Sắc Đạt (Larung Gar) là một huyện nằm ở phía Đông Bắc thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nơi đây được mệnh danh là “thánh địa Phật giáo Tây Tạng” và thu hút rất nhiều Phật tử hành hương mỗi năm.
Sắc Đạt sở hữu địa hình cao nguyên phức tạp cùng khí hậu khắc nghiệt với mùa đông kéo dài và giá lạnh, thường xuyên có tuyết rơi dày đặc. Mùa hè ngắn ngủi nhưng lại mang đến bầu không khí mát mẻ và trong lành. Tuy vậy, nơi đây sở hữu vẻ đẹp thơ mộng và cuốn hút bởi hệ sinh thái đa dạng với những đồng cỏ xanh mướt trải dài, những dãy núi hùng vĩ phủ đầy tuyết trắng cùng nhiều sông suối chảy quanh.
Nổi bật giữa cảnh quan thiên nhiên là một nền văn hóa rực rỡ sắc màu. Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, không chỉ là tôn giáo mà còn là lối sống, người dân dành rất nhiều thời gian cho việc tu tập và cầu nguyện.
Sắc Đạt có hơn 100 ngôi chùa trong đó nổi tiếng với Học viện Phật giáo Larung Gar - một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất thế giới. Các ngôi chùa được xây dựng theo kiến trúc độc đáo, phong cách trang trí sống động, tỉ mỉ mang đậm dấu ấn địa phương.
Cuộc sống bình dị của dân tộc Tạng dân gắn liền với thiên nhiên. Họ sống trong các ngôi làng nhỏ rải rác trên cao nguyên, chủ yếu làm nông, chăn nuôi và là thợ thủ công với các sản phẩm truyền thống như dệt thổ cẩm, chế tác đồ gỗ, chế biến sữa…
Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng người dân nơi đây luôn lạc quan, yêu đời và có tinh thần cộng đồng cao. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ lương thực, nước uống để vượt qua thời tiết khắc nghiệt, cùng nhau tham gia lễ hội, hát múa truyền thống, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống.
Vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng cùng văn hóa ấn tượng, Sắc Đạt là điểm đến mơ ước của nhiều tín đồ “cuồng chân”. Tuy nhiên, để đến đây phải trải qua rất nhiều trạm kiểm tra và đặc biệt là không mở cửa đón du khách quốc tế. Điều này được chính quyền thực hiện để bảo vệ vị trí địa lý đặc thù cũng như văn hóa Phật giáo đặc sắc của vùng đất này.