Vào khoảng 2-3 giờ chiều ngày 6/9, một người giao hàng (shipper) ngoài 50 tuổi ở quận Dư Hàng, thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) được phát hiện đã tử vong nghi do kiệt sức khi đang làm việc. Lúc đó, mọi người đều nghĩ rằng ông ấy chỉ mệt quá nên ngủ thiếp đi, không ai ngờ rằng...
Đến tối cùng ngày, một số shipper khác thấy người đàn ông này vẫn giữ nguyên tư thế từ chiều, cảm thấy có điều bất thường nên đã đến gần lay gọi nhưng không thấy ông ấy có phản ứng gì. Sự việc sau đó được trình báo lên cơ quan chức năng.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng và xe cứu thương đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ xác định người đàn ông đã tử vong. Cảnh sát sau đó đã phong tỏa hiện trường để điều tra làm rõ vụ việc, điều này thu hút sự chú ý của nhiều người dân xung quanh, trong đó có rất nhiều shipper.
Sự việc khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Theo lời kể của những người đồng nghiệp, người đàn ông này có thu nhập hơn 500 NDT (khoảng 1,7 triệu đồng) mỗi ngày. Thế nhưng, để có được số tiền đó, ông đã phải làm việc cật lực, không ngừng nghỉ, chạy hàng trăm đơn hàng mỗi ngày.
Thậm chí, có những hôm ông còn không có thời gian để ăn uống. Lượng đơn hàng mà ông hoàn thành mỗi ngày khiến nhiều đồng nghiệp trẻ tuổi cũng phải nể phục. Chính vì vậy, trong mắt đồng nghiệp, ông là "vua đơn hàng" - vừa đáng nể, vừa đáng thương!
Chắc hẳn, nếu không phải vì cuộc sống mưu sinh, không ai lại muốn bản thân phải chịu khổ cực như vậy. Thế nhưng, vì gánh nặng gia đình, vì trách nhiệm của một người trụ cột, người đàn ông trong câu chuyện trên không cho phép bản thân được nghỉ ngơi.
Câu chuyện của người đàn ông giao hàng là một minh chứng rõ nét cho cuộc sống bươn chải của những con người lao động. Đây cũng là một hình ảnh phản ánh một phần thực trạng xã hội hiện nay. Người đàn ông ấy đã ra đi không một người thân bên cạnh. Thậm chí, đến cả thời gian ông mất cũng không ai rõ.
Câu chuyện của người đàn ông giao hàng cũng là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Hãy biết quý trọng sức lao động, biết trân trọng những gì mình đang có và sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội!
Theo 163