Vụ va chạm thiên thạch trên Trái Đất có thể giúp tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa

Mạnh Dương (Theo Science News), Theo vtv.vn 08:35 13/07/2025
Chia sẻ

Một cấu trúc va chạm thiên thạch mới được phát hiện ở Australia đang mở ra manh mối giúp tìm hiểu khả năng tồn tại sự sống cổ đại trên sao Hỏa.

Một khối đá hình nón vỡ, được tạo ra do sóng xung kích của thiên thạch xuyên vào lòng đất. (Ảnh: Harvard University)

Một khối đá hình nón vỡ, được tạo ra do sóng xung kích của thiên thạch xuyên vào lòng đất. (Ảnh: Harvard University)

Các nhà khoa học vừa phát hiện một cấu trúc va chạm thiên thạch cổ xưa tại khu vực North Pole Dome, Tây Bắc Australia. Đây có thể là một trong những hố va chạm lâu đời nhất trên Trái Đất, xảy ra cách đây hơn một tỷ năm, vào thời điểm hành tinh này chỉ có các sinh vật đơn bào sinh sống.

Nhóm nghiên cứu do nhà địa chất Alec Brenner (Đại học Yale) dẫn đầu cho biết, địa hình nơi phát hiện va chạm có những đặc điểm rất giống bề mặt sao Hỏa cách đây 3 - 4 tỷ năm, thời kỳ mà hành tinh đỏ có thể đã tồn tại nước và sự sống vi sinh. Những tảng đá hình nón kỳ lạ được xác định là "shatter cones" - dấu vết điển hình của một vụ va chạm thiên thạch mạnh, giúp xác định rõ vị trí tâm va chạm rộng khoảng 16km.

Đặc biệt, những lớp đá núi lửa 3,47 tỷ năm tuổi tại đây đã ghi lại bằng chứng của sự biến đổi do va chạm, bao gồm các khoáng chất titan bị nén - điều hiếm thấy trong địa chất Trái Đất. Ông Brenner ước tính vụ va chạm xảy ra trong khoảng từ 1,2 đến 1,8 tỷ năm trước, dựa trên dấu vết từ từ trường cổ đại còn lưu lại trong đá.

Vụ va chạm thiên thạch trên Trái Đất có thể giúp tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa- Ảnh 2.

Các khối đá hình nón vỡ (màu đỏ) đánh dấu nơi thiên thạch từng đâm xuống sa mạc Australia, dù miệng hố nay đã bị xói mòn. (Ảnh: Alec Brenner/Harvard University)

Phát hiện này có thể đóng vai trò như "phòng thí nghiệm tự nhiên" giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn cách va chạm thiên thạch và dòng thủy nhiệt có thể làm biến đổi dấu tích hóa thạch, điều rất quan trọng trong việc giải mã dữ liệu từ các mẫu đá mà tàu thám hiểm Perseverance đang thu thập trên sao Hỏa, đặc biệt tại miệng hố Jezero.

Theo chuyên gia Michaela Dobson (Mạng lưới Sinh học ngoài Trái Đất New Zealand), nghiên cứu các hóa thạch bị biến đổi tại North Pole Dome sẽ giúp "nhìn lại những môi trường cổ xưa bằng con mắt mới", từ đó hình dung cách các dấu hiệu sự sống có thể xuất hiện - hoặc bị che giấu - trong các mẫu đá sao Hỏa đã trải qua những tác động tương tự.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày