Những vị khách du lịch tới miền bắc Thái Lan thường không thể bỏ qua địa điểm du lịch nổi tiếng: những ngôi làng của người tị nạn tới từ Myanmar. Tuy nhiên, họ hay gọi nó bằng cái tên khác, vườn thú người.
Những ngôi làng như vậy đang thu hút ngày càng nhiều du khách nước ngoài muốn tận mắt nhìn thấy những người phụ nữ cổ dài Myanmar. Họ là những người tị nạn từ bộ lạc Kayah, phía bắc Myanmar. Không chịu nổi cảnh tượng chiến tranh và cuộc sống đói nghèo, họ đã vượt qua biên giới và sang Thái Lan kiếm tiền bằng cách trở thành "vật" trưng bày sống cho du khách tham quan.
Điều đặc biệt của những người phụ nữ này là chiếc cổ rất dài. Họ thường mang những chiếc vòng cổ rất to từ khi còn nhỏ với niềm tin rằng, nó sẽ giúp cổ họ trở nên dài hơn.
Những người phụ nữ có chiếc cổ dài do đeo những chiếc vòng lớn trong nhiều năm.
Vườn thú người tại Thái Lan
Những người Myanmar tới Thái Lan được công nhận là người tị nạn bởi chính quyền Thái Lan và sống trong những trung tâm dành cho người tị nạn tại Mae Hong Son, dưới sự bảo vệ của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn. Vì những người phụ nữ này đến từ Myanmar nên họ không được phép ra khỏi khu vực quản lý mà không có sự cho phép của chính quyền sở tại.
Thông thường, họ phải trả mức phí rất đắt, nhất là trong trường hợp muốn làm việc tại Bangkok, Thái Lan.
Các khách du lịch chụp ảnh tại vườn thú người.
Sự có mặt của những người phụ nữ này tại Thái Lan như một nhân tố tác động thêm đến nền công nghiệp du lịch đang bùng nổ tại quốc gia này. Những ngôi làng du lịch mọc lên và các du khách phải trả khoảng 10 USD (220 nghìn VNĐ) để được vào xem những người phụ nữ Kayah. Bạn có thể mua những món đồ trang sức thủ công hay chụp ảnh cùng những người phụ nữ tại đây.
Tuy nhiên, bên ngoài các thị trấn du lịch, cuộc sống của những người Kayah cũng rất vất vả; họ cũng phải chịu cảnh nghèo đói như bao người tị nạn khác trên toàn thế giới. Nhiều người đến làm việc tại các khu làng du lịch rồi ở lại đó luôn. Công việc chính của họ chỉ là ngồi cho khách du lịch xem và chụp ảnh.
Họ gần như trở thành vật trưng bày cho du khách tham quan.
Người dân tại làng Ban Huae Sua Tao không có điện vì chính quyền địa phương không muốn phát triển khu vực này nên mới để cho người tị nạn cư trú. Những người sống ở đây phải mua điện từ một thị trấn khác gần đó với chi phí cao hơn.
Tẩy chay du lịch?
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cho biết nhiều năm trước đây, cơ quan chính quyền Thái Lan đã từ chối để 20 người phụ nữ Kayah rời khỏi Thái Lan, mặc dù họ đã được nhiều nơi chấp nhận cho phép tị nạn tại Phần Lan và New Zealand.
Nhiều người cho biết chính quyền Thái Lan muốn giữ họ lại bởi vì những người phụ nữ này đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch địa phương. "Chúng tôi không hiểu tại sao 20 người phụ nữ này không được phép có một cuộc sống mới", theo đại diện khu vực của Cao ủy Liên Hợp Quốc, Kitty McKinsey.
Những ngôi làng của người Kayah tại Myanmar.
"Chính quyền Thái Lan đang đối xử với họ theo một cách "đặc biệt", trong khi 20,000 người Myanmar khác đã được cho phép di chuyển tới một quốc gia thứ 3", Kitty cho biết.
"Đây chắc chắn là một vườn thú người". Giải pháp duy nhất để việc này chấm dứt là du khách không nên tới những nơi như vậy nữa. Tại các khu làng như vậy, đa phần số tiền kiếm được đều rơi vào tay các công ty du lịch chứ không phải là người tị nạn Myanmar.
Tuy nhiên, trong khi chỉ có một số ít người tị nạn cảm thấy họ đang bị giam cầm ở đây, chính bản thân nhiều người Myanmar cũng không muốn đi. Họ cho biết rằng cuộc sống ở đây dù sao vẫn tốt hơn ở Myanmar, khi các con họ được tới trường và họ có nguồn thu từ khách du lịch với công việc đỡ vất vả như trước kia.
Nhiều người tị nạn không muốn rời khỏi Thái Lan vì cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tương lai cho những người phụ nữ cổ dài
Sau bao năm ròng tại Thái Lan, nhiều người phụ nữ Myanmar đã quyết định quay trở về quê hương tại bang Kayah, Myanmar. Họ muốn phát triển du lịch tại chính quê hương mình khi tình hình chiến sự và xung đột tại đất Myanmar đã không còn căng thẳng. Họ không muốn trở thành những thứ trưng bày trong vườn thú người tại Thái Lan mà muốn tự mình làm chủ các cơ sở du lịch.
Mu Par trở về nhà sau 14 năm làm việc và tích góp tiền tại Thái Lan. Giờ đây, cô đang mở những cửa hàng nhỏ bán đồ lưu niệm tại khu chợ truyền thống để giúp du khách hiểu hơn về nét văn hóa độc đáo của họ.
"Tại Myanmar, con tôi có thể đi học và chúng tôi vẫn được ở gần người thân, họ hàng", Mu Par cho biết. Những người phụ nữ như cô cũng có thể kiếm nhiều tiền hơn khi đất nước đang dần mở cửa và đón nhiều du khách hơn mỗi năm.
Giờ đây, chỉ còn lại những người già trong làng vẫn còn đeo những chiếc vòng cổ to nặng như vậy.
"Nếu chúng tôi có thể kiếm nhiều tiền từ du lịch, tôi hy vọng rằng những cô gái khác từ Thái Lan có thể trở về".
Không còn nhiều phụ nữ Myanmar giờ đây còn đeo những chiếc vòng cổ như vậy vì nó gây khó khăn cho họ trong việc nhìn thẳng. Các gia đình đôi khi cũng không có đủ tiền cho con cái mua những chiếc vòng làm thủ công đắt tiền như vậy còn các cô gái trẻ cho biết, rất khó cho họ có thể kiếm việc với thứ trang sức kia.
Các cô gái có thể bỏ những chiếc vòng ra khỏi cổ với sự giúp đỡ của các chuyên gia. Một thời gian ngắn sau, cổ và vai họ có thể trở lại bình thường, tùy thuộc vào độ tuổi của họ.
"Yêu cầu những người phụ nữ chụp ảnh và trả tiền giống như bạn đang đối xử với họ như những con thú", Phyoe Wai Yar Zar, một nhân viên du lịch Myanmar cho biết. "Thay vào đó, bạn có thể mua những món đồ thủ công của người dân tại đây như một cách để giúp đỡ họ".
Những người phụ nữ Myanmar đang muốn tự mình phát triển du lịch tại quê hương mình.
Một số hình ảnh khác về những người phụ nữ cổ dài Myanmar: