Chuyện gì xảy ra sau tuyên bố chính thức virus corona Vũ Hán là "mối lo toàn cầu" của WHO?

J.D, Theo Helino 11:09 31/01/2020

Ý nghĩa thực sự đằng sau lời thông báo ấy là như thế nào? WHO sẽ làm những gì sau đó, và các nước sẽ phản ứng ra sao?

Như đã đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới WHO, virus corona đã chính thức được tuyên bố là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC - Public health emergency of international concern), sau khi chứng kiến số người nhiễm bệnh tăng cao và vượt xa ra khỏi biên giới của Trung Quốc.

Ở thời điểm hiện tại, số các ca nhiễm bệnh phổi do virus 2019-nCov gây ra đã lên tới 9692 trường hợp, với 213 người đã tử vong, đồng thời xuất hiện ở ít nhất 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới - từ châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu và cả Trung Đông. Thậm chí tại Mỹ đã phát hiện trường hợp virus lây từ người sang người đầu tiên ngoài Trung Quốc.

Nhưng tuyên bố PHEIC của WHO để làm gì? Chẳng phải ở thời điểm hiện tại nhiều quốc gia đã hiểu được tầm nghiêm trọng của virus và có những biện pháp phòng ngừa khẩn cấp hay sao? Nếu nghĩ như vậy thì quả là bạn chưa thực sự hiểu về vấn đề này rồi, vì tuyên bố PHEIC của WHO mang đến rất nhiều ý nghĩa. Cụ thể như sau:

Đầu tiên, lệnh PHEIC cho thấy tình hình của dịch bệnh đang là thực sự nghiêm trọng ở quy mô toàn cầu. Nó cho phép WHO kêu gọi chính phủ các nước cùng phối hợp, hỗ trợ hết mức có thể về nhân lực, tài chính và các nguồn viện trợ cần thiết, và chính tổ chức sẽ đứng ra điều hành việc đó.

Thứ 2, bằng việc nhấn mạnh sự nguy hiểm của virus, lệnh PHEIC sẽ giúp thuyết phục các cư dân trên thế giới làm theo quy chuẩn chung về sức khỏe và giữ gìn vệ sinh cá nhân.

Thứ 3, thông báo PHEIC cho phép Ủy ban khẩn cấp WHO quyền được đề xuất tư vấn di chuyển cho các thành phố, khu vực và quốc gia có dịch. Được biết, quyền hạn này đã được áp dụng nhiều hơn kể từ đầu thế kỷ 21, khi dịch SARS lan ra 29 quốc gia và giết chết gần 800 người chỉ trong vài tháng.

Thứ 4, thông báo PHEIC sẽ cho phép WHO gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hãng hàng không, bao gồm cả những hãng lớn nhất thế giới như Emirates, Etihad và Qatar. Trên thực tế từ khi dịch bệnh nổ ra, nhiều hãng hàng không đã cắt bỏ các chuyến bay đi và về từ Vũ Hán. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số tỏ ra bất chấp bởi các chuyến bay tới Trung Quốc chiếm phần lớn lợi nhuận của hãng.

Thứ 5, WHO sẽ có thể xem xét, đánh giá phương pháp y tế công cộng của các quốc gia để đảm bảo tính khoa học khách quan trong đó. Chẳng hạn, nếu một quốc gia áp đặt lệnh hạn chế đi lại vượt quá khuyến nghị - như từ chối nhập cảnh cho một người, WHO có quyền yêu cầu họ chứng minh.

Thứ 6, tuy rằng các khuyến nghị PHEIC không mang tính chất bắt buộc, nhưng nó tạo ra áp lực khiến các quốc gia phải tuân theo lời tư vấn của WHO. Theo Rebecca Katz - giáo sư, giám đốc tại Trung tâm Khoa học và An ninh Y tế Toàn cầu ĐH Georgetown (Mỹ), nhiều quốc gia bị ràng buộc bởi Quy định Y tế quốc tế 2005 của WHO, và có thể gặp rắc rối với luật pháp quốc tế trong nhiều trường hợp.

Tham khảo: Washington Post

Chuyện gì xảy ra sau tuyên bố chính thức virus corona Vũ Hán là mối lo toàn cầu của WHO? - Ảnh 2.