30 phút từ 4h đến 4h30 chiều hằng ngày là khoảng thời gian cụ Quách Thị Gái (ở ngõ Phát Lộc, phố Hàng Bạc, Quận Hoàn Kiếm, HN) vui nhất và mong ngóng nhất trong ngày. Đó là khoảng thời gian đã hơn 20 năm nay cụ kiếm tìm niềm vui tuổi già bằng việc rải bánh mỳ, chờ cá Hồ Gươm lên ăn. Cũng chừng ấy thời gian cụ nghe không ít lời vào ra của người xung quanh cho rằng việc cụ làm là rỗi hơi, vẽ chuyện hoặc nặng lời hơn là tuổi già lẩm cẩm. Thế nhưng, cụ chỉ im lặng, đã hơn hai thập kỷ trôi qua, không quản ngày mưa ngày nắng hay khi ốm đau đúng 4h chiều, cụ mang theo 3-4 túi bánh mỳ đã mua sẵn, ra bờ hồ Gươm, thả xuống đợi cá lên ăn.
Trong dòng người đông đúc trên bờ hồ, không dễ để bắt gặp cụ, bởi cụ đi rất nhanh và lặng lẽ. Chỉ đến khi có đám đông xúm lại chỉ trỏ dưới hồ thì mới biết cụ đang ở đâu. Trong đám đông đó, có người vui lây niềm vui của cụ, thích thú nhìn cá ngoi lên rỉa bánh mỳ, có người ngó qua rồi đi và cũng từng có người cản cụ, cho rằng cụ làm ô nhiễm môi trường, từng kéo cụ lên đồn công an.
Họ bảo rằng cụ cho cá ăn là vô ích, bởi từng ấy bánh mỳ cá ăn đâu cho đủ. Nhưng có lẽ không ai biết, đối với cụ cho cá ăn là niềm vui duy nhất mỗi ngày cụ có được. Ngày trước, cụ làm nghề buôn thúng bán bưng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm cho khách du lịch, ngày ấy tuy vất vả nhưng theo cụ là vô tư và trong trẻo. Cụ cùng 5 người bạn trạc tuổi nữa rong ruổi bán hàng xung quanh bờ hồ từ thời con gái đến khi già cả, chứng kiến bao đổi thay của xã hội và con người. 5 người bạn cùng thời đó đã mất, nay chỉ còn cụ ở lại một mình, cụ nói rằng xã hội ngày càng xô bồ, con người cũng xô bồ, cụ chỉ có cá làm bạn. Cụ cho cá ăn không phải là để cá no mà là để có cảm giác một chút kỉ niệm đẹp ngày xưa ùa về.
Cụ kể, hơn 30 năm trước, vào một buổi chiều ế khách, cụ ngồi ăn chiếc bánh mì cùng những người bạn, mắt nhìn xa xăm bỗng một mẩu bánh mì nhỏ rơi xuống hồ, ngay lập tức cá từ hồ ngoi lên ăn, rất vui mắt. Cụ và bạn bè cụ tíu tít, từ đó cứ mỗi buổi đi bán hàng quanh hồ cho đến nay, cụ luôn dành bánh mỳ để cho cá ăn.
Biết mình làm việc "khác người" nên cụ thường im lặng khi nghe ai đó nói về việc mình làm. Tuy nhiên, khi nhìn các em nhỏ xem cá lên ăn, cụ liền ôn tồn nói với các bé: "Ở dưới hồ nhiều cá lắm, không được thả rác làm bẩn Hồ Gươm đâu nhé, hồ bẩn là cá ốm đấy", giọng nói của cụ tuy không rõ nhưng ai nghe cũng thấy tha thiết. Cụ không nói những lời đó với thanh niên, người lớn tuổi khác bởi đã không ít lần khi vừa nói xong câu, ngay sau đó chỉ vài phút người đó đã vứt rác xuống hồ.
Dù không biết ngoại ngữ nhưng cụ vẫn cố gắng nói về việc làm của mình cho một vị khách du lịch hiểu rằng mình không làm ô nhiễm hồ, tầm chiều tối bánh mỳ đã được cá ăn hết
Tầm chiều tối bánh mỳ đã được cá ăn hết, cụ trở về nhà, chờ một ngày nữa trôi qua sẽ quay trở lại bờ hồ
Những ngày giáp Tết, nếu như mọi người dành tiền để mua sắm quần áo, đồ đạc để đón Tết thì cụ dành hết số tiền ít ỏi từ tiền trợ cấp người cao tuổi của phường để mua bánh mỳ. Căn phòng nhỏ chưa đến 8 mét vuông của cụ nằm sâu trong con ngõ Phát Lộc vốn đã chật hẹp, ẩm thấp nay lại treo đầy bánh mỳ để qua nhiều ngày. Thế nhưng, mua được thêm bánh mỳ nhiều bao nhiêu cụ mới yên tâm bấy nhiêu, cụ sợ Tết không ai bán bánh thì "cá lại chờ cụ, chờ nhiều hôm, dần cá bỏ đi".
Cụ Gái trong căn phòng chật hẹp của mình
Bánh mỳ được cụ mua treo dự trữ đầy nhà Hễ có tiếng rao bán bánh mỳ, cụ tất tưởi ra gọi mua Rồi buộc cẩn thận vào túi Treo lên tường
Biết việc làm của mình không được nhiều người chấp nhận, cụ nói cuộc sống xô bồ quá khiến cho con người dễ nghĩ việc cho cá ăn trở thành một việc làm kì quặc, rỗi hơi... Cụ mong rằng sau này, nếu ai đó cũng làm những việc như cụ thì sẽ được mọi người suy nghĩ thoáng hơn, ví dụ như hãy xem như việc cụ làm là yêu thiên nhiên chẳng hạn...
Nhiều người bảo rằng, ủng hộ việc làm của cụ khác nào cổ xúy cho việc thả cơm, bánh, bún xuống Hồ, cụ nói:"Mỗi người chọn một niềm vui. Cụ chỉ xin một góc Hồ Gươm để thả một chút bánh mỳ để tìm kiếm niềm vui, ngắm nhìn lũ cá... Đâu phải ai cũng như cụ, cô đơn tìm đến cá như cụ. Và bánh mỳ nếu có hãy dành để ăn, đừng lãng phí như cụ... Nếu ai cũng làm như cụ thì cụ phải tội với Hồ Gươm mất sao?"