trần Cầm Thần Thoại (Út
Thoại, 7 tuổi) sống trong cảnh màn trời chiếu đất, không giấy tờ tùy thân, không nơi trú ngụ.
Anh Tấn thường tìm đến rượu để quên đi cuộc đời buồn tủi. Nhắc đến người từng đầu ấp tay gối, anh chua xót kể: “Từ ngày cô ấy bỏ đi với chồng mới, không quan tâm gì đến con cái, đùng một cái lại về giành nuôi con, tôi nhất quyết không cho. Cuộc đời tôi giờ cũng chỉ còn mỗi hai đứa nhỏ”.
"Ngôi nhà" của ba cha con anh Tấn với những đồ dùng đơn giản, cũ kĩ. Nơi ở của ba cha con anh hiện tại là một chòi nhỏ dựng trên khu đất trống của một công ty ven đường Nguyễn Hữu Thọ, gần chân cầu Rạch Bàng. Nói là chòi nhưng thật ra đó chỉ là một cái dù, xung quanh cột thêm mấy tấm màn để che nắng che mưa. Một chiếc ghế sô pha cũ bị vứt đi cùng vài tấm ván được anh Tấn tận dụng xếp thành “giường”. Cạnh đó, một chiếc tủ để giữa trời dùng làm nơi đựng chén bát, nước uống. Nền nhà như một bãi rác mini.
Vừa dạy con học bài. Anh vừa tranh thủ dán điện thoại.
Cuộc sống nghèo khổ, cơ cực nhưng anh Tấn vẫn lấy 2 cô con gái để làm động lực cố gắng. Đã gần 4 năm nay, anh Tấn một mình kiếm kế mưu sinh, nuôi 2 cô con gái. Hằng ngày, từ sáng đến tối dù nắng hay mưa, anh vẫn ngồi lề đường, dán điện thoại cho khách. Nhớ lại những tháng ngày vất vả, anh nói: “Tôi đã qua không biết bao nhiều nghề, nhưng cuối cùng lại làm nghề này. Dán điện thoại thường một ngày được vài chục, có ngày đắt khách được vài trăm. Nhưng có hôm cũng không được đồng nào”.
Tương lai nào cho hai đứa trẻ?Nhìn hai cô bé khi nào tóc tai cũng rối bù, quần áo luộm thuộm ai cũng cám cảnh cho ba cha con. Nén đau thương, anh cố gắng thu xếp để vừa làm kiếm tiền vừa nuôi con nhỏ. Không có khai sinh cũng đồng nghĩa với việc Huyền và Thoại không được chích vắc-xin tiêm phòng theo tiêu chuẩn, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nhỡ con có ốm đau gì, anh cũng không biết phải làm sao.
Không giấy tờ, chính quyền địa phương cũng không thể giúp đỡ dù họ rất muốn. Huyền và Thoại cũng không thể đến trường tiểu học như bao đứa trẻ khác.
Nhiều người hảo tâm đã giúp đỡ gia đình 3 cha con.
Nhìn hai đứa con, không kìm được nước mắt, anh nói: “Nhờ cô giáo đến gọi, cả Út Huyền và Út Thoại đều đang học ở nhà tình thương. Hai chị em nó cũng từng bị mẹ nó bắt về, nuôi đâu không thấy, hai đứa nhỏ thế mà cô ấy bắt giặt giũ, làm việc nhà. Thấy vậy, tôi phải đem hai con về bằng được. Ở với tôi, chị em nó chưa phải làm việc bao giờ”.
Ở với anh Tấn dù không làm việc, nhưng nhìn 2 đứa bé mặt mày lấm lem, ăn ngủ ở nơi chẳng khác gì khu ổ chuột, ngập ngụa rác thải, mấy ai khỏi chạnh lòng. Nhiều người biết hoàn cảnh của ba cha con đã đến hỏi han, giúp đỡ.
Mong muốn giúp ba cha con anh Tấn có cuộc sống tốt hơn, nhưng anh Nguyễn Thái Tuấn Anh - Phó Giám Đốc nhà thiếu nhi quận 2 cũng nản lòng: “Thấy hai đứa nhỏ trạc tuổi hai đứa con ở nhà, tôi cùng vợ tìm đến đây, mong giúp cho ba cha con anh Tấn một chỗ ở miễn phí trong vòng một năm. Tìm cho anh một việc làm ổn định. Nhưng anh nhất quyết không chịu, chỉ muốn về quê ở Nha Trang”.
Nơi anh Tấn kiếm tiền nuôi con.
Các bé thích thú với những món đồ được tặng.
Lí giải việc từ chối, anh Tấn cho biết, do không có giấy tờ, sợ chính quyền sẽ không cho tạm trú. Hơn nữa, anh chỉ muốn đưa các con về quê, làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày. Nhiều người chứng kiến sự việc lắc đầu tự hỏi, sao anh Tấn lại từ chối cơ hội tốt như thế cho chính anh và hai đứa trẻ. Khi về quê, anh Tấn sẽ làm gì, vẫn cứ sống bấp bênh, chìm trong men rượu để quên sầu, rồi tương lai hai đứa trẻ rồi sẽ ra sao. Thế nhưng, dù mọi người khuyên nhủ thế nào, anh Tấn vẫn không thay đổi ý định.