Những bức ảnh chụp từ thị trấn Longyearbyen xa xôi thuộc quần đảo Svalbard, Na Uy đẹp như phác họa từ truyện cổ tích. Nhưng đằng sau những bức ảnh đó là thứ luật lệ kỳ lạ mà 2.000 cư dân sống tại nơi này phải tuân theo – con người không được phép… chết ở đây.
Longyearbyen được coi là một trong những khu định cư ở cực bắc của thế giới và chính vị trí địa lý của nó đã tạo ra một loạt các thách thức cho cư dân trên đảo.
Cái chết đã trở thành điều cấm kị trên đảo này kể từ năm 1950, khi người ta phát hiện ra rằng các xác chết trong nghĩa trang địa phương không thể bị phân huỷ vì nhiệt độ quá lạnh.
Khí hậu của hòn đảo này đã trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết trong những năm 2000.
Các nhà khoa học đã khảo sát, khám nghiệm tử thi bị chôn vùi ở đó cùng thi thể của những người qua đời vì virus cúm năm 1917 – kết quả là, họ đã phát hiện ra một sự thật đáng kinh ngạc: Mẫu virus vẫn còn sống.
Và như vậy, cư dân nơi này đã sống cùng loại virus chết người ấy trong hàng thập kỷ mà không hay.
Bản đồ bán đảo Svalbard, Na Uy.
Nghĩa trang tại đây đã không còn chôn cất thêm thi thể mới vì lo ngại rằng bệnh tật sẽ lan rộng khắp hòn đảo, điều đó có nghĩa là ngay cả những người sống trọn cuộc đời trên hòn đảo này cũng không được yên nghỉ ở đây.
Mặt khác, những người đang mắc bệnh ở giai đoạn cuối sẽ được đưa ra khỏi đảo và bay hàng trăm dặm về phía đất liền, thủ đô Oslo. Đây cũng chính là nơi họ sống những ngày cuối cùng của cuộc đời trước khi nhắm mắt xuôi tay.
Svalbard không hề có nhà cho người già, cũng không có bất kỳ tổ chức nào được thành lập để chăm sóc cho người cao tuổi, vì vậy họ buộc phải được chuyển đi trước khi chết.
Jan Christian Meyer, thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, nói: "Nếu một người sắp qua đời, bằng mọi cách người đó sẽ được đưa tới đất liền"
Toàn cảnh thị trấn Longyearbyen từ trên cao.
Nhưng đó không chỉ là vấn đề duy nhất gây ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan cho cư dân trên đảo. Sinh hoạt hằng ngày cũng có nhiều khó khăn dở khóc dở cười, một trong số đó là việc phụ nữ không thể sinh con trên đảo do không có bệnh viện.
Hàng tuần, trước ngày hẹn khám thai định kỳ, họ phải bay tới đất liền để thăm khám và chỉ được trở về nhà sau khi sinh con được vài tuần.
Ở nơi đây, mỗi năm lại có vài tháng không có sự xuất hiện của ánh sáng mặt trời, từ bình minh cho đến khi hoàng hôn chỉ có bóng tối. Đó cũng là thời điểm xuất hiện nhiều gấu Bắc cực ngay bên ngoài thị trấn.
Hiện tượng cực quang ở Longyearbyen.
Mặc dù chính phủ đã cố gắng ngăn chặn các loài động vật hoang dã lang thang quanh khu vực dân cư, nhưng địa hình đầy tuyết thật khó có thể tránh được việc nhìn thấy gấu Bắc Cực.
Tuy vậy, "Cấm chết" không phải là quy định oái oăm duy nhất trên hòn đảo cực bắc này. Ngoài ra, mèo cũng là loài động vật bị cấm nhằm bảo vệ quần thể chim Bắc Cực hay khách du lịch phải đi chân trần không chỉ trong nhà của người dân, mà còn trong hầu hết các tòa nhà.
Luật pháp cũng hạn chế về lượng rượu mà người dân được phép mua hàng tháng bởi vì không giống như ở các khu vực khác của Na Uy, giá cồn trên đảo Svalbard rất thấp.
Chỉ những cư dân có công ăn việc làm mới được phép sống trên đảo này và ngoài ra, phải có đủ khả năng chịu đựng, các cư dân nơi đây mới có thể vượt qua hoàn cảnh sống khắc nghiệt như vậy.