Nhót đỏ, mận chát - Những thức quà đầu hạ nhiều người Hà thành yêu thích
Tháng 4 về, Hà Nội những ngày đầu hạ đã có nắng nhẹ và những chân trời xanh tuyệt đẹp. Trong những ngày như thế, dạo qua những góc phố nhỏ, người ta lại chợt thấy những gánh hàng rong xếp đầy nhót đỏ, mận chát - những thức quà đầu hạ mà người Hà Nội nào hầu như cũng thích mê.
Quả nhót có hình bầu dục, to bằng ngón chân cái, màu đỏ căng mọng được bao phủ bởi lớp phấn trắng.
Thứ nhót bày bán nơi vỉa hè Thủ đô hầu hết là giống nhót ngọt, dày cùi, ăn mềm và có vị chua ngọt đan xen.
Sắc xanh ngọc của những trái mận nhỏ xinh thật khiến người ta thấy nao lòng.
Mận xanh thường có giá từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg.
Món mận chát chấm muối ớt, chỉ nghĩ đến cũng làm nhiều người phát thèm.
Theo khảo sát của PV, tại các tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Thanh Niên, Thụy Khuê, Quán Thánh, Phạm Ngọc Thạch, Cầu Giấy... những hàng bán nhót, mận mọc lên san sát. Giá nhót bán lẻ thường dao động từ 100.000 đến 120.000/kg. Quả nhót khá mọng nước, 1kg tính ra cũng không được nhiều trái.
Cùng với nhót, mận chát cũng là thức quà mà nhiều người khó lòng bỏ qua. Giá loại quả này thường dao động từ 130.000 đến 150.000 đồng/kg. Trên phố cổ, khu vực Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào, giá nhỉnh hơn với mức khoảng 180.000-200.000 đồng/kg.
Những gánh hàng rong xếp đầy nhót tản đi khắp nẻo phố Hà thành.
Dù giá những loại quả này không rẻ nhưng người Thủ đô cũng chẳng lấy làm nề hà bởi mùa nhót, mận chát, quanh năm chỉ có một lần.
"Mình thích ăn mận vì vừa giòn, vừa chua dịu. Tuy nhiên, món này ăn nhiều không tốt nên cũng chỉ dám mua 5 lạng hoặc nhiều lắm là một cân. Cả vụ chắc chỉ mua một vài lần nên cũng không nề hà lắm chuyện giá cả", chị Bùi Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự.
Tương tự, anh Minh (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) chia sẻ: "Phố Nguyễn Chí Thanh đến mùa nhót thì đỏ rực vì hàng nhót bày bán nhiều làm mình không mua không được. Nhưng nhót không ăn được nhiều nên có mua mình cũng chỉ mua 20.000-30.000 đồng ăn chơi thôi".
Từ sự chênh lệch giá cả ở chợ đầu mối...
Theo khảo sát của PV, mặc dù giá bán lẻ nhót, mận trên phố khá cao nhưng ở chợ đầu mối, những thức quả này có giá khá rẻ với nhiều loại khác nhau.
Chị Phương, chủ một sạp hàng bán mận Sơn La tại chợ đầu mối Long Biên cho hay, giá loại quả này thường ở mức 70.000-80.000 đồng/kg.
Những rổ mận tươi, ngon được bày bán tại chợ đầu mối.
Theo chị Phương, mận chủ yếu được buôn từ Sơn La và Trung Quốc. Mận Sơn La loại đẹp thường bán hết ngay trong đêm, chủ yếu do các chủ sạp hoa quả lớn mua buôn. "Loại đẹp nhất mua chọn từng quả có giá là 110.000-120.000đồng/kg. Loại đẹp nhưng mua đổ đống giá chỉ 70.000-80.000 đồng/kg. Riêng loại mận Trung Quốc đóng thùng, 1 thùng khoảng 36-40kg, giá bán chỉ 50.000-55.000 đồng/kg", chị Phương nói thêm.
Thùng mận nhập từ Trung Quốc, giá chỉ khoảng 50.000 đồng/kg.
Khác với mận, nhót là loại quả được các tiểu thương tại chợ Long Biên buôn khá ít. Theo chị Hạnh, một người chuyên bán hoa quả tại đây, thức quà này chủ yếu được các hàng rong gom từ nhà dân để đi bán lẻ, số lượng không đáng kể. Trên chợ đầu mối ít khi buôn loại quả này vì dễ dập, nát. Thỉnh thoảng có xe hàng từ Phú Xuyên, Hoài Đức lên thì cũng hết ngay trong đêm. Giá quả này dao động từ 60.000 đến 70.000 đồng/kg".
Mặc dù giá bán buôn rất rẻ nhưng nhiều tiểu thương bán lẻ, chỉ vừa cất buôn từ trong chợ ra đến đầu cổng chợ đầu mối đã hét giá ít nhất từ 150.000/1kg mận Sơn La, ăn chênh lệch vài chục nghìn đồng.
1kg mận trong chợ, giá thường chỉ 70.000-80.000 đồng/kg. Tính ra với mức bán chênh lệch 80.000-120.000 đồng/kg, nếu một ngày bán được 15-20kg mận theo lời nhiều người chia sẻ thì số tiền lãi thu về cũng lên tới cả 1,2-2,4 triệu đồng tiền lãi. Đối với nhót, mức chênh lệch khoảng từ 30.000-50.000 đồng/kg, tính ra, mỗi ngày chỉ cần bán 15kg, các tiểu thương cũng thu lãi 350.00-750.000 đồng tiền lãi.
