25 điểm mới đỗ khối C, TS Lê Đình Nghị: "Cảm giác có sự bất ổn"

Báo Phụ nữ TP HCM, Theo 15:20 12/08/2015

"Chúng tôi không thấy vui mừng vì điểm theo tổ hợp C00 của thí sinh cao như vậy mà cảm giác có sự “bất ổn”, TS Lê Đình Nghị cho biết.

Chiều 11/8, ngay sau phát ngôn của PGS Văn Như Cương "Kỳ thi THPT Quốc gia thất bại hoàn toàn", PV Báo Phụ nữ TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện với đại diện phát ngôn trường đại học Luật Hà Nội, TS Lê Đình Nghị, trưởng phòng đào tạo.

Từ những chia sẻ của thầy đã minh chứng cho những bất cập đang đổ lên đầu các trường đại học, các thí sinh nói chung và đại học Luật nói riêng qua việc thực đề án THPT Quốc gia trước đó.

Trường đại học Luật chắc chắn không phải là trường hợp đặc biệt trong đề án THPT Quốc gia 2015 này.

1-ef173
Thầy Lê Đình Nghị, trưởng phòng Đào tạo Đại học Luật Hà Nội chia sẻ với PNO (ảnh Thanh Lam)

Thưa thầy, quá trình nhận hồ sơ xét tuyển của các trường đại học nói chung và Trường đại học Luật Hà Nội nói riêng tính đến nay đã được 11 ngày, trong 11 ngày ấy, đội ngũ cán bộ làm công tác nhận hồ sơ xét tuyển của Trường đại học Luật Hà Nội cảm thấy như thế nào ạ?

- Trên cơ sở kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường đại học Luật Hà Nội đã chuẩn bị tương đối tốt cho việc thu nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh.

Đây là năm đầu tiên thực hiện quy định mới về tuyển sinh đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chúng tôi chưa thể lường hết được những khó khăn trong quá trình tiếp nhận hồ sơ xét tuyển có thể xảy ra.

Vì vậy, ngay từ đầu chúng tôi đã rất cẩn trọng trong từng khâu, từng giai đoạn để thực hiện cho đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến công tác xét tuyển.

Quá trình nhận hồ sơ, rút hồ sơ xét tuyển có điểm gì đặc biệt tại trường đại học Luật Hà Nội?

- Khi mới bắt đầu lên kế hoạch tuyển sinh, chúng tôi dự đoán năm nay điểm trúng tuyển sẽ cao hơn mọi năm và chuẩn bị tâm lý đón tiếp thí sinh đến nộp hồ sơ.

Tuy nhiên tính đến ngày hôm nay, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường cùng với phổ điểm đang cao quá so với ước chừng trước đó, đặc biệt là điểm thi của tổ hợp khối C00 (Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử) nên chúng tôi có những băn khoăn nhất định.

Tính đến hết ngày 11/8/2015, số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển theo tổ hợp C00 (Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử) có tổng số điểm xét tuyển đạt từ 25,0 trở lên đã chiếm 630 thí sinh, thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất của tổ hợp này là 30,5 điểm.

Mọi năm điểm thủ khoa khối C của chúng tôi thường khoảng 25 - 26 điểm, việc thí sinh năm nay có thể 25 điểm (tính đến thời điểm ngày 11/8/2015) mới “an toàn” để vào được trường là một biến động to lớn với chúng tôi.

Chúng tôi không thấy vui mừng vì điểm theo tổ hợp C00 của thí sinh cao như vậy mà cảm giác có sự “bất ổn” (TS nhấn mạnh).

Thầy có thể nói rõ hơn về sự lo lắng ấy?

- Điều đáng nói là sau khi rà soát hồ sơ thí sinh thì hầu như những thí sinh này đều không ở các cụm thi do các trường Đại học tại Hà Nội chủ trì mà do các cụm thi ở các Trường Đại học trên địa bàn địa phương khác chủ trì.

Điều này khác hoàn toàn so với mọi năm (mọi năm số lượng thí sinh thuộc khu vực 3 (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng) đỗ khá nhiều. Tính đến thời điểm hiện tại, thí sinh đăng ký theo tổ hợp C00 tại khu vực Hà Nội, Hải Phòng… đạt ngưỡng điểm “an toàn” để có thể vào Trường rất ít, lác đác vài thí sinh.

Tiếp tục đi sâu hơn khi kiểm tra kết quả thi THPT Quốc gia của thí sinh lại làm chúng tôi lo lắng hơn. Những năm trước, các thủ khoa của chúng tôi thường có hồ sơ “rất đẹp”: 12 năm liền là học sinh giỏi, thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả rất cao... các học sinh khác cũng có “hồ sơ” khá yên tâm.

Khác với năm nay, điểm thi tốt nghiệp THPT của nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển theo tổ hợp C00 “rất tệ” ở các môn Toán, Ngoại ngữ, nhiều em chỉ đạt 1,5 – 2 điểm/1 môn.

Vì những lý do trên, chúng tôi vô cùng lo lắng đến chất lượng tuyển sinh và đang có những kế hoạch nhất định để làm sao có thể chọn được sinh viên vào Trường với chất lượng tốt nhất.

2-ef173
Không chỉ các trường đại học mà các thí sinh và PHHS cũng đang vô cùng lo lắng (ảnh minh họa)

Khó khăn các trường Đại học đang gặp phải trong quá trình xét tuyển?

- Chúng tôi đang cố gắng hết sức. Trong quá trình xét tuyển chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.
Như mọi năm tất cả quá trình chấm thi lên điểm, thông báo kết quả chúng tôi chỉ mất khoảng 15 ngày để thực hiện, nhưng năm nay mất những 28 ngày (trong đó, 3 ngày trước khi nhận hồ sơ, 20 ngày tổ chức thu hồ sơ, và dự tính 5 ngày cho kế hoạch lên phương án và công bố điểm trúng tuyển, sau đó mới đến công đoạn gửi Giấy triệu tập học).

Trong 28 ngày đó tính đến nay, ngày nào cán bộ Phòng Đào tạo và một số cán bộ của các đơn vị chức năng có liên quan cũng làm việc hết sức căng thẳng từ sáng đến tối.

Không chỉ vậy, chúng tôi cũng nhìn thấy rõ rệt những khó khăn mà phụ huynh học sinh và thí sinh đang phải vượt qua, nhất là đối với những thí sinh vùng sâu vùng xa, không có điều kiện ngồi mạng internet để theo dõi mỗi ngày.

Vì vậy, mỗi ngày chúng tôi đều phải bắt đầu làm việc từ 7h sáng đến tận 7h tối mới nghỉ vì lý do phải luôn cố gắng cập nhật kịp thời điểm cho thí sinh, cũng như giúp đỡ tận tình cho các thí sinh ở xa đến nộp, rút hồ sơ trong ngày.

Vậy, chúng ta có thể làm gì sau đó hay không thể làm gì được nữa?

- Bây giờ thì chúng tôi không thể làm gì khác, phải tuân thủ theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo. Những bất cập này chúng tôi không lường trước được.

Chúng tôi có một bộ phận túc trực kịp thời để giải quyết vấn đề rút - nộp hồ sơ nhanh gọn và thấu đáo, vì chúng tôi hiểu “nỗi vất vả” của thí sinh.

Còn riêng đối với Trường đại học Luật Hà Nội, chúng tôi sẽ có phương án kiểm soát chất lượng đầu ra một cách chặt chẽ.

Cảm ơn thầy vì những chia sẻ kịp thời trên!
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày