Hơn 6 năm nay, căn chòi xập xệ nằm khuất sâu trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) vẫn là chốn đi về bình yên nhất của bốn mẹ con chị Liên ở Sài Gòn. Giữa không gian im ắng đến lạnh người của buổi chiều tà trong nghĩa địa, chị Liên rưng rưng kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng đã qua.
Căn chòi nơi bốn mẹ con chị Liên đang ở tại nghĩa trang lớn nhất Sài Gòn.
Hơn một năm đi tìm chồng trong vô vọng
Chị Kiều Thị Ánh Liên sinh năm 1973, tại Bình Phước. Sáu năm trước, sau một biến cố gia đình, người phụ nữ này đã liều lĩnh quyết định rời khỏi quê nhà để lên thành phố tìm tương lai cho đàn con nhỏ.
Chị Liên đã liều lĩnh dẫn 3 người con lên thành phố với mong muốn con cái được đi học con chữ và sẽ có một tương lai tươi sáng hơn.
"Năm 20 tuổi, tôi quen anh H.M.T (Trà Vinh). Thời đó anh lên Bình Phước làm thuê và chúng tôi gặp rồi yêu nhau. Cả hai bên gia đình đều nghèo, nên không làm lễ cưới cầu kỳ, cũng không làm giấy đăng ký kết hôn, chỉ ra mắt gia đình hai bên rồi về sống chung" – chị Liên bùi ngùi nhớ lại ngày đầu hôn nhân.
Cuộc sống tuy vất vả nhưng cả hai vợ chồng đều luôn cố gắng làm thật nhiều để thoát nghèo. Thế nhưng, con cái ngày càng đông, kinh tế lại làm mãi không thấy phát triển. Dần dần anh T. cảm thấy chán nản.
Chị Liên kể: "Sau khi sinh đứa con thứ ba được 6 tháng, tôi cảm nhận rõ sự bất mãn của anh ấy về cuộc sống của gia đình, nhưng vẫn cố gắng động viên để vợ chồng cùng thay đổi số phận. Thế mà…"
Một buổi chiều nọ, sau khi từ chỗ làm về nhà, chị Liên được hàng xóm báo cho hung tin là chồng chị đã bỏ nhà ra đi. "Tôi vội bồng con chạy trong đêm, đến từng nhà người quen để tìm anh, nhưng họ đều không biết anh đi đâu" – chị kể.
Như mất đi một điều gì đó quan trọng trong cuộc đời, chị Liên trở nên mất phương hướng. Đó là những ngày tháng chị khóc hết nước mắt, lang thang tìm chồng với hi vọng mong manh sẽ gặp lại anh. "Sau một năm dài như người vô hồn, tôi nhận ra tất cả hi vọng đã tắt. Anh và tôi không cãi nhau, không mâu thuẫn, anh đi vì muốn tìm tương lai khác tươi sáng hơn. Và tôi không hề trách anh vì điều đó…".
Bữa cơm tối đạm bạc của gia đình chị Liên.
Không nỗi sợ nào bằng nỗi sợ con mình đói khát
Nhìn ba đứa con thiếu ăn thiếu mặc, chị Liên đau xót vô cùng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị quyết tâm dẫn con lên thành phố tìm kế sinh nhai. Mặc cho gia đình ra sức ngăn cản, vì Sài Gòn là nơi phức tạp, chị Liên sức khỏe yếu, ba đứa con còn quá nhỏ, làm sao có thể trụ nổi ở mảnh đất ấy.
"Dù thế nào tôi cũng phải đi. Cũng sợ những rủi ro, nguy hiểm ở thành phố, nhưng nhìn các con đói khát, tôi nhất định phải đi để tìm tương lai cho tụi nhỏ" – chị Liên tâm sự.
Ngoài giờ làm việc, chị Liên thường nhận thêm các công việc khác để kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học.
Cuối năm 2009, bốn mẹ con chị dắt díu nhau lên Sài Gòn, bước vào cuộc hành trình đầy gian truân. Do không đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà, mẹ con chị Liên vất vưởng ngoài vỉa hè. May mắn gặp được chị Tư Phấn, họ đã nhận được sự giúp đỡ từ người phụ nữ này.
"Thấy bốn mẹ con tội nghiệp nên chị Tư Phấn đã đưa chúng tôi về căn chòi trong khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa rồi giúp đỡ tôi tìm công việc để kiếm thu nhập" – chị Liên nhớ lại.
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa là nơi ở của bốn mẹ con chị Liên.
Lúc mới về ở trong căn chòi này, bốn mẹ con đều rất sợ. Hằng ngày phải đi thắp nhang cho từng ngôi mộ để xin phép các vong linh được tá túc trong nghĩa trang một cách bình yên. Dần dần rồi quen, không còn cảm giác sợ nữa.
Ở lâu nên các con chị Liên cũng quen dần với không khí nơi đây.
Thậm chí chúng còn tận dụng nhiều ngóc ngách trong nghĩa trang để làm nơi vui chơi hay học bài.
Hiện tại, chị Liên đang làm lao công trong trường tiểu học gần nghĩa trang. Con trai lớn của chị là Kiều Minh Được (18 tuổi) hiện đang học lớp 8 tại trung tâm giáo dục thường xuyên quận Tân Phúc. Hai em Kiều Minh Vũ (15 tuổi) và Kiều Minh Tuấn (8 tuổi) thì đang theo học tại trường tình thương.
Ngoài giờ học, các em luôn biết phụ mẹ làm các công việc gia đình.
Em Kiều Minh Được tuy mắc phải căn bệnh nhược thị, khiến con mắt bên phải của em không nhìn được rõ, nhưng em luôn cố gắng học tập thật chăm chỉ để mẹ vui.
Gần 6 năm ở đây, cuộc sống có cải thiện hơn trước, nhưng vấn đề lớn nhất mà mẹ con chị gặp phải bây giờ là nghĩa trang Bình Hưng Hòa đang chuẩn bị giải tỏa. Nhiều lần ban quản lý đã đến gặp chị yêu cầu di dời đi nơi khác, nhưng chị vẫn chưa đủ khả năng để tìm một nơi tốt hơn. Chị tâm sự: "Căn chòi tuy đã xuống cấp, nhiều đêm mưa lớn, mấy mẹ con phải chạy ra nhà mồ để trú mưa, vì sợ sập chòi. Nhưng nếu không ở chỗ này, chúng tôi biết sống ở đâu?..."
Nhiều người nhắc đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa như một nơi đáng sợ nhưng với mẹ con chị Liên, đây là vùng đất bình yên nhất.