Máy giặt là thiết bị quen thuộc gần như có mặt trong mọi gia đình hiện nay. Thế nhưng thực tế, rất nhiều người trong chúng ta vẫn mắc những lỗi cơ bản mà không hề hay biết. Những lỗi này không chỉ khiến quần áo giặt không sạch, nhanh hỏng mà còn làm giảm tuổi thọ máy giặt, thậm chí gây ra hỏng hóc nghiêm trọng.
1. Cho quần áo vào sai cách
Bước đầu tiên khi giặt đồ là bỏ quần áo vào máy. Nhưng hóa ra chỉ riêng khâu này thôi đã có không ít người làm chưa đúng bởi vì bỏ quần áo vào máy giặt cần chú ý đến cả thể tích và trọng lượng.
- Cho quần áo quá nhiều: Với chất liệu nhẹ, ít thấm nước như tơ tằm, sợi tre, vải polyester… thì nên chú ý đến thể tích. Lượng quần áo trong máy không nên vượt quá 2/3 lồng giặt (máy lồng đứng) hoặc 1/2 lồng giặt (máy lồng ngang). Nếu quá đầy, máy không đủ nước để giặt sạch dẫn đến hiệu quả giặt giảm rõ rệt.
Với vải dày, nặng như sợi polyester dày, vải lanh, nylon… thì cần chú ý trọng lượng. Trên bảng điều khiển máy giặt luôn ghi rõ trọng lượng tối đa của quần áo khô bởi vì nếu vượt quá, không những không sạch mà còn dễ hỏng động cơ, giảm tuổi thọ máy.
- Cho quần áo quá ít: Quần áo trong máy nên chiếm ít nhất 1/3 lồng giặt (máy lồng đứng) hoặc 1/5 lồng giặt (máy lồng ngang). Việc chỉ giặt vài đôi tất hoặc một chiếc quần lót không chỉ tốn điện, nước mà còn giặt không sạch. Vì máy có mức nước tối thiểu, nếu quá ít đồ thì quần áo sẽ nổi lềnh bềnh, không được cọ xát hoặc va đập đủ để sạch.
- Pphân bố không đồng đều: Đặc biệt với máy giặt đứng, việc dàn đều quần áo trong lồng giặt là vô cùng quan trọng. Đừng nén chặt hay nhét lệch về một bên. Lý do là khi đồ dồn về một phía, khi quay sẽ tạo lực ly tâm lớn, khiến máy rung mạnh, ồn ào, thậm chí có thể gây hư hỏng trục quay.
2. Đổ nước giặt sai chỗ
Sau khi cho quần áo vào, bước tiếp theo là thêm nước giặt. Và đây lại tiếp tục là bước rất nhiều người sai từ đầu đến cuối.
- Đổ thẳng nước giặt vào lồng máy: Tuyệt đối không nên đổ trực tiếp nước giặt lên quần áo trong lồng. Việc này có thể khiến quần áo bị loang màu, bạc màu tại chỗ tiếp xúc và dễ bị dư lượng nước giặt do chất lỏng ngấm sâu vào sợi vải.
Bạn hãy quan sát góc trên của máy giặt xem có một chiếc khay nhỏ không – đó chính là ngăn đựng chất tẩy rửa. Nếu có, hãy đổ nước giặt vào đó. Trường hợp máy không có khay thì bạn pha loãng nước giặt với nước trước rồi mới đổ vào lồng giặt.
Lưu ý là điều này áp dụng cho chất tẩy rửa dạng lỏng như nước giặt, nước xả, dung dịch khử khuẩn. Với dạng rắn như bột giặt hoặc viên giặt, bạn có thể thả trực tiếp vào lồng.
- Dùng sai ngăn trong khay đựng: Ngay cả khi đã dùng khay, nhiều người vẫn đổ sai ngăn. Trong khay thường có 3 ô nhỏ, mỗi ô có một chức năng riêng: Ô đầu tiên (bên trái) để đựng nước giặt chính, ô giữa đựng nước xả vải hoặc dung dịch khử khuẩn, còn ô thứ ba (thường nhỏ nhất) chỉ sử dụng khi chọn chế độ giặt có bước ngâm hoặc giặt sơ.
Nếu đổ nhầm, ví dụ như đổ nước giặt vào ô nước xả thì nước giặt sẽ chỉ được đưa vào máy ở giai đoạn xả. Khi đó không chỉ quần áo không sạch mà còn dễ bị dính bọt xà phòng sau khi giặt xong.
3. Vệ sinh máy giặt sai cách
Nhiều người nghĩ máy giặt dùng để giặt đồ thì tự nó sẽ sạch. Đó là sai lầm, máy giặt nếu không vệ sinh đúng cách sẽ biến thành ổ vi khuẩn ngấm ngầm làm bẩn quần áo.
Với máy giặt lồng ngang, có 2 "góc chết" rất dễ bị bỏ qua là:
- Gioăng cao su ở cửa máy: Đây là nơi nước hay đọng lại sau mỗi lần giặt. Bạn hãy thử lật lớp gioăng này lên, rất có thể sẽ thấy mốc, cặn bẩn, thậm chí cả tóc, kim bấm hay đồng xu mắc bên trong.
- Khay chứa nước giặt: Nơi tưởng chừng sạch sẽ này lại dễ bị bám cặn xà phòng, nhớt nháp. Bạn có thể tháo rời khay ra để rửa sạch cả bên trong lẫn phần khe trượt.
Lưới lọc nước thải cũng là vị trí cần được quan tâm. Máy giặt lồng ngang có lưới lọc nằm ở phía dưới, bên ngoài thân máy. Mở nắp nhỏ hình vuông, vặn nhẹ núm xoay là có thể lấy ra để vệ sinh. Nếu không làm sạch thường xuyên, rác và cặn bẩn sẽ làm tắc nước thải và gây mùi.
Bên cạnh đó, hầu hết máy giặt đời mới đều có chế độ tự vệ sinh lồng giặt. Tuy nhiên, nhiều người không biết sử dụng hoặc nghĩ không cần dùng đến.
Bạn cần biết là cấu trúc của lồng giặt gồm nhiều lớp, những lớp bên ngoài, nơi chứa nước bẩn sau mỗi lần giặt là nơi rất khó vệ sinh bằng tay. Chức năng “tự vệ sinh” sẽ giúp làm sạch lớp này.
Nếu máy có tính năng làm nóng nước trong quá trình vệ sinh, bạn có thể chỉ cần bật chế độ là đủ. Nhưng nếu máy không có tính năng đun nóng, hãy thêm chất tẩy chuyên dụng cho máy giặt trước khi chạy chương trình vệ sinh.
Nguồn: Toutiao