Như tin đã đưa, chiều ngày 12/6,
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45 – Bộ Công An) chính thức cho biết, đơn vị đã thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Trần Thị Hương Giang (37 tuổi), trú tại đường La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội theo điều 258 Bộ luật hình sự về hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook với nick name Huyen Nguyen, Tuyết Anh Trần để đăng các bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Theo đó, cuối năm 2014, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số nick name Huyen Nguyen; Thánh Cô Cô Bóc; Tuyết Anh Trần; Minh Minh Phan…Các nick name trên tự thành lập ra cái gọi là “Tập đoàn Thánh bóc” trên mạng xã hội Facebook.
Công an đọc lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Trần Thị Hương Giang.
Nhóm này liên tục đăng bài viết, hình ảnh nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xâm hại đến danh dự, nhân phẩm nhiều người, trong đó có các doanh nhân, văn nghệ sĩ nổi tiếng trong giới showbiz Việt như: Trương Thị Phượng, Vũ Khắc Tiệp, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, ca sỹ Hồ Ngọc Hà, người mẫu Trần Ngọc Linh Chi... Những thông tin đã gây thiệt hại về tinh thần, vật chất, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động kinh doanh của họ.
Ngoài ra, trong nội dung một số bài viết trên còn đe dọa đến sức khỏe, tính mạng hai con của doanh nhân Trương Thị Phượng, buộc bà Phượng phải thuê vệ sỹ bảo vệ 24/24.
Tại Cơ quan điều tra, qua đấu tranh khai thác, bước đầu Giang khai nhận “Tập đoàn Thánh bóc” trên mạng xã hội Facebook bao gồm nhiều cá nhân ở trong nước và cả ở nước ngoài.
Bản thân Giang sử dụng nick name là Tuyết Anh Trần, Huyen Nguyen trong “Tập đoàn Thánh bóc”. Quá trình sử dụng các Facebook này Giang đã đăng một số bài có nội dung bôi nhọ hình ảnh doanh nhân Trương Thị Phượng do mâu thuẫn cá nhân và thích nổi tiếng.
Liên quan đến vụ việc trên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Anh Dũng (Công ty luật Đại Phúc, Hà Nội) để hiểu rõ hơn vấn đề.
Thưa luật sư, theo điều 258 Bộ luật hình sự về hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng các bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác thì bị xử lý như thế nào? Khung hình phạt ra sao?
Bản thân điều 258 Bộ luật hình sự đã quy định rất rõ, "hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" là hành vi trái pháp luật hình sự và tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm do hành vi phạm tội gây ra người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Như vậy, nếu có đủ căn cứ chứng minh người phạm tội đã vi phạm quy định tại điều 258 Bộ luật hình sự thì cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả gây ra cho nạn nhân và cho xã hội để quyết định hình phạt. Trên thực tế đây là một điều Luật không dễ áp dụng cho các cơ quan tiến hành tố tụng vì điều Luật này chứa nhiều nội dung mà việc chứng minh thiệt hại và xác định tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội có thể thấy nhiều khi rất là khó hoặc dễ gây tranh cãi.
Trong một số bài viết lên mạng xã hội còn có nội dung đe dọa đến sức khỏe, tính mạng hai con của doanh nhân Trương Thị Phượng, buộc bà Phượng phải thuê vệ sĩ bảo vệ 24/24, vậy bị hại nên làm gì để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn cho bản thân?
Đối với những người bị đe dọa như vậy thì ngoài việc phải có biện pháp tự bảo vệ mình như một số người đã làm (thuê vệ sĩ) thì họ cũng cần phải kịp thời thông báo vụ việc tới cơ quan công an để các cơ quan này can thiệp và có biện pháp ngăn chặn đối với người đưa ra lời đe dọa. Người đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, sẽ phạm tội hình sự được quy định tại Điều 103 Bộ luật hình sự.
Từ vụ việc này, việc phát ngôn trên mạng xã hội nói chung phải thực hiện ra sao cho đúng pháp luật?
Việc phát ngôn nói lên quan điểm, suy nghĩ, nhận định của mình về một cá nhân, tổ chức nào đó không bị pháp luật ngăn cấm. Tuy nhiên, nếu như những phát ngôn này có nội dung xuyên tạc hoặc bôi nhọ danh dự, nhân phẩm nhằm xâm hại lợi ích của người khác sẽ là trái pháp luật. Vậy nên, mọi người khi sử dụng mạng xã hội bày tỏ quan điểm của mình cần phải lưu ý chứ không phải thích nói gì thì nói mà không cần biết đến việc những điều mình nói đúng hay sai, có căn cứ hay không.
Vâng, Xin cảm ơn luật sư!