Sáng 30-6, theo chỉ dẫn của người dân, phóng viên Báo Người Lao Động tiếp xúc với vợ chồng chị Nguyễn Thị D. (SN 1988; ngụ xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) - người được "thầy lang" chữa trị có thai nhưng đi siêu âm lại không có thai.
Vợ chồng chị D. khẳng định mình không phải là "nhân vật" mà mạng xã hội và báo chí đăng tải 2 ngày qua. Chị D cũng cho biết chỉ đi khám ở Bệnh viện BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng vào chiều 27-6 chứ không hề đi khám ở BV Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vào ngày 26-6. Chồng chị D. nói rằng bản thân anh cũng cảm thấy rất bất ngờ vì thông tin rất trùng hợp.
Dù vậy, vợ chồng chị D. đã chia sẻ về câu chuyện mang thai "tâm linh" và thực tế đi khám thì bệnh viện khẳng định không hề có thai.
Kết quả siêu âm tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng khẳng định chị D. không hề mang thai
Chồng chị D. kể, vợ chồng anh làm công nhân, lấy nhau được 6 năm nhưng chưa có con. Hai vợ chồng đã tìm đến nhiều cơ sở y tế trên cả nước để khám và điều trị hiếm muộn nhưng chưa thành công. Tháng 7-2019, qua giới thiệu của người quen, vợ chồng anh tìm đến nhà "thầy" ở xã Đại Phong (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nhờ giúp đỡ để có con.
Tại đây, "thầy" bắt mạch khám và khẳng định chữa trị trong vòng 3 tháng thì vợ anh sẽ có thai. Vợ anh được "thầy" cho uống thuốc, đến tháng 10-2019 thì được "thầy" thông báo đã mang thai. Từ thời điểm đó đến nay, vợ anh vẫn dùng thuốc của "thầy". Thuốc mà "thầy" cho uống được sắc từ lá cây có hình dạng giống như lá trầu không.
Theo chồng chị D, "thầy" là một người phụ nữ trẻ, chừng dưới 30 tuổi nhưng khi chữa bệnh cho mọi người thì có giọng nói trở thành một người đàn ông, nói giọng của đàn ông. "Thầy" cho biết mình chữa bệnh có thai "tâm linh" và dặn dò mọi người khi đến chữa bệnh thì phải tin tuyệt đối vào "thầy". Khi đã có thai, muốn đi siêu âm thì phải đến thắp hương van vái và được "thầy" cho uống một loại nước gì đó. "Thầy" cũng nói rằng nếu đi siêu âm mà không xin trước thì kết quả sẽ không có thai.
Chồng chị D. khẳng định sau khi được "thầy" thông báo có thai, vợ chồng anh từng đến xin "thầy" cho đi siêu âm và thực tế kết quả siêu âm tại cơ sở y tế khẳng định đã có thai. Tuy nhiên, anh này cho hay không giữ kết quả siêu âm vì đã giao nộp hết cho "thầy".
Trong khi đó, theo kết quả siêu âm vào ngày 17-4-2020 tại một phòng khám tư nhân ở huyện Thăng Bình mà vợ chồng chị D. đang cất giữ thì bác sĩ khẳng định chị D. không hề có thai. Vào ngày 27-6, vợ chồng chị D. ra bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng siêu âm và kết quả xác định chị D. không có thai. Chồng chị D. nói rằng trước khi đi siêu âm không trực tiếp tới xin "thầy" mà chỉ nhờ người xin giúp qua Zalo.
Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cũng xác định chị D. không hề mang thai
Vợ chồng chị D. nói rằng có rất nhiều cặp đôi hiếm muộn đến "thầy" chữa bệnh và kết quả đã có thai. Những cặp đôi đến nhà "thầy" chữa bệnh được đưa vào một nhóm chat Zalo để trao đổi thông tin. Vợ chồng chị D. còn cho biết cách đây chưa lâu, mọi người trong nhóm còn đi ăn đầy tháng con một cặp đôi hiếm muộn được "thầy" chữa bệnh thành công.
Chị D. cho hay kể từ khi được "thầy" thông báo có thai, cơ thể của chị thay đổi hẳn. Những tháng đầu, chị D. cũng bị "ốm nghén", không ăn được những thức ăn có mùi tanh như tôm cá. Chị D. cũng khẳng định đến thời điểm này, chị vẫn cảm nhận mình đang mang thai một đứa con trong bụng, chị vẫn thường xuyên bị đạp trong bụng và chị cảm nhận được rất rõ ràng. Từ 48 kg, đến nay chị D. tăng lên 70 kg.
Theo quan sát chủ quan bằng mắt thường của phóng viên, chị D. trông rất giống người đang mang thai, bụng khá to, người nở nang. Dù vậy, kết quả siêu âm khẳng định chị D. không hề có thai.
Được biết, trong sáng 30-6, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Công an huyện Thăng Bình đã đến nhà chị D. để tìm hiểu thông tin, điều tra sự việc. Chồng chị D. cho hay đã trình bày lại sự việc như câu chuyện anh kể với phóng viên ở trên.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, mới đây, bác sĩ Nguyễn Bửu Thuyên, Trưởng Khoa Sản – BV Vĩnh Đức, đã chia sẻ câu chuyện rất ly kỳ trên Facebook của mình. Cụ thể, khoảng 11 giờ ngày 26-6, BV tiếp nhận chị Nguyễn thị D. (SN 1988; ngụ huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đến nhập viện để sinh. Cùng đi với chị D. có khoảng 7 người trong nhà mang theo túi xách, đầy đủ áo, quần, khăn, tã....
Khi đến BV, bụng chị D. khá to, khệ nệ bước vào khám và xin được nhập viện để sinh. Các bác sĩ và nữ hộ sinh khẩn trương làm thủ tục cho chị D. nhập viện nhưng khi tiến hành khám xét chuyên khoa, xét nghiệm, siêu âm thì các bác sĩ phát hiện chị D. không hề có thai.
Theo bác sĩ Thuyên, chồng chị D. cho biết vợ chồng anh lấy nhau đã 7 năm nhưng chưa có con. Hai vợ chồng đã đi khám nhiều nơi nhưng chưa có kết quả, sau đó có người chỉ đến một "thầy" chuyên chữa bệnh có thai ở huyện Thăng Bình.
Khi đến chữa bệnh, "thầy" cho uống thuốc sau đó chị D. không có kinh và bụng cứ to dần. "Thầy" này quy định đã chữa "thầy" thì không được đi chỗ khác, không được siêu âm. Khi trễ kinh được 4 tháng, hai vợ chồng "lén" đi siêu âm. Bác sĩ trả lời không có thai, đem kết quả đến thì "thầy" thu giấy siêu âm và mắng một trận. Từ đó, hai vợ chồng không dám đi siêu âm nữa.