Trang tin Sohu đăng tải, lăng mộ Tần Thủy Hoàng, nằm ở phía bắc núi Ly Sơn thuộc huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ bậc nhất lịch sử Trung Hoa, luôn là đề tài hấp dẫn giới khảo cổ bởi những bí mật chưa được hé lộ. Một hiện tượng kỳ lạ được phát hiện vào năm 2006, đó là vườn thượng uyển trên lăng mộ bất ngờ nở hoa giữa mùa đông lạnh giá, khiến các nhà khảo cổ học vô cùng phấn khích.
Theo "Cổ Phong Ngũ Thập Cửu Thủ", "Tần vương quét sáu nước, uy hùng nhìn non sông", câu thơ thể hiện khí thế ngất trời của vị vua đã thống nhất Trung Hoa, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước này.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, nằm ở phía bắc núi Ly Sơn thuộc huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. (Ảnh: Sohu)
Cũng giống như nhiều vị hoàng đế khác trong lịch sử, Tần Thủy Hoàng dành sự quan tâm đặc biệt cho lăng mộ của mình, một công trình kiến trúc đồ sộ được khởi công xây dựng từ khi ông mới lên ngôi.
Hàng vạn nhân công đã được huy động để xây dựng lăng mộ trong suốt nhiều thập kỷ, minh chứng cho tham vọng trường tồn cùng thời gian của vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa. Theo sử sách ghi chép, lăng mộ chứa đựng vô số báu vật quý giá.
Trong kiến trúc lăng mộ cổ đại Trung Quốc, địa cung là phần quan trọng nhất, nơi linh hồn của người đã khuất an nghỉ. Địa cung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được cho là có quy mô lớn nhất và thu hút sự quan tâm lớn nhất từ trước đến nay.
Địa cung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được cho là có quy mô lớn nhất và thu hút sự quan tâm lớn nhất từ trước đến nay. (Ảnh: Sohu)
Địa cung được xây dựng với độ sâu xuyên qua nhiều tầng nước ngầm. Quan tài của Tần Thủy Hoàng được cho là được đúc bằng đồng, bên trong địa cung chứa đựng vô số báu vật quý giá từ thời kỳ đầu Trung Hoa.
Sử sách "Hán Cựu Nghi" có ghi chép chi tiết hơn về địa cung của Tần Thủy Hoàng. Theo đó, sau khi nhà Tần được thành lập, thừa tướng Lý Tư đã báo cáo với Tần Thủy Hoàng rằng công trình lăng mộ do hàng vạn người xây dựng đã gần hoàn thành và được xây dựng theo đúng yêu cầu của hoàng đế. Tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng vẫn chưa hài lòng và ra lệnh tiếp tục đào sâu thêm 300 trượng (tương đương khoảng 700 mét). Điều này càng khiến cho vị trí chính xác của địa cung trở nên bí ẩn hơn.
Mười một năm trước, các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã sử dụng công nghệ viễn thám và thăm dò hiện đại nhất để nghiên cứu khu vực lăng mộ. Đây là một dự án tốn kém với việc sử dụng công nghệ lần đầu tiên được áp dụng ở Trung Quốc và lần thứ hai trên thế giới. Kết quả khảo sát cho thấy địa cung nằm ngay bên dưới gò đất, nhưng không quá lớn như ghi chép trong sử sách. Địa cung có hình chữ nhật với chiều dài và chiều rộng hơn 100 mét, độ sâu khoảng 40 mét.
Phần trung tâm của địa cung chính là khu mộ thất bí ẩn. Theo kết quả thăm dò, khu vực này có diện tích rất rộng lớn, được bao quanh bởi một lớp đá granit có mật độ dày đặc. Trong quá khứ, người xưa thường kiểm tra độ vững chắc của tường thành bằng cách dùng cung tên bắn vào. Nếu tường bị sụp đổ dưới sức công phá của cung tên thì coi như không đạt yêu cầu và phải xây dựng lại. Chính nhờ lớp tường đá granit kiên cố này mà lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn đứng vững sau nhiều trận động đất và không bị ngập nước.
Trong quá trình khảo sát, một chuyên viên đã phát hiện ra một hiện tượng kỳ lạ. Vào thời điểm đó, thời tiết đang là mùa đông lạnh giá, hầu hết các loài thực vật đều không thể sinh trưởng. Tuy nhiên, cây cối trên gò đất phía trên lăng mộ vẫn phát triển bình thường, thậm chí còn ra hoa. Khám phá này càng củng cố thêm cho nhận định của các nhà khảo cổ về vị trí chính xác của địa cung.
Cây cối trên gò đất phía trên lăng mộ của Tần Thủy Hoàng vẫn phát triển bình thường, thậm chí còn ra hoa. (Ảnh: Sohu)
Sau khi kiểm ra và phân tích, họ tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này là do đất bên ngoài gò đất không bị đào xới nên kết cấu và độ ẩm của nó vẫn được giữ nguyên. Trong khi đó, do ảnh hưởng của địa cung, kết cấu đất phía trên có sự thay đổi, tạo điều kiện cho cây cối phát triển.
Đây là một phát hiện quan trọng, tuy nhiên, việc khai quật địa cung vẫn chưa thể thực hiện. Công nghệ hiện nay vẫn chưa đủ hiện đại để đảm bảo bảo quản tốt nhất cho các báu vật bên trong địa cung. Bài học xương máu từ việc khai quật đội quân đất nung là một ví dụ điển hình.
Khi mới được khai quật, đội quân đất nung vẫn còn nguyên màu sắc. Tuy nhiên, do tiếp xúc với oxy, hiện tượng oxy hóa đã khiến màu sắc của chúng nhanh chóng bị phai mờ. Việc khai quật khi chưa có giải pháp bảo quản phù hợp sẽ gây ra những tổn hại không thể khắc phục đối với các di vật lịch sử quý giá.
Bài học xương máu từ việc khai quật đội quân đất nung là một ví dụ điển hình. (Ảnh: Sohu)
Hơn nữa, việc mạo muội xâm nhập địa cung có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Tần Thủy Hoàng là một vị vua quyền lực, không loại trừ khả năng ông cho đặt bẫy trong địa cung để bảo vệ lăng mộ. Điều này khiến các nhà khảo cổ học càng thêm thận trọng. Cuộc đời Tần Thủy Hoàng ẩn chứa nhiều bí mật lịch sử, và rất có thể lăng mộ của ông chính là nơi cất giữ lời giải đáp cho những bí ẩn đó. Tuy nhiên, với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay, việc khám phá địa cung vẫn là một thách thức lớn. Chỉ khi nào con người hiểu rõ hơn về vị hoàng đế này và có đủ khả năng để xử lý mọi tình huống có thể xảy ra, bí mật của lăng mộ Tần Thủy Hoàng mới có thể được hé lộ.
*Nguồn: Sohu, Sina