Ngày 14/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức 1 cuộc họp khẩn cấp về dịch đậu mùa khỉ trong bối cảnh lo ngại rằng 1 chủng virus nguy hiểm hơn, nhánh Ib, đã có mặt tại 4 tỉnh thành chưa từng ghi nhận ca bệnh nào tại châu Phi. Trước đó, chủng này đã lưu hành tại Cộng hoà Dân chủ Congo.
Các chuyên gia độc lập trong Uỷ ban khẩn cấp của WHO đã có cuộc họp trực tuyến nhằm đánh giá và tham vấn cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Sau cuộc họp, Tổng giám đốc WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC)- mức báo động cao nhất theo Điều lệ Y tế Quốc tế.
PHEIC là mức cảnh báo cao nhất theo Điều lệ Y tế Quốc tế (International Health Regular - IHR) với 3 yếu tố: là sự kiện bất thường, gây rủi ro về sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan dịch bệnh toàn cầu và đòi hỏi phải có đáp ứng phối hợp ở cấp độ toàn cầu.
Trước đó, vào ngày 13/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng trước sự bùng phát ngày càng nghiêm trọng của dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, hơn 17.000 ca bệnh và hơn 500 ca tử vong đã được ghi nhận tại 13 quốc gia ở Châu Phi, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi. Số ca bệnh nhiều nhất được ghi nhận tại Cộng hoà Dân chủ Congo với hơn 14.000 ca, trong đó có tới 96% các ca bệnh được phát hiện trong tháng này.
Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm từ động vật do virus gây ra, tức là bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người.
Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhưng ở một số người khác các triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hay biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch.
Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2-3 tuần.
Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục và/hoặc quanh vùng hậu môn.
Các tổn thương ngoài da có thể dao động từ một cho đến vài nghìn. Giai đoạn đầu, các tổn thương phẳng sau đó hình thành mụn nước, mụn mủ trước khi đóng vảy, khô lại và bong vảy, và hình thành một lớp da mới.
Người có các triệu chứng nghi của bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh đậu khỉ mùa cần chủ động liên lạc hoặc tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.