Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Võ Hồng Như Ý – học sinh lớp 12A9 – trường THPT Mỹ Phước Tây – huyện Cai Lậy – tỉnh Tiền Giang là sự bình dị, nét lạc quan vượt lên sau bao nhiêu khó khăn. Hơn 9 năm cắp sách tới trường là chuỗi những ngày tháng phi thường, tự đấu tranh với những khó khăn, với sự nỗ lực không ngừng và tình yêu thương vô bờ bến của gia đình.
Võ Hồng Như Ý – cậu học trò nghèo bất hạnh với những nghị lực phi thường
Bất hạnh tìm đến cậu học trò nghèoChúng tôi tìm về căn nhà của em ở ấp 5A, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang qua lời kể của một cựu học sinh trường THPT Mỹ Phước Tây. Võ Hồng Như Ý là người con trai út trong một gia đình nghèo có đến 6 anh chị em. Gia đình em thuộc diện nghèo trong xã, không có ruộng đất để trồng trọt, chỉ có căn nhà tạm bợ dựng trên một mảnh đất nhỏ. Ba mẹ Ý phải đi làm thuê đủ mọi nghề để có tiền trang trải cuộc sống.
Năm 2005, khi Ý đang còn là học sinh lớp 3 – trường Tiểu học Phú Cường, bất hạnh ập đến với em và đè nặng thêm cuộc sống vốn đang rất khó khăn của gia đình. Chứng bệnh viêm tủy sống đã làm đôi chân của Ý yếu dần đi, mất khả năng đi lại rồi teo dần theo năm tháng.
“Hôm ấy cháu nó ngủ dậy, khi định đi vệ sinh cá nhân thì nó hốt hoảng gọi tôi "chân con làm sao đó, không đi được mẹ ơi". Tôi vội chạy lại xem và quyết định đưa cháu đến trạm y tế xã. Thấy bệnh tình nghiêm trọng, gia đình xin chuyển lên thành phố để điều trị cho cháu”, chị Phan Thị Hồng – mẹ của Như Ý chia sẻ.
Hơn 1 tháng Ý điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 – Tp.HCM, gia đình chị Hồng phải chạy vạy vay mượn số tiền không nhỏ để mong muốn lấy lại đôi chân lành lặn vốn có của em. Thế nhưng, bao nhiêu tiền của bỏ ra, bao nhiêu công sức chăm sóc em cũng không có hy vọng. Ý được đưa về gia đình để điều trị theo phương hướng nam y, điều trị tập luyện theo sự hướng dẫn của bác sĩ nhưng rồi cũng không mấy khả quan.
Thời gian đầu, mọi sinh hoạt hàng ngày của Ý, từ việc di chuyển cho tới việc vệ sinh cá nhân… đều phải cần đến sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.
Căn nhà nhỏ của gia đình em dựng tạm bợ, xơ xác bên con sông nhỏ
Cũng cùng năm ấy, sau khi bất hạnh ập đến với cậu con trai và gia đình, căn nhà chị Hồng đang dựng dở cũng chỉ cố được hoàn thiện theo cái cách mà anh chị nói là để có chỗ
“chui ra chui vô”. Bởi bao nhiêu tiền bạc của gia đình và vay mượn cũng đã đổ cả vào ca điều trị của Ý. Căn nhà tạm bợ dựng trên nền đất ấy xiêu vẹo, nền nhà như bãi bùn mỗi khi mưa lớn hay mỗi mùa nước lên. Thấy Ý ngồi và bò dưới nền đất ấy, mấy ông thầu công trình gần đó thương, cho gia đình toàn bộ số gạch hoa bị lỗi để gia đình tự lát nền cho khô ráo.
Đi lên bằng ý chí và thương yêuNói về Võ Hồng Như Ý, từ giáo viên, công nhân viên trường THPT Mỹ Phước Tây cho tới học sinh trong trường không ai là không biết đến em. Không những nể phục trước ý chí kiên cường, hiếu học của Ý mà tất cả còn nể phục hơn khi nhìn vào thành tích học tập đáng nể của em trong 2 năm qua. Nhiều năm liên tiếp, Ý luôn giữ được thành tích là học sinh Giỏi.
Cậu học trò học giỏi và nhận được sự quan tâm của tất cả thầy cô, bạn bè
Như Ý chia sẻ:
“Niềm vui lớn nhất của em là được tới trường học tập. Trong suốt thời gian qua, em luôn nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ phía thầy cô và bạn bè trong trường. Đó cũng chính là động lực để em cố gắng học tập hơn”.Hơn 9 năm thực hiện đam mê tiếp tục đến trường là những ngày tháng phi thường, tự đấu tranh với những khó khăn và sự nỗ lực không ngừng của Ý.