... Đến lời đồn bán nhót, mận thu lãi chục triệu/ngày
Thấy giá bán buôn và bán lẻ nhót, mận chênh lệch đến hơn 50% cộng thêm việc những thức quà này được nhiều người yêu thích, khi đi mua lại ít mặc cả, những người không làm nghề bỗng dưng đồn thổi bán nhót, mận chắc lãi to lắm. Lời đồn ngày một lớn và mới đây, ai đó còn lên mạng, chia sẻ câu chuyện nghe người ta kể rằng, nghề này đem lại doanh thu 10-15 triệu/ngày, trong đó, riêng tiền lãi đã chiếm 8-10 triệu đồng là chuyện bình thường.
Thực tế, có đi buôn mới thấu hiểu nỗi khổ của những người bán hàng rong. Chuyện đi bán hoa quả đầu mùa, có ngày đông khách, lãi 500.000 đến 1 triệu đồng là có thật. Thế nhưng, bù lại, những lúc mưa gió, vắng khách, "mài mặt" ngoài đường từ sáng đến tối, nhiều tiểu thương chẳng những không có lãi mà còn phải bù lỗ vài trăm nghìn.
Ngồi chán một chỗ, chị Tình phải gánh hàng đi bán rong để tìm khách.
Chị Nguyễn Thị Tình (Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội, chuyên bán nhót trên phố Nguyễn Chí Thanh) chia sẻ: "Nhót tuy được nhiều người thích nhưng mỗi người chỉ mua 2-3 lạng. Ngày nào bán đắt hàng thì từ sáng đến tối mới hết 15kg mà mỗi kg nhót, chỉ lãi khoảng 20.000-25.000 đồng". Trung bình, mỗi ngày đi bán nhót, chị Tình chỉ thu được 350.000-400.000 đồng tiền lãi.
"Như thế đã là cao lắm rồi. Ít ra cũng hơn ở nhà làm nông nghiệp", chị Tình nói thêm. "Tuy nhiên, mùa nhót ngắn ngày, chả bán được nhiều nên cũng không ăn thua bằng các loại quả khác".
Chị Tình tâm sự, nghề buôn nhót vừa ngắn ngày lại rất vất vả vì loại quả này dễ dập, nát.
Chị Vân, một người bán nhót cùng chị Tình, cho hay, nhót bán ở Hà Nội chủ yếu là do các thương lái ở mạn Trôi, Nhổn - Hoài Đức hoặc Phú Xuyên buôn lên. Loại quả này không để được lâu nên buôn bán dễ rủi ro hơn những thức khác. "Có hôm không bán được, nhót hỏng hết lại phải đổ đi, thua lỗ vài trăm nghìn/ngày là bình thường".
Nhót tuy nhiều người thích nhưng không phải lúc nào cũng đắt hàng. Nếu gặp khách, họ cũng chỉ mua lẻ vài ba lạng mà thôi.
Theo chị, loại quả này không được trồng bạt ngàn như các loại khác. Việc đi gom hàng cũng vất vả hơn, giá cũng cao, thường là khoảng 70.000 đồng/kg.
Chị Hoa (một tiểu thương bán mận trên phố Thụy Khuê) cũng tâm sự: "Mận chát tuy được nhiều người yêu thích nhưng món này người ta cũng chỉ mua vài lạng ăn chơi nên bán rất chậm".
Chị Hoa cho biết, lúc đông khách, mỗi ngày chị cũng chỉ bán hết khoảng 15-20kg mận.
Ngồi trò chuyện cùng chị Hoa, dù gần tiếng đồng hồ trôi qua, đúng lúc tan tầm cuối giờ chiều, phố Thụy Khuê đông người qua lại, chị Hoa đón khoảng chục lượt khách nhưng hầu hết chỉ mua 2-3 lạng đem đi. "Đông khách lắm mới bán được khoảng 3kg, mà con số đó phải nhiều người mua gộp lại. Lúc vắng khách hay những hôm mưa phùn như vừa rồi thì không được".
Ngoài ra, chị Hoa cũng than phiền chuyện khách hàng cứ vào mua là ăn thử. "Có người ăn từ lúc mặc cả cho đến lúc nổ máy xe đi tiếp. Tiền mận cho khách ăn thử, tiền muối ớt... không tính vào giá mận thì biết tính đi đâu".
Thức quả này chị Hoa thường nhập từ chợ đầu mối Long Biên, mỗi lần mua 40kg nhưng bán phải 3-4 ngày mới hết. "Trước đây khoảng 3 năm thì bán mận lãi lắm, ngày thu lãi hơn triệu đồng nhưng mấy năm nay kinh tế khó khăn mức lãi đó là quá khó".
Chị Hồng (một tiểu thương bán mận trên phố Quán Thánh) cho biết, giá nhập mận tại chợ đầu mối Long Biên khoảng 110.000-120.000 đồng/kg loại ngon. "Vì mình bán lẻ không ào ào được nên khi mua buôn cũng phải chọn từng quả, giá cao hơn rất nhiều. Ở chợ đúng là có loại 55.000 đồng/kg thật nhưng nếu bán lẻ loại ấy thì chắc không ai mua".
Khác với cánh bán hàng rong, các tiểu thương ở chợ Long biên thường bán hết khoảng vài chục cân mận một lúc.
Đồng tình với những ý kiến này, chị Phương, tiểu thương buôn mận tại chợ Long Biên khẳng định chuyện đi bán lẻ mà thu lãi cả chục triệu đồng/ngày là không thể. "Nếu lãi thế thì cánh bán trên chợ Long Biên này chắc đi bán rong hết. Bán rong hàng đi rất chậm nên thu hồi vốn rất lâu. Giá bán tưởng cao nhưng lại không ăn thua".