“Võ Hồng Như Ý luôn là học trò hiền lành, lễ phép và nhận được sự yêu thương của tất cả thầy cô và học sinh trong trường. Trong hai năm lớp 10 và 11, em luôn giữ thành tích là học sinh giỏi của trường với tổng điểm trên 9,3. Ngoài ra, em còn nằm trong đội đi thi học sinh giỏi cấp Tỉnh của trường”, thầy Phạm Minh Chung – Tổ trưởng tổ Giám thị trường cho biết.
Nhận thấy sự bất tiện của em trong việc đi lại và hoàn cảnh gia đình Ý thuộc diện khó khăn, Ban giám hiệu trường THPT Mỹ Phước Tây cũng đã tạo những điều kiện tốt nhất để em có thể an tâm học tập. Thầy Lê Công Tú – Phó Hiệu trưởng trường THPT Mỹ Phước Tây - cho biết:
“Nhận thấy điều kiện của Như Ý hết sức khó khăn nên BGH đã cử riêng một em để giúp đỡ Như Ý về việc đi lại trong trường. Về học phí, em cũng được thực hiện chế độ miễn giảm hoàn toàn”.
Hàng ngày, việc đón đưa Ý đến trường đều do mẹ em đảm nhiệm. Con đường từ nhà Ý tới trường dài hơn 3 km, đầy sỏi đá và quanh co. Khó khăn và bất tiện là thế nhưng chưa một lần nào Ý nghỉ học vì lí do cá nhân. Với em, tới trường là một niềm vui và học đường chính là con đường để em vượt lên chính mình.
“Đối với các bạn trong lớp, Ý luôn hết sức hòa đồng. Ý luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn trong lớp về việc học tập, bạn nào không hiểu thì bạn Ý tận tình chỉ lại. Như Ý khuyết tật cơ thể nhưng tâm hồn lại chưa bao giờ khiếm khuyết!”, em Lê Thị Ngọc Huế - lớp 12A9 chia sẻ.
Phía trước là chông gaiTừng đoạt giải môn Hóa học cấp huyện, nhưng Như Ý lại có một niềm đam mê Tin học. Em chia sẻ, nếu có thể, em mong muốn được học tập dưới mái trường ĐH Công nghệ Thông tin. Ước mơ là vậy nhưng phía trước em là hàng trăm những khó khăn.
“Nhiều lúc sang chơi, thấy mỗi người một việc, thằng bé (Như Ý) chăm chăm vào mấy cuốn sách mà tội nghiệp. Hiền lành, học giỏi nhưng cái số lại không được may mắn. Không biết mai này cha mẹ nó yếu đi, thì ai sẽ là người chăm sóc nó?”, chị Nguyễn Thị Hồng Hoa – hàng xóm của gia đình Như Ý tâm sự với chúng tôi.
Cha của Như Ý là công nhân kho lúa Trung tâm nông sản Phú Cường, còn mẹ làm tạp vụ ở UBND xã Phú Cường. Cả hai người làm quần quật cả tháng may ra đủ tiền chi tiêu cho cả nhà. Khó khăn lại càng khó khăn nhưng chưa một lần anh chị than vãn hay buồn rầu vì cậu con trai kém may mắn.
“Cháu nó cũng muốn học tập dữ lắm. Nhìn nó học ngày đêm, tự lên mạng mày mò thêm sách tham khảo để học, tôi và cha nó không nhẫn tâm cho nó nghỉ học. Chúng tôi còn làm được ngày nào thì sẽ cố lo cho nó ngày đó. Đến khi không thể làm được gì nữa, dù có đi ăn mày, tôi cũng cố lo cho nó”, chị Hồng nghẹn ngào chia sẻ.
Ước mơ muốn thay đổi định mệnh là một chuyện, còn việc thực hiện được hay không thì không phải là chuyện dễ, nhất là với một chàng trai tật nguyền như Ý thì khó khăn càng gấp bội.
Những đồ đạc đơn sơ là toàn bộ tài sản bên trong ngôi nhà tạm bợ của gia đình Ý.
Chia tay em, chúng tôi ra về mà thấy nghẹn nghẹn nơi lồng ngực. Hình ảnh cậu học trò nghèo với đôi chân tật nguyền nhưng vẫn cố gắng vươn lên bằng tất cả sự đam mê và lạc quan cứ ám ảnh chúng tôi. Cuộc sống sau này của em chắc chắn sẽ còn rất nhiều những khó khăn, thiếu thốn và một ước mơ không biết có thể thành sự thật hay không.